(HNMO) – Tối 20-5, Bán kết cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trước đó, các thí sinh phải trải qua phần thi ứng xử, một phần thi bắt buộc của cuộc thi.
Các thí sinh có phần thi ứng xử vào ngày 19-5 trong vòng bán kết khu vực phía Bắc |
Vòng bán kết phía Bắc diễn ra từ ngày 19 đến 21-5 với nhiều phần thi bắt buộc như ứng xử, trang phục dân tộc, áo tắm. Phần thi ứng xử luôn là phần được chú ý và quan tâm nhất ở các cuộc thi sắc đẹp, vì thế BTC quyết định chọn thi ứng xử là phần “thử sức” đầu tiên của 51 thí sinh (thuộc 15 dân tộc) lọt vào vòng bán kết phía Bắc cuộc thi. Trong số những thí sinh dự thi bán kết phía Bắc, có tới 7 dân tộc chỉ có duy nhất 1 đại diện, trong đó có những dân tộc rất ít người, thậm chí lần đầu tiên góp mặt trong cuộc thi như Xinh Mun, Giáy, Cơ Tu, Cơ Lao, Lào…
Có lẽ vì tính vùng miền khá rõ nên trong phần thi ứng xử, câu được BGK chọn nhiều nhất là “Em hãy giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình”. Các thí sinh đã có cơ hội khoe những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Thí sinh Hoàng Thị Kiều Anh (dân tộc Hoa), đến từ tỉnh Bắc Cạn giới thiệu về lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của mảnh đất nơi mình sinh sống, một lễ hội gắn với việc trồng trọt, nhằm dâng lên thần linh những sản vật đặc sắc để cầu cho 1 năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng no ấm… Thí sinh Đinh Thị Dịu (dân tộc Thái), đến từ tỉnh Sơn La, lại đặc biệt “nhấn mạnh” về điệu múa Xoè nổi tiếng của dân tộc mình. Điệu múa Xoè luôn gắn bó với các hoạt động trong cuộc sống của người Thái, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ mừng lúa mới.
Thí sinh Nguyễn Thị Loan, dân tộc Kinh |
Cô gái có cái tên rất “quốc tê” - A Lăng Thị Pari (dân tộc Cơ Tu), đến từ tỉnh Quảng Nam, người đã từng đạt danh hiệu “Thí sinh trình diễn trang phục tự chọn đẹp nhất” trong hội thi “Học sinh- Sinh viên thanh lịch” năm 2011, lại giới thiệu với BGK về địa múa “Tân tung da dă” hay còn gọi là “Vũ điệu dâng trời” của dân tộc mình. Theo lời giới thiệu của cô, trong điệu múa “tân tung”, đàn ông mặc khố, áo chuồng vải dệt thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chặt cây khiên, cây giáo, cây nỏ, cây mác hay cay dụ, hoặc không thì nắm chặt tay người bạn bên cạnh cùng tung đôi tay lên cùng múa hú một cách tự nhiên, hùng dũng, mạnh mẽ thể hiện rõ sức mạnh hùng hồn của trai làng, không sợ đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hoại buôn làng.
Trong phần thi ứng xử, rất nhiều thí sinh đã chọn giới thiệu bộ trang phục dân tộc của mình. Thí sinh Lù Thị Mai (dân tộc Thái) đã giới thiệu về bộ trang phục Thái giản dị nhưng tôn lên vẻ đẹp người con gái Thái với hàng cúc (gọi là “tém”), vốn thời xưa được làm bằng bạc, với áo chủ yếu là màu trắng, cổ áo khoét rộng, chân váy dài, màu đen nhánh, lấp lánh hàng dây xà tích. Cô gái Xinh Mun duy nhất Lò Thị Minh lại rạng rỡ giới thiệu về bộ trang phục dân tộc Xinh Mun với sự giao hoà của trang phục nhiều dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam: Chiếc kiềng giống của người Kinh, chiếc túi đeo giống của người Thái nhưng có thêm những quả bông sặc sỡ; bộ váy áo cũng giống như của người Thái nhưng lại có sự giao thoa với trang phục người Lào… Tất cả tạo nên một bộ trang phục rất đặc sắc của riêng người Xinh Mun.
Thành viên BGK và BTC của cuộc thi |
Đặc biệt, là hoạt động trong khuôn khổ “Festival di sản Quảng Nam” nên câu hỏi về những di tích đã được UNESCO công nhận của Việt Nam nói chung, và của Quảng Nam nói riêng cũng đã được đặt ra cho các thí sinh. Nhiều thí sinh tỏ ra đã tìm hiểu khá kỹ về các di sản của Việt Nam và trả lời chính xác: Việt Nam có 14 di sản được UNESCO công nhận, bao gồm cả di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Trong số này, tỉnh Quảng Nam vinh dự có 2 di sản là phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.
Tối nay, đêm bán kết chính sẽ diễn ra tại Hà Nội. Các thí sinh sẽ trình diễn trang phục dân tộc và áo tắm. BGK sẽ cộng điểm của hai phần trình diễn này sẽ cộng với điểm của phần thi ứng xử để chọn ra 25 thí sinh vào vòng chung kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.