Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề tranh Hàng Trống, còn... ông

ANHTHU| 15/02/2007 16:59

Xưa kia, mỗi năm vào dịp Tết, các nghệ nhân Hàng Trống ở các khu phố cổ thường mang ra bày bán tại sân đình phố HàngTrống. Tranh Hàng Trống đã từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hà thành.

Xưa kia, mỗi năm vào dịp Tết, các nghệ nhân Hàng Trống ở các khu phố cổ thường mang ra bày bán tại sân đình phố HàngTrống. Tranh Hàng Trống đã từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hà thành.

Vậy mà, trong những năm gần đây, tìm được một bức tranh Hàng Trống không phải là chuyện dễ, người ta đã lo sự biến mất của dòng tranh này khi chỉ còn duy nhất một nghệ nhân làm tranh.

Lê Đình Nghiên là thế hệ thứ ba trong một gia đình có nghề truyền thống làm tranh ở làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Tây). Từ đời cụ nội ông đã đến Hàng Trống lập nghiệp, tính ra đến nay đã ngót trăm năm. Ông sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em và vào nghề từ khi còn rất bé. Hồi đó ông chuyên mài mực cho bố vẽ tranh, tuy gia đình đông anh em, con cháu nhưng rồi chỉ mỗi ông còn đeo đuổi nếp nghề. Ký ức về phố tranh Hàng Trống một thời đã khắc sâu trong ký ức của cậu bé Nghiên. Ông kể lại: “Hàng Trống xưa kia là phố làm tranh và bán tranh sầm uất. Bên cạnh Hàng Trống thì Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Mành... đều là nơi bán tranh, nhưng vẫn là họa phẩm của tranh Hàng Trống. Tranh được làm quanh năm, nhưng vào dịp gần Tết Nguyên đán làm nhiều hơn cả”. Người Hàng Trống sống bằng nghề làm tranh, nên họ làm tất cả các việc liên quan đến nghề. Ngoài tranh Tết, tranh cho đền phủ, người ta còn vẽ tranh nhà táng, tranh “cầu” siêu độ cho người quá cố....

Cũng giống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trốngsử dụng nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống, cha truyền con nối, qua nhiều công đoạn khó khăn, tỉ mỉ. Nếu như tranh Đông Hồ phải làm qua 3 khâu: vẽ mầu, khắc ván và in thì tranh Hàng Trống ngoài các bước quan trọng tạo nên đặc trưng riêng cho dòng tranh này còn thêm khâu “vờn” tranh. Tranh Hàng Trống chỉ có khâu in nét là được làm hàng loạt, còn khâu tô vẽ màu thì làm từng bức. Người nghệ nhân khi vẽ tranh còn sáng tạo thêm so với tranh mẫu, tùy theo khả năng của người vẽ tranh. Việc tô màu bằng tay, dùng bút mềm quyệt phẩm nước, luôn luôn tạo được sự chuyển sắc đậm nhạt tinh tế, nhờ vậy màu sắc rất uyển chuyển, đáp ứng được đòi hỏi của khách mua tranh Kẻ Chợ.

Tranh Hàng Trống được in trên giấy dó hay giấy báo khổ rộng với những sắc màu truyền thống, loại màu rất khó làm và đắt tiền. Để làm được màu đỏ người thợ vẽ phải mài son thật mịn, trộn son với nước bồ kết và nhựa thông, màu đen được lấy từ da trâu trộn nhựa thông. Sau này để giảm chi phí làm tranh, người thợ Hàng Trống thường sử dụng màu in lấy từ thiên nhiên như hoa hiên, son, thái thanh lam.... Những bộ tứ bình khổ to thường được bồi trên giấy dầy hai đầu trên dưới lồng xuất trúc để tiện treo. Cùng với các đề tài phản ánh sinh hoạt thường ngày hay minh họa cổ tích, tranh Hàng Trống nổi trội về thể loại tranh thờ, ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo với hình tượng tương đối giản dị mà thể hiện khá công phu, không bao giờ thiếu sắc thái uy vệ.

Ông Nghiên bảo: “một bức tranh hoàn chỉnh trước tiên là phải biết cách bồi bức tranh lên trên mặt gỗ thế nào cho phẳng, cho ngay ngắn. Bồi không khéo khi gặp trời khô, tranh cong vênh lên như bánh đa, công lênh tô màu xem như đổ xuống sông xuống bể”. Công đoạn tô màu cũng muôn phần phức tạp. Bức tranh màu sắc thế nào thì tranh tô cũng phải y nguyên như vậy. Một bức tranh được xem là đạt yêu cầu khi đường nét sắc gọn, màu tô không bị trùm lên nét in, không được loang sang nhau, bức tranh phẳng phiu, bố cục cân chỉnh.

Ông Nghiên hiện đang lưu giữ khoảng gần 40 ván in, nhưng do điều kiện bảo quản tại gia đình chưa tốt nên về lâu dài chưa chắc chúng đã còn nguyên dạng. Điều ông Nghiên trăn trở là chưa tìm được người biết khắc ván in. “Ván lỗi thì tranh sai, mà bức tranh bị in sai nét thì không còn là tranh nữa”.

Thú chơi tranh trong nhà mỗi dịp Tết đến của người dân thành thị đã tạo nên sức sống cho dòng tranh này suốt hàng trăm năm qua, nhưng tranh hàng Trống bây giờ ít người mua nên khó bán. Cả một khu phố làm tranh nhộn nhịp ngày xưa giờ đâu hết. Người chơi tranh Hàng Trống ngày nay không còn chơi theo mùa Tết mà lượng người chơi cũng không nhiều.

Ông Nghiên bảo: “mình là người còn kiên gan với nghề. Nhà mình nay đã chuyển lên phố Cửa Đông nhưng vì giữ nghề mình vẫn làm tranh với mong ước truyền lại nghề cho con trai. Mình muốn con trai mình cũng theo tranh, nhưng cậu có vẻ không thiết tha lắm, nhiều lần tâm sự với con, mình đã nói, nếu sau này con không theo nghiệp gia đình thì mỗi khi rảnh rỗi con nên dành chút thời gian để vẽ tranh, giữ gìn nghề truyền thống của gia đình”. Nếu nghệ nhân già mất đi không truyền nghề được cho con cháu thì coi như thất truyền, ông rất sợ điều này, sợ nghề của tổ tiên mình mai sau sẽ không còn ai biết đến.

Ngày ngày, ông Nghiên vẫn tự làm lại những bản khắc tranh mới mà hiện chỉ còn mẫu tranh. điều ông trăn trở nhất hiện nay là nguy cơ thất truyền của dòng tranh Hàng Trống. Bởi vậy, mỗi khi Tết đến, ông thường tổ chức những buổi giới thiệu tranh, để khẳng định một dòng tranh dân gian một thời vẫn đang tồn tại.

Tranh Hàng Trống nhìn vào đã thấy rực rỡ, chói chang, ở nó có sự sống động của một không khí rộn ràng, náo nức... Nhìn vào tranh đã thấy ngay cái chất tỉ mỉ tài hoa của người Kẻ Chợ. Tiếc rằng bây giờ những khách hàng quen thuộc của ông đa số lại là du khách nước ngoài; thế nên dòng tranh này tồn tại được bao lâu ông cũng không biết nữa. Ông vẫn nuôi ước mơ phục hồi và phát triển tranh Hàng Trống như một giá trị văn hóa độc đáo, lưu giữ và bảo vệ nó như một phần hồn của Hà Nội cổ xưa.

Hạ Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề tranh Hàng Trống, còn... ông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.