(HNMO) - Doãn Hoàng Kiên là một nghệ sĩ đa tài. Từ một nghệ sĩ xiếc được đào tạo bài bản, anh bước vào lĩnh vực hội họa, nghệ thuật sắp đặt, từng thử sức ở âm nhạc, điện ảnh và cả đạo diễn… Ở lĩnh vực nào, anh cũng đắm đuối, hết lòng và tràn đầy nhiệt huyết.
Nghệ sĩ đa tài
Thân thiết với Doãn Hoàng Kiên từ 25 năm về trước nhưng tôi vẫn luôn bất ngờ về con đường nghệ thuật của anh.
Dạo ấy, quãng năm 1994, tôi gặp Doãn Hoàng Kiên khi anh vừa đoạt giải đặc biệt Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ 16 ở Paris, Pháp với tiết mục: “Đế kiếm trên thang”. Tiết mục này "đốn tim" bao khán giả không chỉ vì diễn viên đẹp trai mà còn vì lòng dũng cảm của người nghệ sĩ.
Không chỉ biểu diễn xiếc, thi thoảng, Doãn Hoàng Kiên còn tham gia đóng phim. Tài năng diễn xuất cộng ngoại hình đẹp đã giúp anh “đóng đinh” nhiều vai nam chính bên cạnh những bóng hồng của điện ảnh Việt Nam như: Việt Trinh, Khánh Huyền, Hồ Ngọc Hà...
Có thể kể tên những phim mà anh tham gia như: “Hát giữa chiều mưa”, “Khách ở quê ra”, “Chiến dịch trái tim bên phải”, “Những người trẻ tuổi”, “Người sót lại của rừng cười”, “Vua bãi rác”...
Nổi danh trong xiếc và điện ảnh là thế nhưng rồi Doãn Hoàng Kiên lại rẽ ngang để theo nghiệp… vẽ. Ở tuổi 30, anh chăm chỉ cắp sách đến giảng đường ở phố Yết Kiêu học vẽ và gắn bó với hội họa cho đến tận bây giờ.
Ngã rẽ bất ngờ
Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên là con nhà nòi. Cha anh, nghệ sĩ xiếc Doãn Ngọc Anh từng nổi danh trong gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển. Mẹ anh là diễn viên điện ảnh Tuyết Liên.
Năm 13 tuổi, Doãn Hoàng Kiên vào học trường xiếc. Được cha truyền dạy với tất cả niềm đắm say tôn thờ với xiếc, đặc biệt là tiết mục "Đế kiếm trên thang'', một trong những tiết mục tinh hoa của nghệ thuật xiếc thế giới mà ông là diễn viên đầu tiên biểu diễn thành công, Doãn Hoàng Kiên đã kế thừa, phát triển tiết mục này và đã khẳng định mình trên sân khấu tròn.
Bước ngoặt trong cuộc đời của anh xảy đến thật bất ngờ. Trong một lần tham gia biểu diễn tại Nhà Văn hóa tỉnh Cao Bằng, Kiên bị một tai nạn nghiêm trọng (ngã từ trên độ cao 7,5m xuống sàn sân khấu) nên chấn thương nặng.
“Tôi quá may mắn bởi cú ngã của số phận đã không kết thúc cuộc sống của mình, nhưng nó để lại những dư chấn sâu và mang đến cho tôi những thay đổi kỳ lạ về mặt tinh thần. Tôi hiểu cuộc sống thật là mong manh, bất trắc. Và tôi cũng nhận ra một điều rằng, mình chỉ có một đời sống duy nhất, hãy sống và làm những gì mình yêu thích. Tôi bước vào hội họa từ đó”... anh chia sẻ.
Một lần nữa, Doãn Hoàng Kiên lại may mắn khi anh được những bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam như họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Phạm Viết Song… dìu dắt. “Ở hội họa, tôi tìm thấy sự chia sẻ nội tâm, những khát vọng khám phá đời sống và khám phá bản thân, và cũng chỉ ở hội họa tôi mới được độc lập và tự do sáng tạo thỏa thích” – anh nói.
