(HNMCT) - Gốm Phổ Khánh; Mạch nha Thi Phổ; Đúc đồng Chú Tượng... là những nghề truyền thống ở tỉnh Quảng Ngãi.
Gốm Phổ Khánh
Xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ) có hai làng gốm Trung Sơn và Vĩnh An được xem như cái nôi của nghề gốm đất nung ở Quảng Ngãi. Các hiện vật được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) cho thấy nghề gốm đất nung đã xuất hiện ở đây từ hơn 3.000 năm trước. Gốm Phổ Khánh không tráng men mà có màu đất nung tự nhiên, dáng thanh và rất bền bởi được phơi lâu, nung kỹ.
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha có màu vàng hổ phách, dẻo mà không dai, vị ngọt thanh, thoảng mùi hương nếp. Làng Thi Phổ (nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức) là nơi sản xuất kẹo mạch nha nổi tiếng cả nước. Ra đời từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, mạch nha Thi Phổ từng được bán rộng rãi ở kinh đô Huế và Hà Nội. Nghệ nhân làm kẹo mạch nha Phó Sáu (thôn Thiết Trường, thị trấn Mộ Đức ngày nay) từng được các vua triều Nguyễn phong hàm Cửu phẩm Văn giai. Còn dân gian truyền tụng câu “Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ” để nói về đặc sản này.
Mạch nha được chế biến từ gạo nếp và mộng lúa. Mộng lúa phơi khô được xay thành bột gọi là bột mầm. Sau khi nấu xôi, người ta rải bột mầm lên trên rồi đun sôi, khuấy nhuyễn trong khoảng 6 - 7 giờ, ép lấy nước, bỏ bã và đun tiếp cho đến khi nước mạch nha cô đặc thành kẹo hoặc đường mạch nha. Người Quảng Ngãi thường ăn mạch nha với bánh tráng, đậu phộng hoặc các món khác.
Đúc đồng Chú Tượng
Xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) có làng nghề đúc đồng Chú Tượng được hình thành từ khoảng thế kỷ XVII. Dân làng từng đúc vũ khí cho nhà Tây Sơn (1778 - 1802) hay đúc tượng cho vua Khải Định (1885 - 1925). Nghề đúc đồng Chú Tượng vừa cần kỹ thuật tốt, vừa đòi hỏi sự khéo léo, mang tính nghệ thuật cao. Thời kỳ phát đạt, Chú Tượng có hàng trăm hộ gia đình chuyên sản xuất nồi, khuôn ngói, đồ thờ, nhạc cụ, vũ khí nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đúc chuông. Ngày nay, sản phẩm của Chú Tượng được nhiều người biết đến thông qua các quả chuông được đúc tinh xảo ở chùa Thiên Ấn, chùa Ông, chùa Thình Thình, chùa Diệu Giác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.