(HNMCT) - Cách đây chưa lâu, cuốn “Nghề thầy” của tác giả Hoàng Đạo Thúy in theo bản in năm 1944 của Thời Đại đã được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản. Gần 80 năm kể từ khi cuốn sách ra mắt, kỳ lạ thay, những vấn đề được đặt ra khi ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong những trang đầu của “Nghề thầy”, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy đã dành bức tâm thư gửi những người “làm việc giáo dục”: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ, đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được”. Cái huy hiệu “làm thầy” thật thanh cao, nhưng các nhà giáo chỉ có thể đạt được khi biết về trách nhiệm của mình và luôn cố gắng cho xứng với “nghề thầy” ấy.
Ngay từ tám chục năm về trước, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy đã khẳng định mục đích của giáo dục, đó là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp lẽ trời đất”. Vì thế, nếu chỉ trọng có mỗi việc học, nếu cho rằng “đi nhà trường để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” thì hiểu như vậy đã “làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục”.
Để dạy trẻ, Hoàng Đạo Thúy cho rằng, các nhà giáo dục phải để tâm đến việc rèn giũa “Đức - Chí - Thể - Trí - Công”. Với người làm giáo dục, “nghề thầy” không chỉ là thuần túy dạy học, không chỉ dừng ở việc đứng trên bục cao giảng bài, soạn bài, ra bài tập mà cần phải thực hiện rất nhiều hoạt động ngoài giờ học như cùng trò chuyện, tập thể thao, trồng cây với học trò để thêm gần gũi với các em; trong ăn mặc, đi đứng, nói năng, người thầy phải luôn là tấm gương để trẻ noi theo mà rèn luyện, học tập, tạo nếp sinh hoạt hằng ngày. Người thầy, cho dù chỉ là một thầy giáo làng thôi, cũng có thể là một nhà khai sáng, nhà hoạt động xã hội được dân làng nể trọng.
Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy chia sẻ những phương pháp giáo dục được đúc rút qua sách vở và qua kinh nghiệm làm thầy của mình. Trong cuốn sách “Nghề thầy”, Hoàng Đạo Thúy khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh.
Theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, “nếu loại trừ đi cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua và tạm thay vào đó bằng một số từ ngữ đang được dùng phổ biến ở hiện tại, ta sẽ thấy hình như cuốn sách được viết cho chính chúng ta, cho những người đang làm “nghề thầy” trong thế kỷ XXI này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.