Công bằng mà nói, Doãn Hoàng Kiên không hẳn là từ bỏ nghệ thuật xiếc. Anh vẫn hoạt động trong nghề, chỉ có điều là không phải trực tiếp đứng trên sân khấu. Vai trò của anh là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ cho diễn viên biểu diễn. Thi thoảng anh tham gia vào việc chia sẻ kinh nghiệm hay kỹ năng biểu diễn xiếc cho các bạn trẻ.
Sống hết mình với đam mê
Với Doãn Hoàng Kiên, nghệ thuật là hành trình để khám phá chính bản thân mình trong cuộc sống vốn rất hữu hạn này.
Triển lãm "Giới hạn'' (Limits - 2008) là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh được quỹ CDEF Đan Mạch tài trợ. Anh đã dùng nghệ thuật sắp đặt kết hợp với tranh, giá vẽ với ý tưởng “cuộc sống, con người là vô vàn những giới hạn và mong muốn khám phá để vượt qua những giới hạn. Đó cũng là ước mơ, khát vọng của con người trước thế giới, cho dù chỉ là đôi khi vượt qua được giới hạn này ta lại bắt gặp một giới hạn khác mà thôi”…
Ngoài hội họa, Doãn Hoàng Kiên còn tiếp cận các loại hình nghệ thuật khác như sắp đặt hay trình diễn hoặc phim thử nghiệm, video art... Anh cũng tạo được dấu ấn trong vai trò đạo diễn phim. Các phim ngắn anh làm thường tập trung phản ánh cuộc sống của bản thân và cảm nhận của chính mình với đời sống.
Vài năm trở lại đây, Doãn Hoàng Kiên tham gia đều đặn các hoạt động nghệ thuật sắp đặt đình đám trong nước như: “Hội tụ ánh sáng”, “Cầu âm thanh”, “MTV Exit”... và nhiều dự án nghệ thuật của nước ngoài.
Vào đúng Tết Nguyên tiêu và ngày Thơ Việt Nam 2019, anh có tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với tên gọi "Điều còn thiếu?'' tại sân Thái Miếu (Văn Miếu- Quốc Tử Giám).
Mỗi người đều có góc sâu thẳm khao khát được tìm thấy điều mà mình còn thiếu, điều khiến mình tìm tòi, lao động, sống và yêu. Từ lâu, những câu hỏi lớn vẫn tồn tại trong nhân gian: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta sẽ đi về đâu?… Tác phẩm "Điều còn thiếu?'' của anh đã tác động trực diện đến tư duy người xem, bắt họ phải nghĩ, phải hỏi, phải phỏng đoán, phải chia sẻ.
Hiện nay, tại không gian của Phố sách Hà Nội đang diễn ra triển lãm “Be the Change” với những tác phẩm sắp đặt nhằm truyền đi thông điệp nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa.
Tác phẩm “Rùa” của Doãn Hoàng Kiên (ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức) gây ấn tượng thị giác mạnh với cảm giác: Rác thải nhựa không chỉ ngập trong môi sinh của con người mà còn lấn át trong cả văn hóa, trong phong cách sống của người dân.
Với Hà Nội, rùa là một biểu tượng. Đó là rùa vàng trong truyền thuyết hoàn kiếm thời Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Đó là rùa được đội bia tiến sĩ trong Văn Miếu. Chọn và sử dụng hình ảnh rùa thân thuộc với người dân Hà Nội, Doãn Hoàng Kiên muốn cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Qua triển lãm này, Doãn Hoàng Kiên và các nghệ sĩ muốn kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi về việc sử dụng các vật phẩm nhựa và sống trách nhiệm với môi trường hơn.
Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Tốt nghiệp trường nghệ thuật Xiếc Việt Nam khóa 7 (1983 - 1988), sau đó theo học trường Nghệ thuật Xiếc Moscow, LB Nga. Tốt nghiệp Khoa Hội họa K44 (2000-2005) và Thạc sĩ nghệ thuật - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từng đoạt Giải đặc biệt Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 16 tại Paris, Pháp năm 1993. Là một trong 5 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu “Tài năng sân khấu trẻ 1991” và Huy chương vàng “Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc 1991”. Tham gia nhiều triển lãm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật Graphics, thiết kế Maquette cho các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.