(HNMO) - Ngày 16-10, tại Toà nhà Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tổ chức tọa đàm "Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động".
Tranh cổ động, thường gọi là tranh áp phích thuộc thể loại đồ họa, mang tính khái quát, tượng trưng hoặc điển hình hoá, có nội dung thông báo, cổ động hay quảng cáo. Ở nước ta, ngay từ khi mới ra đời, tranh cổ động đã có vai trò to lớn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị và đời sống nhân dân, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc.
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn vàng son của tranh cổ động thời kỳ kháng chiến, đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ với sự nở rộ của hàng loạt tranh cổ động của các hoạ sĩ bậc thầy, như: Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị...
Nhiều bức tranh đã gắn bó với cuộc sống, chiến đấu, lao động, sản xuất và đi vào tiềm thức của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào, đồng thời là dấu ấn đậm nét về sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và dân tộc.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động; tính báo chí của tranh cổ động, với những đặc trưng rõ nét, như: Tính thời sự, tính đại chúng, tính mục đích, tính cô đọng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo... Qua đó khẳng định, tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, đã và đang đồng hành cùng dân tộc và thời đại trên con đường đấu tranh cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, là nét chấm phá rất riêng, rất độc đáo của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Tranh cổ động Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa, văn hóa dân gian, lịch sử mỹ thuật, sử liệu học của đất nước.
Nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động, với hàng trăm tác phẩm tranh cổ động tiêu biểu phản ánh nhiều giai đoạn đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.