(HNMO) – Vấn đề vệ sinh công cộng, đặc biệt là hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định đang là chủ đề “nóng” trên báo Hànộimới Online từ nhiều ngày nay. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục đưa ý kiến của các nghệ sĩ Việt.
Ngay khi chúng tôi mở chuyên đề này, rất nhiều ý kiến của bạn đọc, các nhà văn hóa, quản lý đô thị đã lên tiếng phản ứng về những hành vi không đẹp vẫn còn tồn tại trong xã hội văn minh. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục đưa ý kiến của các nghệ sĩ Việt, những người gắn bó với Hà Nội ở những lĩnh vực khác nhau với mục đích góp thêm tiếng nói để xây dựng một nếp sống văn hóa, một thói quen và cách hành xử văn minh trong xã hội hiện đại.
Ở những nơi ghi "Cấm đái bậy" lại bị làm bậy nhiêu nhất |
* NSƯT Xuân Bắc: Thói quen xấu khó bỏ vì hạ tầng còn thô sơ
Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện, hay có thể gọi là một giai thoại về vấn đề này nhé: “Thế kỷ 16 còn có câu chuyện một vị công tước người Tây Ban Nha vì giữ thể diện trước nhà vua mà nhịn “tè” đến vỡ bóng đái mà chết. Đó là một trong 20 cái chết nổi tiếng”. Tôi kể câu chuyện để nói rằng, vấn đề vệ sinh là một nhu cầu rất đỗi bình thường của con người. Nó đến tự nhiên và cũng không ai kiểm soát được. Tuy nhiên, trong thời đại văn minh, con người sẽ tìm ra những biện pháp, những cách để hỗ trợ cho nhu cầu rất đỗi bình thường này của mình.
NSƯT Xuân Bắc |
Tôi cho rằng, “tè bậy” là hậu quả tất yếu của một nền văn minh lúa nước khi ngồi bất cứ chỗ nào từ bụi chuối, bờ tre, gốc cây…đều có thể ngồi xuống “tè” vì nghĩ là góp phần “tưới cây”. Đã thế trong những chuyến công tác của tôi khi tôi đi về các vùng nông thôn, miền núi với tư cách Đại sứ thiện chí về chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn thì còn thấy rất nhiều bất cập về vấn đề vệ sinh môi trường. Chẳng hạn tôi đã từng chứng kiến một chuyện vừa buồn cười vừa thương, đó là có người “buồn” từ ngoài đồng, thế mà nhịn cố về nhà “tè” để có cái tưới cây. Đó là một thói quen hình thành từ văn hóa thổ nhưỡng là điều không tránh khỏi. Thói quen đó ai cũng mắc, và ai cũng thông cảm, gật đầu bỏ qua vì nghĩ đó là nhu cầu sinh lý thôi mà.
Tuy nhiên, cuộc sống chúng ta hiện nay không còn là lũy tre làng, mà là nhà cao cửa rộng, đô thị văn minh đã hòa nhập với thế giới, nên không thể giữ mãi thói quen “tè” đâu cũng được như vậy.
Nhưng cũng thiết nghĩ thói quen xấu đó khó bỏ vì cơ sở hạ tầng ở Thủ đô cũng chưa đủ tốt, các nhà vệ sinh công cộng còn quá ít, và kém, quảng trường thì không có nhà vệ sinh công cộng, quanh Bờ Hồ có một vài cái. Khi người dân tìm mỏi mắt một nhà vệ sinh thì họ sẽ... tiện đâu sẽ tìm chỗ giải tỏa, “tè” bừa ở đó.
Ngoài ra, tôi cho rằng còn liên quan đến ý thức cộng đồng, ví dụ khi tôi đi nước ngoài, tôi có thể vào bất cứ một cửa hàng nào trình bày mình muốn đi vệ sinh, họ sẽ chỉ chỗ nhà vệ sinh công cộng gần nhất, hoặc họ cho phép đi nhờ một cách rất nhiệt tình, thiện chí. Nếu ở ta cũng xây dựng được ý thức cộng đồng tốt như vậy thì sẽ giải quyết được vấn đề triệt để, tận gốc. Bên cạnh đó cũng nên xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm, giống như Singapore chẳng hạn thì tôi nghĩ hành vi này sẽ không còn tồn tại.
* Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Giá như có nhiều nhà vệ sinh công cộng không thu phí
Vấn đề “tè bậy” có từ lâu rồi và giờ nó trở thành hành vi nên được chỉnh đốn lại để làm đô thị văn minh, sạch đẹp hơn. Tôi nghĩ, vấn đề này mới nghe rất tế nhị vì “đụng chạm” vào nhu cầu rất bình thường của con người, tuy nhiên nó lại rất cần thiết đặc biệt là trong xã hội văn minh hiện nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long |
Nhìn một cách khách quan, ở đô thị lớn tỉ lệ những người tri thức, có văn hóa chiếm rất lớn nên khi họ có hành vi “tè bậy” thì cũng nên nhìn nhận rằng, ngoài vấn đề ý thức tôn trọng nơi công cộng chưa được cao thì có lẽ nguyên nhân xuất phát từ việc “cực chẳng đã”. Không có chỗ để đi vệ sinh mà “nhu cầu” lại cấp bách quá buộc họ đôi khi bỏ qua cả sự xấu hổ để thực hiện hành vi không đẹp này.
