Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Quang Tùng: “Hãy cứ hết mình với nghề”

Lưu Thảo| 25/04/2023 06:07

(HNMCT) - Sinh năm 1975, NSƯT Trịnh Quang Tùng được biết đến với cả hai chức danh quay phim và đạo diễn. Trong công việc, dường như Trịnh Quang Tùng không đặt ra cho mình một giới hạn nào về nghề, cả không gian sáng tác lẫn vị trí sáng tác.

1. Đạt nhiều giải thưởng ở cả vai trò quay phim và đạo diễn tại Liên hoan phim  (LHP) Việt Nam và Giải thưởng Cánh diều với những đề tài mang hơi thở đương đại nhưng tôi lại không biết lý do vì sao anh được giới làm nghề gọi là Tùng “jà” (già). Để giải đáp thắc mắc, tôi gọi điện xin hẹn gặp anh và rồi câu chuyện cứ thế nối dài...

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật video và dựng phim năm 1997, Trịnh Quang Tùng trở về quê nhà ở Thanh Hóa với ý định kiếm sống bằng nghề ghi hình đám hiếu hỉ. Thế nhưng, anh bị thất nghiệp vì thời điểm đó việc quay video đám hiếu hỉ, sự kiện chưa thịnh hành ở quê anh. Chợt nhớ tới lời hứa giúp tìm việc làm của đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích trong lúc đang theo học lớp quay phim ngắn hạn tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) do ông phụ trách, Trịnh Quang Tùng quyết định quay trở lại Hà Nội. Anh được đạo diễn Lê Mạnh Thích giới thiệu tới làm thư ký cho đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh trong thời gian ông thực hiện bộ phim “Điện ảnh Tài liệu - Con người và năm tháng”. Nhận “chân” thư ký đạo diễn, công việc hằng ngày của Trịnh Quang Tùng là đọc từng cảnh trong băng và ghi chép lại thông tin cần thiết. Công việc chính thức đầu tiên này đã đem đến cho Trịnh Quang Tùng sợi dây gắn kết giữa anh với Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. “Ghi chép, thống kê danh sách các nghệ sĩ tham gia ngoài chiến trường, đã quay những phim gì... giúp tôi biết được một phần lịch sử hãng phim. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với điện ảnh Tài liệu” - Trịnh Quang Tùng chia sẻ.

Từ thời điểm đó, anh chính thức về làm việc tại phòng dựng phim của Hãng và thỉnh thoảng cầm máy quay theo chân các đạo diễn nổi tiếng như NSND Đào Trọng Khánh, NSND Lương Đức... Được các “tiền bối” khen “có tố chất tạo hình” và khuyến khích đi học để làm nghề cho bài bản, năm 1999, Trịnh Quang Tùng nộp hồ sơ thi vào chuyên ngành quay phim - Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh nhận giấy báo trúng tuyển khi đang ở Quảng Trị tham gia quay bộ phim “Vì cuộc sống bình yên” cùng NSND Lương Đức. Bộ phim đã giành giải Nhất thể loại phim ngắn tại LHP quốc tế FICA - III năm 2000 ở Brazil.

Trở lại giảng đường, học cùng lứa sinh viên sinh năm 1980, Trịnh Quang Tùng được nhà quay phim, NSƯT Trần Trung Nhàn, cũng là thầy dạy của anh, đặt cho cái tên Tùng “già”. “Từ năm 2000, cái tên Tùng “già” đã theo tôi đến nay là 23 năm. Đó là một kỷ niệm thú vị” - Trịnh Quang Tùng cho biết. Anh cũng nói rằng bản thân luôn ghi nhớ câu nói của nhà quay phim, NSƯT Trần Trung Nhàn: "Khóa học gồm 4 năm nhưng trong 3 năm tôi dạy các bạn làm người, còn dạy nghề chỉ có 1 năm thôi". “Đến giờ phút này, tôi vẫn thấm thía giá trị của câu nói đó, và sau này, khi đứng trên bục giảng, tôi cũng truyền đạt lại điều đó cho sinh viên của mình, rằng học làm người mới quan trọng. Học làm người đúng thì học làm nghề sẽ đúng, học làm người thành công thì học nghề sẽ thành công”.

2. Tốt nghiệp ra trường, Trịnh Quay Tùng quay về Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương làm việc. “Thời điểm đó, nói thật là tôi xin về đâu cũng được, làm ngoài cũng sống được, nhưng tôi vẫn quyết định trở về Hãng. Có lẽ là do ấn tượng bởi những lần - đầu - tiên trước đây quá mạnh” - anh cười nói.

Sau 5 năm gắn bó với chiếc máy quay, giành giải Quay phim xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 16 (phim truyện video “Mười ba bến nước”), Trịnh Quang Tùng quyết định theo học chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh và Truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Anh tốt nghiệp vào năm diễn ra LHP Việt Nam lần thứ 17 (2011) và giành giải Đạo diễn xuất sắc hạng mục phim Khoa học với bộ phim “Bướm, côn trùng cánh vảy”.

