Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề thừa phát lại: Trăm lẻ một chuyện vui buồn

Bình Minh| 11/08/2010 07:34

(HNM) - Sau hai tháng chính thức đi vào hoạt động của 5 văn phòng Thừa phát lại (TPL) đầu tiên trong cả nước, nhiều vui buồn của người trong cuộc được ghi nhận.

Nhân viên một văn phòng thừa phát lại lập vi bằng tại hiện trường.


A lô, thừa phát lại…
Trưởng văn phòng TPL quận 5 - Phạm Quang Giang vui vẻ chia sẻ, sau hơn một tháng hoạt động, văn phòng đã nhận được vài chục vụ việc, chủ yếu là đương sự mời lập vi bằng, còn các loại yêu cầu khác (xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp thi hành án, quyết định của tòa, tống đạt văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự …) người dân vẫn chưa rõ vai trò, thẩm quyền của đơn vị nên còn ngần ngại. Trong tương lai rồi mọi người cũng sẽ quen dần việc sử dụng mô hình dịch vụ pháp lý này; đồng thời các quy định trong lĩnh vực hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan chức năng thẩm quyền để xác minh, thi hành án cũng cần bổ sung, hoàn thiện hơn.

Reng…reng… tiếng chuông điện thoại ngắt câu chuyện của ông Phạm Quang Giang, đầu dây bên kia là một phụ nữ đang ở phòng công chứng gần đó theo hẹn đến ký hợp đồng mua bán nhà, nhưng không thấy bên bán xuất hiện. Lo ngại, bên bán vi phạm thỏa thuận sau khi đã nhận tiền cọc, chị T. bối rối tìm người làm chứng sự việc. Sau khi hỏi tổng đài 1080, luật sư, công chứng viên, chị T. quyết định mời ngay TPL đến lập vi bằng. "Quá mới, lần đầu tiên tôi biết đó. Tôi chỉ muốn mua bán thuận lợi hoặc bên bán trả lại tiền cọc để mua nhà khác, đừng dây dưa kéo dài. Mời các anh tới là để đề phòng rủi ro, làm bằng chứng xác định lỗi của bên vi phạm mà thôi" chị T. dè dặt nói.

Thực tế, khi đương sự mời TPL lập vi bằng, tranh chấp giữa hai bên chưa xảy ra, đây chỉ là một biện pháp phòng ngừa nên người trong cuộc thường đòi hỏi bảo vệ quyền riêng tư về nhân thân, nội dung giao dịch dân sự… vì cũng không muốn "mất lòng" đối phương, tạo điều kiện hòa giải để bên vi phạm khắc phục lỗi.

Đơn giản, hiệu quả
Vi bằng được lập phổ biến hiện nay là ghi nhận việc giao nhận tiền, hiện trạng nhà trong lĩnh vực xây dựng… Do hợp đồng mua bán nhà ký tại phòng công chứng thường ghi rõ "việc giao nhận tiền các bên tự thực hiện và chịu trách nhiệm" nên không ít tranh chấp phát sinh từ nghĩa vụ thanh toán trong quá trình mua bán. Trước đây, nhiều gia chủ thường tìm đến dịch vụ thanh toán qua ngân hàng để ràng buộc, nay họ đã có thêm sự lựa chọn. Việc lập vi bằng giao nhận tiền giữa các bên cũng đồng thời là căn cứ cụ thể phân định những lỗi vi phạm về thời hạn trả tiền, thời hạn giao nhà…

Cũng nhiều đương sự đã tìm đến TPL nhờ lập vi bằng hiện trạng nhà mình đang "nguyên lành" để làm chứng cứ phòng ngừa ông hàng xóm kế bên đang đào móng xây nhà sẽ làm nứt tường, lún nền nhưng "chạy làng". Có khi chính gia chủ công trình chuẩn bị xây dựng, chủ động mời lập vi bằng hiện trạng những hộ giáp ranh để làm căn cứ, sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu phát sinh vết lún, nứt mới, còn những hư hại nhà cũ thì không thể "theo đóm ăn tàn". Nhiều thỏa thuận tế nhị về tài sản, cấp dưỡng, giao nhận nuôi con trong thời gian ly thân, sau ly hôn… cũng lựa chọn hình thức lập vi bằng để ghi nhận quyết định tự nguyện của các bên, tránh thủ tục tòa án nặng nề làm tổn thương tình cảm riêng tư. Có trường hợp vợ chồng đang ly thân, muốn nhờ gia đình ông bà nội nuôi giúp cháu bé một thời gian. E ngại nhà ngoại hiểu nhầm, ảnh hưởng tình cảm các bên, bà nội đã yêu cầu TPL lập vi bằng việc con và dâu tự nguyện giao cháu bé nhờ nuôi dưỡng. Có khi người mẹ trẻ, nuôi con sau ly hôn nhưng cần đi học nước ngoài 1-2 năm nên thỏa thuận giao con cho bố nuôi dưỡng trong thời gian đó nhưng nếu ra tòa làm thủ tục thay đổi người nuôi dưỡng thì cũng "không hay lắm", lập vi bằng sẽ đáp ứng sự nhanh chóng, thuận tiện cho các bên.

Ông Phạm Quang Giang cho biết thêm, TPL đôi lúc cũng "khó xử" khi có đương sự suy nghĩ dễ dãi "việc không công chứng được thì nhờ TPL làm chứng thay" rồi nài nỉ nhờ xác nhận hợp đồng mua bán nhà không có giấy tờ, hoặc các giao dịch không đúng quy định pháp luật. Những trường hợp này, TPL đành… tư vấn miễn phí để hướng dẫn khách hàng làm đúng pháp luật. Cũng có trường hợp tranh chấp, thiệt hại không đáng kể, nhưng đôi bên tự ái muốn "làm cho ra nhẽ" yêu cầu lập vi bằng, nhưng TPL có tấm lòng nên nhiệt tình đi làm "ông hòa giải". Vậy là văn phòng "mất" khách hàng thu phí nhưng mà ai cũng vui.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghề thừa phát lại: Trăm lẻ một chuyện vui buồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.