Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật dân gian Myanma - di sản phi vật thể quý giá!

TUYETMINH| 08/02/2008 10:16

(HNMO)- Trong một lần vinh dự được có mặt trong nhóm phóng viên nước ngoài đi dự tuần lễ giao lưu báo chí do Quỹ văn hoá ASEAN tổ chức tại Myanmar, tôi cảm thấy háo hức khi được đến thăm một đất nước mà rất ít người có dịp được đến.


Tài sản vô giá của đất nước

Dù bị ảnh hưởng của nhiều nước xung quanh, nhưng nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo và Bamar. Nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và sân khấu. Và âm nhạc dân gian, múa dân gian đã và đang trở thành một tài sản vô cùng quý giá đối với người dân nước này. Trong lần đến thăm Đài phát thanh và truyền hình Myanmar (MRTV), đoàn phóng viên ASEAN đã được ông U Khin Maung Htay-Tổng Giám đốc, mời thưởng thức một chương trình ca múa nhạc dân gian đang được ghi hình. ấn tượng nhất không chỉ với những phóng viên Việt Nam mà còn cả các nước khác là một dàn nhạc truyền thống Myanmar được đặt tại phòng ghi âm. Nó bao gồm một bộ trống, một bộ cồng chiêng, những chuông tre, và những nhạc cụ hơi, gồm hne - cho âm thanh rất cao - và sáo cùng chũm chọe. Trong bộ trống, có một trống cái treo trên giá đỡ có hình rồng bay. Chiêng và trống được trang trí bằng những đường viền sặc sỡ và vui mắt với những miếng kính và vàng khảm trên tang trống; những chiếc trống này có thể tháo ra được để đem đi khắp mọi nơi. Một bộ trống lớn có tới hai mươi mốt chiếc, còn bộ trống nhỏ thì có chín chiếc. Bộ cồng gồm mười chín chiếc. Đôi khi, thay cho bộ cồng là bộ chiêng tứ giác, nó gồm dàn chiêng treo trên một chiếc khung hình chữ nhật và thêm một vài chiếc chiêng tròn. Sau những thanh âm đối chọi gay gắt đầy kịch tính, mang phong cách đặc trưng và đầy bản sắc cung đình của một quốc gia đã từng một thời hưng thịnh. 

Đặc biệt, một nhạc cụ giống như đàn hạc nhưng lại có tới 13 dây được trang trí cực kỳ bắt mắt với bàn tay gẩy điêu luyện từ một nữ nhạc công cũng xinh xắn và mảnh mai hệt như cây đàn. Tìm hiểu qua người nhạc công, chúng tôi mới biết tên của chiếc đàn là Saung-gauk. Đây là một loại đàn đặc trưng nhất của Myanmar có hình dáng giống như chiếc thuyền và thường được đệm cho các bài hát cổ. Muốn chơi được loại nhạc cụ này điêu luyện và có hồn, các nhạc công phải luyện tập ít nhất trong vòng 10 năm. Vì lẽ đó, các nhạc công chơi thành công loại đàn này ở Myanmar không có nhiều và khoản đầu tư cho tập luyện cũng không hề ít.



Ngoài ra, Myanmar còn có một số nhạc cụ dân tộc tiêu biểu khác khá ấn tượng như Sidaw (trống đại) dùng trong những dịp lễ trọng đại, ozi (trống có hình chiếc vò) và dobat (trống cơm) dùng trong hội làng, bonshay (chiếc trống dài) và bongyi (trống cái) dùng trong hội mùa và hội xuống đồng. Trống của người Miến Điện có thể thay đổi được âm vực, người ta đính một cục cơm nếp trộn với tro vào đáy trống làm âm thanh của nó thay đổi. Và còn rất nhiều nhạc cụ độc đáo khác như:Đàn puttalar là một loại mộc cầm làm bằng các thanh tre hay thanh gỗ. Người Chin có một loại kèn giống như kèn ôboa, gọi là bu-hne, một quả cầu có gắn một số ống tre hay sậy. Bộ cồng chiêng của người Mon được treo giá đỡ hình móng ngựa. Sáo của người Kayah là những ống tre dài ngắn khác nhau kết lại thành hình tam giác.

