(HNMCT) - Khi còn làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thúy Đạt được xem là nghệ sĩ toàn năng khi vừa có khả năng hát cải lương, xẩm, ca trù... vừa là người biên tập các chương trình “đặc sản” của đài như “Giai điệu phương Nam”, “Yêu mãi khúc dân ca”, “Ơn nghĩa sinh thành”... Với tinh thần hướng thiện và tình yêu âm nhạc cháy bỏng, bà còn sáng lập và dẫn dắt Câu lạc bộ nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa (CLB) hoạt động suốt 12 năm qua.
1. Tôi từng nghe nhiều nghệ sĩ, biên tập viên âm nhạc dân tộc ở Đài Tiếng nói Việt Nam gọi NSƯT Thúy Đạt là “U” và nhận xét bà là người thầy lớn về nhân cách, đạo đức, nghề nghiệp. Từ những tò mò ấy, tôi đã tìm gặp nghệ sĩ Thúy Đạt tại nhà riêng, một căn hộ nhỏ xinh nằm trên tầng 3 Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam. Đúng như tôi hình dung, bà là người dễ gần, mến khách, cởi mở và sống nặng về tình cảm. Ở tuổi 68 nhưng bà vẫn chưa hết bận rộn với công việc, ngày ngày vẫn làm thơ, sáng tác nhạc, dạy học và chạy đôn chạy đáo lo chương trình biểu diễn tại các ngôi chùa.
Nghệ sĩ Thúy Đạt gắn bó với âm nhạc dân tộc từ thuở bé, có lẽ bởi bà được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở thành Nam. Cha của bà là nghệ nhân đàn bầu Nguyễn Tiếu, một trong những người đặt nền móng cho Đoàn Ca múa nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), còn mẹ của bà là người làm thơ cách mạng Ngô Thị Lựu từng được Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam, giới thiệu chân dung “Bà mẹ Lựu làm thơ”. NSƯT Thúy Đạt lớn lên cùng người anh song sinh là Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) và họ đã cùng nhau sinh hoạt tại CLB thiếu nhi Vàng Anh nức tiếng một thời.
Năm 1969, Thúy Đạt vào Trường Sân khấu Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), học chuyên ngành cải lương. Cải lương vốn là loại hình âm nhạc nổi tiếng của đất Nam bộ, đòi hỏi người nghệ sĩ muốn cảm thụ tốt thì phải thật sự hiểu con người và văn hóa phương Nam. Vốn là người ham học hỏi, thích tìm tòi, sáng tạo nên dù chưa được vào Nam nhưng dưới sự dìu dắt của các giảng viên người Nam Bộ tập kết ra Bắc, bà đã không khó để thỏa sức thăng hoa, khám phá loại hình âm nhạc độc đáo này. Năm 1973, bà chính thức làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam đến lúc nghỉ hưu (năm 2008) với hai vai trò là ca sĩ biểu diễn và biên tập viên âm nhạc.
2. Nghệ sĩ, nhạc sĩ Thúy My, con gái út của NSƯT Thúy Đạt (hiện công tác tại Đoàn ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) không khỏi xúc động, tự hào khi kể về đại gia đình nghệ thuật của mình: “Bố tôi - NSƯT trống chèo Văn Hùng (nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca nhạc dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam) là người thầy đầu tiên dạy tôi phối khí cho dàn nhạc dân tộc và cũng là người truyền cảm hứng, động viên để tôi mạnh dạn theo con đường sáng tác khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc. Mẹ tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc dân tộc, từ khi còn công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn luôn làm việc không ngừng để sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng. Dường như bà sinh ra là để làm nghệ thuật, cống hiến cho âm nhạc dân tộc”.
Không chỉ sở hữu giọng ca vang, sáng, truyền cảm mà gần đây, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghệ sĩ Thúy Đạt còn làm thơ, soạn lời, sáng tác nhạc để cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch trong toàn dân, toàn quân, trong đó nổi bật là bài xẩm “Tình yêu thời nạn dịch Covid” hay ca khúc “Việt Nam đất nước tôi yêu” theo thể hành khúc với tiết tấu sôi nổi, hào hùng. Đặc biệt, trong thời gian cách ly toàn xã hội, bà đã cùng hai người con gái, biên tập viên - nghệ sĩ Thúy Thúy (hiện công tác tại Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam) và Thúy My cho ra mắt MV “Việt Nam đất nước tôi yêu” với tinh thần: “Đồng lòng quyết chung tay khi gặp cơn nguy biến/ Sánh kề vai trên khắp cả mọi miền/ Việt Nam con cháu Lạc Hồng...”.
3. Là người tâm huyết, đắm đuối với âm nhạc dân tộc, nghệ sĩ Thúy Đạt còn muốn thông qua âm nhạc để truyền tải giáo lý nhà Phật đến gần hơn với người dân, răn dạy con người sống tốt đời đẹp đạo. Chính vì thế mà từ cái duyên tham gia Đại lễ Phật đản VESAK năm 2008, dưới sự khởi duyên, bảo trợ của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, trụ trì chùa Yên Phú, bà tập hợp 16 thành viên khác để thành lập CLB nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa (ra mắt đầu năm 2009). Đến nay, sau 12 năm hoạt động, số thành viên đã lên đến hơn 100 người, đặc biệt có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp và hoạt động ở trên 100 ngôi chùa ở trong và ngoài nước.
Để phục vụ việc hoạt động biễu diễn của CLB, nghệ sĩ Thúy Đạt còn sáng tác gần 30 ca khúc, bài thơ và chuyển soạn theo làn điệu dân ca 3 miền. Nói về khả năng sáng tác, nữ nghệ sĩ khiêm tốn cho biết: “Thực lòng tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ sáng tác nhưng do lòng đam mê muốn trải lòng mình với các vấn đề của cuộc sống xã hội và nhất là trong môi trường Phật giáo, tôi mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé để cố gắng góp nhặt lời răn của đức Phật. Đặt ca từ trong một bài hát nào đấy theo lời dân gian, tôi luôn cố gắng chọn lựa sao cho ý văn được trau chuốt và phải thật vần điệu để người nghe dễ hiểu, dễ “ngấm”.
Ngoài ra, nghệ sĩ Thúy Đạt còn tiên phong khôi phục một số làn điệu âm nhạc dân gian có chủ đề liên quan đến Phật giáo. Trên cương vị Chủ nhiệm CLB, bà còn tham gia dàn dựng những chương trình nghệ thuật trong các sự kiện lớn như Đại lễ VESAK, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Là thành viên tích cực của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, CLB Liên Hoa đã có nhiều hoạt động truyền tải tinh thần Phật giáo đến với đông đảo phật tử, nhân dân và được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao.
Và tất nhiên, để có được thành quả ấy, NSƯT Thúy Đạt như con thoi với những công việc không tên. Với bà, được sống trong bầu không khí âm nhạc, được làm việc để hướng con người đến những điều tốt đẹp, chọn lối sống tránh sân si là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.