Ca sĩ Khánh Linh, diễn viên Thành Lộc, đạo diễn Dũng “Khùng”, nhạc sĩ Đức Trí, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến… vừa cùng nhau thăm thú xứ Phù Tang.
Cả đoàn cùng chụp ảnh lưu niệm. Xa xa phía dưới là ngôi nhà cổ rất đẹp của làng. |
Một chuyến đi tìm hiểu văn hóa nghệ thuật nước bạn và giúp các nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn. Nhật Bản rất cởi mở với văn hóa phương Tây nhưng vẫn giữ vững bản sắc truyền thống, đó là điều đáng học tập. Cả 10 nghệ sĩ Việt Nam vừa trở về từ Nhật đều đồng ý với điều đó.
Ngoài những gương mặt trên đã quen thuộc trong làng giải trí Việt Nam, đoàn còn có dịch giả Cao Việt Dũng, tiến sĩ văn học Trần Huyền Sâm, nhà làm phim hoạt hình Huỳnh Vĩnh Sơn, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy và nhà báo Đỗ Thu Hà.
Chuyến đi này là một hoạt động của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam. Quỹ lựa chọn 10 gương mặt nghệ sĩ Việt Nam xuất sắc, tổ chức cho họ đi thăm thú Nhật trong vòng một tuần, từ 28/3 đến 6/4.
Đoàn sang Nhật Bản đúng vào những ngày thời tiết rất lạnh giá, nhưng may mắn lại gặp mùa hoa anh đào nở. Hoa anh đào đối với người Nhật có một giá trị thiêng liêng. Nguyễn Vĩnh Tiến nói, anh rất xúc động khi biết hoa anh đào chỉ nở vào tháng 4 hằng năm và rụng vào đúng độ đẹp nhất. Nhật là một đất nước có những ngôi nhà chọc trời vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng có những vẻ đẹp mong manh như hoa anh đào.
Đoàn đã đến thủ đô Tokyo, cố đô Kyoto, thành phố Hiroshima và làng cổ Shirakawa-go, di sản văn hóa thế giới. Họ cũng thưởng thức các loại hình văn hóa truyền thống Nhật như trà đạo, kịch Kabuki, Bunkaru (kịch rối), ngắm hoa anh đào ở phố Gion, thưởng thức các món ăn Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng thăm thú ĐH Nghệ thuật Tokyo và khoa kiến trúc ĐH Tohoku; tham quan phim trường Shooshiku Kyoto, tập đoàn Sony Music, trung tâm sản xuất phim hoạt hình Mad Hous…
Trưởng đoàn Thành Lộc nói đùa: “Chuyến này đi tôi trẻ nhất đoàn, 49 tuổi”. Thực chất, anh là thành viên lớn tuổi nhất. Anh chia sẻ: “Nói vậy chứ mặc cảm lắm. Sang Nhật gặp một số nghệ sĩ có tên tuổi, có chỗ đứng rồi, mà họ vẫn còn trẻ hơn mình nhiều”.
Lịch làm việc dày đặc nhưng thú vị. “Mọi người ngủ có 5 tiếng một ngày”, Thành Lộc kể, “nhưng lại thấy học được rất nhiều điều”.
Nói về kinh nghiệm sau chuyến đi, anh tổng kết: “Hầu hết nghệ sĩ chúng tôi gặp ở Nhật đều là nghệ sĩ độc lập, giống như chúng tôi ở Việt Nam vậy. Mà khi người nghệ sĩ hoạt động độc lập thì ý thức xã hội của họ càng cao và khao khát đóng góp cho xã hội càng lớn. Điều này khác với ở Việt Nam, những hoạt động tập thể thường hiệu quả hơn”.
Người Nhật tiếp thu văn hóa phương Tây một cách “dễ dãi”, theo cách dùng từ của nhạc sĩ Đức Trí. Vấn đề là, họ tiếp nhận hầu hết luồng văn hóa nước ngoài nhưng lại giữ gìn bản sắc rất tốt. Từ những giá trị cổ điển đến những giá trị hiện đại, chỉ cần thuộc về đất nước mình, người Nhật đều rất ủng hộ.
Các nghệ sĩ sang đây đúng vào những ngày rất lạnh. Trên mặt đất và những đỉnh núi, tuyết phủ trắng xóa. |
“Người Nhật sùng bái phim hoạt hình của họ. Một vị vụ trưởng ngành ngoại giao tỏ ra rất thích Doraemon”, Khánh Linh kể.
Các nghệ sĩ đi thăm làng Shirakawa-go và hoàn toàn bị thu hút bởi những ngôi nhà cổ rất đẹp tại đây. Họ vẫn gìn giữ được những công trình như vậy, làm đẹp thêm cho nó. Nguyễn Vĩnh Tiến nhận xét: “Nhìn nước bạn, tôi nghĩ đến nước mình. Nhà của đồng bào dân tộc ở các tỉnh phía Bắc hay Tây Nguyên cũng rất đẹp. Tôi tiếc nuối vì những di sản như vậy đang dần mất đi”.
Nhạc sĩ Đức Trí ấn tượng với hãng sản xuất âm nhạc Sony Music. “Một công ty nội địa hoàn toàn có thể tự nuôi sống chính mình và nuôi sống đất nước. Không phụ thuộc vào nước ngoài. Đó là đỉnh cao của nước Nhật", anh nói. Lần sang Nhật này, Đức Trí có cuộc gặp Phó chủ tịch Sony Music và tham quan trụ sở hãng này.
10 nghệ sĩ trong đoàn đến từ các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Lịch trình cũng được lên với nhiều hoạt động dành cho từng lĩnh vực. Tuy nhiên, các nghệ sĩ không đi riêng lẻ mà lúc nào cũng đi cùng đoàn. Anh Nguyễn Như Huy cho biết: “Điều đó giúp các nghệ sĩ được nghe thêm, thấy thêm, hiểu thêm về những lĩnh vực mà mình chưa biết”.
Với Khánh Linh, chuyến đi giúp cô kết bạn với nhiều nghệ sĩ khác, kể cả những người trước đây cô chưa bao giờ gặp gỡ và nói chuyện. “Chúng tôi đến từ cả 3 miền, có những người chưa từng biết nhau. Thế mà sau chuyến đi đã trở thành những người bạn thân”. Đạo diễn Dũng “Khùng” cũng chia sẻ ý nghĩ này: “Trong nước, tôi thường ít tiếp xúc với nghệ sĩ. Đây là chuyến đi dài nhất mà lại ở cùng với nhiều nghệ sĩ như vậy, tôi thấy họ cũng không đến nỗi nào”.
“Giống như hoa anh đào chỉ nở mỗi năm một lần. Chuyến đi này là kinh nghiệm quý giá không đến nhiều lần trong đời”, Thành Lộc nhận xét.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.