Chưa kể, ở những đô thị lớn như Hà Nội, tỉ lệ những người lao động ngoại tỉnh, những người buôn thúng bán mẹt, gánh hàng rong rất nhiều. Tôi cho rằng, đây là đối tượng có nhu cầu đi vệ sinh ở nơi công cộng là nhiều nhất. Với những người lao động, việc thiếu có nhà vệ sinh công cộng, chưa kể nếu có cũng phải bỏ phí, dù là 3.000đ thôi thì chắc chắn họ sẽ tính toán với thu nhập và tìm góc khuất nào đó để “xử lý” cho tiện. Bởi, với thu nhập một ngày được vài chục nghìn thì riêng việc phải trả phí cho đi vệ sinh trong một ngày đó thôi cũng đã gần hết rồi. Tôi cho rằng, giá như thành phố có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng không thu phí thì sẽ giúp cho những người lao động ngoại tỉnh có chỗ để “xả” đúng nơi quy định.
* NSƯT, NTK Đức Hùng: Không nên chỉ dựng biển “Cấm đái bậy”
Bệnh “tiểu đường” là một hành vi phải lên án từ lâu rồi, tôi rất bức xúc về điều này vì nó làm mất đi mỹ quan đô thị mà một thủ đô văn minh không thể để nó tồn tại.
NSƯT Đức Hùng |
Tôi cứ nghĩ rằng, cái “của quý” nhất của đàn ông là phải giấu đi, bản năng không ai là không biết che đậy, kể cả một đứa trẻ con cũng biết giấu đi thì tại sao người lớn lại phô ra. Hành vi đó không bằng một đứa trẻ con. Tôi đã đi nhiều nơi, đến nhiều thủ đô văn minh trên thế giới thì hành vi “tè” bậy là hành vi không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, vòng quanh thành phố tôi thấy cứ chỗ nào có biển “Cấm đái bậy” lại là chỗ… khai nhất, liệu có phải họ cứ chọn chỗ đó để… giải quyết nên mới có biển cấm không? Theo tôi, các nhà quản lý môi trường cũng không nên xử lý kiểu thấy điểm đen nguy hiểm nào thì gắn biển cấm lên đó, vì có cấm những người vô ý thức vẫn làm. Mà phải có giải pháp đồng bộ, phải xây dựng nhiều công trình tiện ích cho người dân dễ tìm được chỗ “giải tỏa”.
* Ca sĩ Tuấn Hiệp: Nên có nhiều đợt tuyên truyền cho người dân
Một người có suy nghĩ và hành vi bình thường rất ít khi có cư xử không đúng chuẩn mực ở nơi công cộng. Tôi nghĩ, những người đi vệ sinh ở nơi không đúng quy định phần lớn là say rượu, bia thậm chí cũng không ngoại trừ những người bị ngáo đá nữa. Họ không kiểm soát được hành vi của mình và cho mình cái quyền “xả” ở bất cứ chỗ nào tiện nhất. Điển hình như hành vi của người đàn ông mở xe ô tô để đi tiểu ở giữa đường mà báo chí vừa nêu cũng là là do anh này có chất men trong người.
Ca sĩ Tuấn Hiệp |
Tất nhiên, một nguyên nhân nữa là do chúng ta thiếu nhà vệ sinh công cộng nên buộc nhiều người “bí” quá mà quên cả sự xấu hổ. Dù là vì lý do gì thì rõ ràng, việc “tè bậy” rất nên được xử lý. Tại sao ở những nước văn minh, vấn đề này xử lý được và người dân rất ý thức được việc vệ sinh nơi công cộng trong khi chúng ta vẫn đang phải chịu đựng những cách hành xử không đúng mực chỉ vì thói quen, vì thiếu hạ tầng?
Một đô thị văn minh, một hình ảnh Hà Nội thơ mộng, đi vào thơ ca lãng mạn với “mùi hoa sữa nồng nàn” mà giờ lại khiến du khách nước ngoài phản cảm vì những hành vi không đẹp thì nên phải xem lại.
Tôi nghĩ, với những nghệ sĩ như chúng tôi thì việc làm thiết thực để góp phần vào nâng cao ý thức của người dân là nên có những đợt sáng tác, tuyên truyền hay bất cứ hình thức nghệ thuật nào đấy để tác động mạnh mẽ vào nhận thức, từ đó thay đổi thói quen và suy nghĩ của người dân về vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.