Không chỉ ấn tượng với nền âm nhạc dân gian của đất nước có truyền thống văn hoá lâu đời này, chúng tôi còn có dịp tận hưởng những điệu múa cổ truyền rất độc đáo của Myanmar. Nghệ thuật múa của Miến Điện đã có từ thời đại tiền - Phật giáo, khi việc thờ cúng nat (thần linh) luôn kèm theo việc nhảy múa. Các vũ điệu Miến Điện rất sôi nổi và đòi hỏi người biểu diễn phải thực hiện những cử động rất khó giống như làm xiếc. Ngoài ra vũ điệu Miến cũng rất đoan trang, các vũ công nam nữ không khi nào chạm vào nhau. Những người mới học trước hết sẽ được dạy múa ka-bya-lut, một vũ điệu truyền thống căn bản.



Có một vũ điệu hết sức thú vị trong đó các vũ công làm những động tác như những con rối. Chính vì thế mà người ta nói rằng vũ điệu của người Myanmar là sự bắt chước kịch rối, thể loại sân khấu đã có thời thay thế cho những vũ công thật. Nữ vũ công chính mặc trang phục cung đình, áo khoác tay dài, vạt rộng thắt eo; longyi dài phấp phới theo những bước chân. Vũ công nam chính ăn mặc như hoàn tử, longyi lụa, áo khoác và chít khăn trắng. Các vai khác gồm tiểu đồng, binh lính, zawgyi (pháp sư) và nat.

Yein, vũ điệu nổi tiếng trong Lễ hội Nước, với các vũ công, thường là nữ, ăn mặc giống nhau và thực hiện những động tác như nhau, còn hna-par-thwa là màn múa đôi. Điệu múa con voi, trong Lễ hội Múa Voi được tổ chức tại Kyaukse, gần Mandalay, với những vũ công đội những hình nộm voi bằng bìa. Điệu múa anyein là kết hợp điệu múa đơn với anh hề lupyet xen vào chọc cười giữa màn diễn, châm chọc những sự kiện đương thời và những chủ đề khác. Đôi khi hai hay nhiều vũ công lần lượt biểu diễn với gươm giáo hay những loại trống lớn nhỏ. Các điệu múa của người thiểu số thường là các màn múa thành nhóm, trong đó các nam nữ thanh niên nhảy múa với nhau, điều rất hiếm thấy trong các điệu múa của người Miến.

Đầu tư cho thế hệ "nối dõi" 


Dàn nhạc dân gian trẻ em của Myanmar

Nghệ thuật dân gian luôn là một kho tàng văn hoá cực kỳ vô giá của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, không chỉ đất nước Myanmar mà nhiều quốc gia khác đều đang nỗ lực tìm kiếm biện pháp nhằm bảo tồn di sản phi vật thể quý giá này. Trong thời gian thăm và làm việc tại đây, các phóng viên ASEAN đã được theo dõi một cuộc thi ca múa nhạc cổ truyền của Myanmar tổ chức tại trường đại học nông nghiệp quốc gia. Cuộc thi thu hút sự tham dự của hàng nghìn tài năng trẻ (từ độ tuổi 5 đến 15) nhằm chọn ra những hạt giống cho văn hoá dân gian. 

Điều ngạc nhiên là tại cuộc thi có cả những nhạc công cồng chiêng mới ...lên 5 tuổi. Tên cậu bé là Saw Lwin Nyein, sống ở vùng Đông Bắc của thủ đô mới Naypyidaw. Sau bài biểu diễn xuất sắc, khi được hỏi về lý do đến với nhạc cụ này, cậu đã hồn nhiên trả lời: “Cháu biết đánh cồng chiêng lúc mới lên 3 tuổi. Bố mẹ cháu không ai biết về nhạc cụ này. Cháu thấy thích khi đến chơi với một nhạc công ở trong làng. Vậy là cháu tập thôi. Đánh nhiều đau tay lắm. Nhưng thích thì không thấy đau nữa”. Còn thầy giáo của cậu bé, anh Zaw Myint, từng du học ở Nhật Bản, cho biết: “Chúng tôi dạy các cháu vì muốn lưu giữ một tài sản quý giá của dân tộc. Chúng tôi không lấy tiền. Mà có lấy thì gia đình các cháu cũng làm gì có. Chính phủ chỉ chi trả khi các cháu được lựa chọn vào nhóm tài năng của quốc gia thôi”. 



Để tạo được thế hệ "nối dõi" cho nền nghệ thuật dân gian còn quá nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn được nhiều tài năng trẻ cho những điệu múa và âm nhạc dân gian. Hy vọng trong tương lai không xa, Chính phủ Myanmar sẽ có thêm nhiều sự đầu tư cho những tài năng trẻ như Nyein để nối dõi tổ tông, mang tinh hoa của văn hoá quốc gia đến với các sàn diễn quốc tế.

Bài, ảnh:Tuyết Minh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật dân gian Myanma - di sản phi vật thể quý giá!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.