Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề thủ công ở Thanh Trì

ANHTHU| 17/10/2004 08:13

Nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long, Thanh Trì có sông Nhị và đường thiên lý Bắc - Nam chạy qua. Chính nằm ở vị trí giao thông thuận lợi nên trong nhiều thế kỷ qua, Thanh Trì - đất của những đầm hồ - đã sản sinh lắm của ngon vật lạ. Thế kỷ XV, rượu cúc Hoàng Mai  đã được ghi trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi.

Nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long, Thanh Trì có sông Nhị và đường thiên lý Bắc - Nam chạy qua. Chính nằm ở vị trí giao thông thuận lợi nên trong nhiều thế kỷ qua, Thanh Trì - đất của những đầm hồ - đã sản sinh lắm của ngon vật lạ. Thế kỷ XV, rượu cúc Hoàng Maiđã được ghi trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi.

Làng Thanh Trì làm bánh cuốn, làng Mai Động có đậu Mơ; làng Lủ có nghề làm kẹo, bỏng rang và làm quạt; làng Ngâu nấu rượu; làng Tó có bánh đúc; làng Tứ Kỳ làm bún… Bàn tay tài khéo của người Thanh Trì không chỉ biết làm ra những miếng ngon mà ở vùng đất chuyên cấy lúa và nuôi cá còn sản sinh nhiều nghề nổi tiếng.

Ở xã Ngũ Hiệp và Liên Ninh có hai làng làm nghề đan hàng tre, đó là Tự Khoát (xã Ngũ Hiệp) và Nhị Châu (xã Liên Ninh). Nghề đan tre của Tự Khoát có từ đời Lý. Nghề đan Tự Khoát hiện vẫn phát triển mạnh.

Khoảng trên 100 năm nay, dân làng Nhị Châu ở kề bên cũng học được nghề đan các loại rổ rá, lồng bàn. Những ngày nông nhàn nhà nào cũng có người đan lát để tăng thu nhập, ngay cả khi hàng nhựa tràn ngập thị trường.

Ở Liên Ninh có làng Nội An chuyên làm bánh kẹo. Nghề này do hai cụ Hoàng Văn May và Hoàng Văn Chi học được khi làm thuê cho hiệu cao lâu Mỹ Kinh phố Hàng Buồm, sau truyền lại cho con cháu. Nay đã có mấy chục nhà làm bánh kẹo tập trung nhất vào dịp tết Trung thu và tết Nguyên đán.

Làng Nhót (xã Đông Mỹ) có nghề sơn quang dầu. Tổ nghề là tiến sĩ Trần Lư ở làng Bình Vọng, khi đi sứ Trung Quốc, học được nghề rồi truyền lại cho dân làng và cả làng Nhót ở bên cạnh. Vì vậy, cả hai làng có nghề sơn thiếp các đồ thờ như hoành phi, câu đối, hương án, sơn thiếp tượng thờ. Ông tổ nghề sơn được lập miếu thờ ở phố Nam Ngư (quận Hoàn Kiếm).

Ở làng Định Công Thượng có nghề kim hoàn do 3 anh em Trần Điện, Trần Điền, Trần Hòa đi học nghề và truyền cho dân từ thế kỷ VI thời Lý Nam Đế. Nhiều người giỏi nghề đã lên kinh đô Thăng Long mở hiệu kim hoàn.

Do nằm ở gần trung tâm đô thị lớn, gần đường giao thông nên hai làng Triều Khúc và Yên Xá sớm phát triển ngành nghề thủ công. Vào cuối thế kỷ XVIII Triều Khúc đã có nghề làm quai thao nón thúng, may áo the, dệt nải, may váy yếm, bao thắt lưng, nghề nhuộm tơ, làm độn tóc đuôi gà. Nhưng đặc biệt nổi tiếng và tồn tại lâu dài là nghề làm quai thao.

Ở cạnh Triều Khúc có làng Yên Xá, từ 100 năm nay có nghề thêu, ren. Khi có máy móc tự động thì nghề này mai một dần. Yên Xá còn một số nghề như làm guốc mộc, nhạc cụ, dép nữ thời trang với nhiều kiểu dáng phong phú.

Trong mấy thế kỷ qua, nghề thủ công truyền thống đã tạo cho người Thanh Trì một cuộc sống khá và ổn định.

Mười nămtrở lại đây, làng nghề Thanh Trì đứng trước những thử thách mới. Làng xóm đang trong quá trình đô thị hóa, ao chuôm lấp dần thì nghề đan lờ, đan đó ở làng Họa cũng teo tóp dần. Người ta chỉ làm cầm chừng trong lúc nông nhàn. ở làng Đại áng và Vĩnh Trung có nghề làm nón từng phát triển tới 500 hộ dân. Hiện còn hơn chục hộ làm nón xuất khẩu, còn số đông đi bán nón dạo…

ở làng Triều Khúc, xưa nay đất hẹp người đông, dân chủ yếu sống bằng nghề thủ công, nên đã tạo cho họ sự nhạy bén và năng động. Năm 1960, làng có hơn 400 khung dệt và máy dệt, dệt khăn mặt bông, khăn tắm xuất sang Liên Xô và Đông Âu thì nay chỉ còn 1-2 nhà làm mặt hàng này. Các máy dệt chuyên dệt vải làm găng tay, áo bảo hộ, làm giày vải; 30% số hộ xe chỉ thêu, dệt dây chun. 50% số người làng đi thu mua lông gà, lông vịt, gang, sắt, đồng, chì, nhôm. Lông gà, lông vịt được sơ chế làm phất trần, số còn lại bán cho xí nghiệp lông vũ. Các loại nhựa về Triều Khúc được phân loại. Từ đó, làng có thêm máy xay nhựa, máy cán đồ nhựa rồi làm các mặt hàng thông dụng như rổ, rá, lồng bàn, cán chổi lau nhà…

Hiện nay, làng Triều Khúc có 1 HTX CN dệt, 20 doanh nghiệp tư nhân có số vốn khá. Các đơn vị này làm ra hơn 100 mặt hàng thủ công. Đi lên từ nghề truyền thống, hiện Triều Khúc có 60% gia đình có cuộc sống khá giả.

Để giữ môi trường xanh, sạch đẹp cho làng nghề, sắp tới khu công nghiệp Tân Triều sẽ được thành lập. Tại đây, sẽ có nhà xưởng và diện tích phù hợp cho hàng nghìn thợ thủ công.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề thủ công ở Thanh Trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.