Văn hóa

Nghệ thuật minh họa báo chí, xuất bản: Vượt thách thức, nâng giá trị

An Nhi 25/06/2023 - 07:00

Minh họa là một hình thức nghệ thuật không thể thiếu của báo chí, xuất bản. Bên cạnh vẽ tay, ngày càng có nhiều cách thức để sáng tạo minh họa, thậm chí, công nghệ hiện đại đang thay thế nhiều công đoạn. Song, các họa sĩ đương đại vẫn miệt mài theo đuổi nghệ thuật minh họa và tạo nên những sáng tạo giá trị, làm phong phú đời sống văn học, nghệ thuật.

minh-hoa.jpg
Họa sĩ Trần Thị Thu (trái) và họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ về việc sáng tạo và nâng giá trị của minh họa báo chí và xuất bản hiện nay. Ảnh: Thụy Du

Thách thức từ thời đại số

Minh họa góp phần tạo nên sự sống động, thành công của các ấn phẩm báo chí, xuất bản, đặc biệt là các tác phẩm văn chương như truyện ngắn, truyện dài kỳ, bút ký, tản văn, thơ… Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) nhận định, họa sĩ minh họa ở thời nào cũng vậy, bằng ngôn ngữ tạo hình sáng tạo của mình cộng hưởng, gợi mở, dẫn dụ, lôi cuốn, góp phần tỏ rõ nội dung văn bản. Những bức minh họa đẹp chắp cánh, tăng giá trị của văn bản, giúp độc giả thụ hưởng, tiếp nhận thông tin bằng nhiều hình thức.

Đáng mừng là hiện nay, có nhiều thế hệ tài năng đang theo đuổi nghệ thuật minh họa. Triển lãm Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản Việt Nam 2023, do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là cuộc quy tụ nhiều gương mặt xuất sắc của minh họa nước nhà.

Thực tế, hoạt động minh họa báo chí đang đứng trước thách thức lớn của sự phát triển truyền thông đa phương tiện. Nhiều tờ báo in dừng hoạt động, hoặc chuyển đổi hình thức, ít cần đến minh họa. Chỉ những tờ báo thuần văn hóa - văn nghệ như Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ công an, Thời báo Văn học nghệ thuật, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Người Hà Nội; hay những tờ báo có ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng như Báo Nhân Dân, Báo Hànộimới, Báo Quân đội nhân dân… là vẫn luôn cần sự song hành của nghệ thuật minh họa.

Trong khi minh họa báo chí ít dần “đất diễn” thì ở lĩnh vực xuất bản, nghệ thuật minh họa khá phát triển, nhất là sách cho độc giả nhỏ tuổi. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, có hơn 38.000 xuất bản phẩm nộp lưu chiểu, với gần 6 triệu bản sách ra đời. Ấn phẩm nào cũng có nghệ thuật minh họa từ bìa sách đến phần ruột bên trong, tạo nhiều cơ hội cho nghệ thuật minh họa phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển của các thiết bị chụp ảnh số và tranh vẽ kỹ thuật số, đặc biệt là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), chỉ cần một khoảng thời gian ngắn, vài chục giây có thể ra đời một minh họa, đang trở thành đối thủ với họa sĩ minh họa...

Nhân thêm giá trị tác phẩm

Nghệ thuật minh họa ngày càng phát triển đòi hỏi mỗi họa sĩ phải luôn đổi mới sáng tạo. Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ: “Yêu cầu minh họa hiện nay bên cạnh sự mới mẻ, hấp dẫn, còn phải nhanh. Điều này đòi hỏi họa sĩ phải có vốn kiến thức sâu rộng, tư duy nhạy bén. Hầu hết các họa sĩ đều phải học để vẽ bằng máy tính thay vì vẽ tay nhằm đáp ứng yêu cầu mới”.

Trước thách thức của công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, họa sĩ Nguyễn Hữu Tiệp khẳng định, AI vẫn không thể thay thế bàn tay, khối óc con người trong việc minh họa. Tuy nhiên, họa sĩ phải luôn học tập, sáng tạo từ công nghệ mới để không bị tụt hậu. Còn họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, để tạo nên sự khác biệt và giá trị cho tác phẩm minh họa, họa sĩ phải luôn đổi mới chất liệu. Những năm gần đây, họa sĩ Phạm Hà Hải đã nghiên cứu tìm tòi vẽ tranh, trong đó minh họa bằng chất liệu giấy giang thủ công truyền thống của đồng bào Mông. Tính xốp với những đường gân tự nhiên đặc trưng của chất liệu này cộng hưởng với màu, nét vẽ không chỉ tạo nên một tác phẩm minh họa mới lạ, có chiều sâu trên các ấn phẩm, mà còn làm phong phú cho hoạt động sáng tác của họa sĩ và góp phần giúp người dân bản địa bảo tồn nghề truyền thống.

Ở một góc độ khác, Giám đốc Công ty TNHH Ảnh Việt (Vimages) Trần Thị Diễm Châu cho rằng, cần nhân thêm giá trị cho các tác phẩm mỹ thuật, trong đó có minh họa. Để phát triển công nghiệp văn hóa, xuất khẩu văn hóa thì Việt Nam nên có nhiều ngân hàng dữ liệu số về hoạt động sáng tạo. Ngân hàng dữ liệu là nơi quy tụ các nguồn hình ảnh, tác phẩm đồ họa, hội họa, phim ảnh, âm thanh, âm nhạc… của các tác giả trong và ngoài nước. Đối với nghệ thuật minh họa, khi có ngân hàng dữ liệu, các đơn vị báo chí, xuất bản sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm minh họa phù hợp. Ngân hàng dữ liệu cũng sẽ tăng cơ hội để họa sĩ trao đổi tác phẩm, tăng thu nhập từ việc cung cấp tác phẩm minh họa đến người dùng…

Bên cạnh nỗ lực đổi mới sáng tạo của họa sĩ, sự quan tâm, nhận thức đúng về giá trị của nghệ thuật minh họa với báo chí, xuất bản của các nhà quản lý và dành vị trí xứng đáng và đầu tư cho hoạt động sáng tạo góp phần tạo những chuyển động tích cực cho lĩnh vực này phát triển, đồng thời tăng sức hấp dẫn của xuất bản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật minh họa báo chí, xuất bản: Vượt thách thức, nâng giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.