Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật không thể tách rời kỹ thuật

Thi Thi| 02/02/2012 06:56

(HNM) - Nhà quay phim trẻ K'Linh (sinh năm 1975) vừa đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất (cùng với tay máy Nguyễn Nam) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. K'Linh sẽ chia sẻ với bạn đọc Hànộimới về nghề quay phim cũng như câu chuyện làm phim với máy quay hiện đại.


- Anh đến với nghề quay phim theo "kịch bản" có sẵn hay cũng tình cờ?


- Tôi làm nghề này chắc cũng do tính ham chơi và ham vui của mình. Trong gia đình tôi không có ai theo nghề điện ảnh. Thậm chí trước đó tôi đã dự định nối nghiệp mẹ là họa sĩ vẽ tranh lụa Hoàng Minh Hằng, nhưng đến lúc thi vào trường mỹ thuật thì... quên vì mải đi du lịch với bạn. Lúc đó các trường đại học khác đã hết nhận đơn, may mắn là nhà thơ Phan Vũ (bạn của mẹ tôi) đã nộp đơn giúp vào Trường Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Ngày đầu học chỉ là để đợi năm sau thi lại mỹ thuật, nhưng càng học càng thấy thích nên theo nghề luôn.

K’Linh nghiên cứu những góc quay trong bộ phim Giao lộ định mệnh.

- Anh là người cầm máy cho bộ phim võ thuật cổ trang "Thiên mệnh anh hùng" vừa ra mắt. Riêng đầu tư cho phần quay phim có làm anh hài lòng không?

- Với một dự án như phim "Thiên mệnh anh hùng" thì kinh phí hơn 25 tỷ đồng không phải là nhiều. Chúng tôi đã phải rất tiết kiệm và áp dụng "tuyệt chiêu" của người Việt chúng ta là trong cái khó ló cái khôn. Thời gian quay kéo dài tới gần 4 tháng trải qua nhiều địa điểm từ Bắc vào Nam đã là một thách thức lớn về kinh phí. Tuy nhiên, đây cũng là một phim tôi được nhà sản xuất hỗ trợ hết mình trong điều kiện họ có.

- Có phải chiếc máy quay được sử dụng trong "Thiên mệnh anh hùng" là dòng máy hiện đại nhất hiện nay?


- Khi bắt đầu chuẩn bị cho dự án chúng tôi quyết định sử dụng máy quay phim kỹ thuật số độ phân giải cao thế hệ mới nhất của hãng Red để đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật như độ sâu về màu sắc, độ phân giải, tốc độ quay cao (quay slow motion), có thể ghi lại những chuyển động chậm. Lúc đó máy quay này mới ra mắt tại thị trường Mỹ, một người bạn đã đem về cho chúng tôi sử dụng.

- Quay phim vừa là kỹ thuật vừa là nghệ thuật. Phần nghệ thuật được anh đầu tư trong từng góc máy như thế nào?

- Hai khái niệm kỹ thuật và nghệ thuật của quay phim không thể tách rời nhau. Nếu bạn nghĩ ra được cách thể hiện hình ảnh thì bạn phải có điều kiện kỹ thuật để thực hiện nó. Ví như cảnh đầu trong phim chúng tôi thật sự cần một bộ flyingcam (máy quay gắn trên trực thăng), nhưng kinh phí không cho phép vì nếu thuê một bộ flyingcam từ bên Hongkong phải mất hơn 30 nghìn USD cho một ngày quay. Giải pháp cuối cùng là dùng xuồng máy để tạo được hiệu ứng hình ảnh, tuy không được hoàn toàn như ý muốn nhưng cũng được 75%. Đó là một trong nhiều chuyện "bếp núc" đáng nhớ trong bộ phim này.

- Anh đã từng được đào tạo về nghề ở đâu ngoài trường điện ảnh ở Việt Nam? Anh nghĩ gì về thế mạnh và hạn chế của lớp quay phim trẻ hôm nay?

- Tôi có được tham dự khóa đào tạo ngắn hạn ở Trường USC tại Mỹ. Qua đó mới thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp và thấy nền điện ảnh mình dường như chỉ ở mức độ sơ khai. Thế mạnh của lớp quay phim trẻ là được cập nhật và tiếp xúc ngày một sâu rộng với văn hóa thế giới và tiến bộ kỹ thuật hơn cả lứa chúng tôi, tuy nhiên hình như họ ham kiếm tiền hơn và cũng ham vui, ham chơi như tôi.

- Xin cảm ơn anh, chúc anh gặt hái nhiều thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật không thể tách rời kỹ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.