Không chỉ làm đạo diễn các phim tài liệu ký sự chân dung như “Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một người Hà Nội” (giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam), “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Người cộng sản kiên trung bất khuất” (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2018), “Bùi Bằng Đoàn - Chí sĩ đồng hành cùng lịch sử dân tộc” (giải B Báo chí 75 năm Quốc hội Việt Nam), mà Trịnh Quang Tùng còn “xông” vào cả những đề tài chính luận xã hội như “Trầm cảm sau sinh” (giải Cánh diều Vàng và Đạo diễn xuất sắc - Cánh diều 2018) và “Lũ miền núi” (Giải Bông sen Bạc cho phim và giải Đạo diễn xuất sắc - thể loại phim Khoa học tại LHP Việt Nam lần thứ 22)... Gần 20 năm làm nghề, anh là đạo diễn hình ảnh (D.O.P), quay phim của 7 bộ phim truyện cả ở định dạng 35mm và kỹ thuật số; 4 bộ phim tài liệu 35mm và hàng chục bộ phim tài liệu, khoa học ở định dạng kỹ thuật số, trong đó có nhiều bộ phim giành giải thưởng tại các kỳ LHP Việt Nam và giải Cánh diều như “Đêm vùng biên”, “Nơi ta không thuộc về”, “Người trở về”, “Đất lành”, “Trầm tích”... Đồng thời, anh cũng là đạo diễn của khoảng 20 bộ phim tài liệu khoa học như “Chuyện dài ở bệnh viện”, “Ông đồ gàn”, “Lang thang như đám mây trời”, “Người bản Hốc”, “Phận ca trù”, “Tứ bất tử”...

Trịnh Quang Tùng giống như một nghệ sĩ xiếc cùng lúc đi trên hai sợi dây được mắc song song nhau và tuân thủ nguyên tắc làm việc duy nhất: Đã nhận làm gì là làm đến nơi đến chốn, không bao giờ đặt câu hỏi làm việc này thì được gì? “Tôi nhận thấy, nếu yêu nghề hết mình thì nghề sẽ mang lại cho mình những giá trị còn cao hơn nhiều so với mong đợi” - Trịnh Quang Tùng nói.

Công việc làm phim đem đến cho anh cơ hội được gặp, tiếp xúc với nhiều nhân vật quan trọng cũng như tìm hiểu và biết rõ hơn về cuộc đời họ, từ các nguyên thủ quốc gia như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến các nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực khác như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, bác sĩ Trần Duy Hưng - được biết đến là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đầu tiên... “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có tư duy đổi mới từ khi còn trẻ. Ông là người có chủ trương hòa hợp dân tộc đồng thời cũng rất quan tâm đến giới văn nghệ sĩ. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc sống giản dị, mộc mạc gần gũi, bác sĩ Trần Duy Hưng là người có trí tuệ và lòng nhân ái... Họ chính là động lực để tôi tâm huyết hơn với những đề tài liên quan đến xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam”.

3. Hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Trịnh Quang Tùng khá bận với công việc quản lý, sáng tác. Gặp anh khi anh vừa kết thúc chuyến công tác tại Điện Biên, đèn, máy quay... vẫn còn để dưới sàn nhà. Sát đó là chiếc kệ được bày nhiều đồ lưu niệm: Tấm thiệp thủ công viết tay nhiều màu sắc, búp bê móc bằng len đỏ duyên dáng, cả chiếc máy chiếu phim cũ cùng cúp, giải thưởng và bằng khen... Những thứ xinh xắn ấy được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng và không nhất thiết phải theo trường phái nào, khá giống với con người anh: Có sao nói vậy, bản thân thấy đẹp, thấy thích là được, đặc biệt, nhìn kỹ, Tùng “già” khá trẻ so với tuổi 48.

“Những người làm phim tài liệu đều có cơ may được học hỏi những cái hay đồng thời nhận biết cả những cái dở trong cuộc sống để mình không vướng vào. Tôi cũng vậy. Đó là lý do mà cách đây 10 năm tôi đã muốn làm bộ phim về những ngày cuối cùng của tử tù. Tôi sẵn sàng vào sống chung với họ để biết những ngày cuối cùng đó họ sống như thế nào? Ngày mai ra pháp trường, họ nghĩ gì về cuộc đời, về gia đình, về những gì họ đã làm...? Qua đó có thể rút ra những bài học để giáo dục thế hệ sau đừng có sa chân vào vũng lầy như họ... Cho đến giờ phút này, tôi vẫn rất muốn thực hiện một bộ phim có nội dung như vậy...” - anh thổ lộ.

NSƯT Trịnh Quang Tùng sinh năm 1975 tại Thanh Hóa.

Một số giải thưởng cá nhân tiêu biểu của anh: Giải quay phim xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 16, giải Đạo diễn xuất sắc nhất (tại LHP Việt Nam lần thứ 17, lần thứ 22 và Cánh diều 2018).

Hiện nay, ngoài làm phim, anh còn là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Quang Tùng: “Hãy cứ hết mình với nghề”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.