Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê: Hạnh phúc khi được khán giả ''quen mặt, nhớ tên''

Lê dương| 13/09/2020 06:03

(HNMCT) - Nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Khuê là nhắc đến những vai diễn có phần ngờ nghệch, khắc khổ, mải mê làm việc mà quên đi cuộc sống hiện tại. Bên cạnh các vai diễn sân khấu, nghệ sĩ Đức Khuê còn ghi dấu ấn với khán giả truyền hình qua hàng loạt tiểu phẩm trong Gala Cười cùng nhiều bộ phim đình đám như Lập trình cho trái tim, Tết này ai đến xông nhà, Hà Nội mùa đông... 30 năm gắn bó với nghề diễn, điều khiến Đức Khuê hạnh phúc nhất là được khán giả “quen mặt, nhớ tên”.

NSƯT Đức Khuê.

1. Tôi có cơ hội trò chuyện với NSƯT Đức Khuê tại khuôn viên của Đài Truyền hình Việt Nam trong những ngày đầu tháng 9. Ngoài đời anh không khác với lúc lên hình là mấy. Vẫn hiền lành, chất phác, gần gũi, giản dị và thu hút người đối diện bởi nụ cười dễ mến.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng Đức Khuê lại được thừa hưởng “chất văn nghệ” từ quê gốc của mình - xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Nghệ sĩ kể, hồi nhỏ mỗi dịp cuối tuần theo cha về quê, băng qua triền đê sông Đáy, anh lại được nghe tiếng sáo du dương, tận mắt chứng kiến những trận đấu vật hay xem những tiết mục tuồng đặc sắc... Anh luôn tự hào là người con của mảnh đất xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật và chính nơi đây đã bồi đắp cho anh những tố chất để trở thành một nghệ sĩ thành công sau này.

Nhắc đến những người hoạt động tại sân khấu xứ Đoài, Đức Khuê xúc động kể về kỷ niệm với Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tào Mạt (tên thật là Nguyễn Duy Thục), người được mệnh danh là “vua chèo đất Bắc”. Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi đang học lớp diễn viên khóa 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ thì Đức Khuê nhận được vai diễn là nhân vật biết hát chèo, cải lương, tuồng. Riêng về tuồng, cải lương thì đã có người dạy, còn chèo thì theo gợi ý của Tiến sĩ Nghệ thuật học, NSND Phạm Thị Thành: “Khuê nên nhờ bác Tào Mạt dạy cho”.

“Cô Thành đã viết một lá thư tay với nội dung: “Tôi có cậu học sinh muốn học chèo, anh giúp đỡ dạy cho cháu một làn điệu cổ”. Thư gửi bác Tào Mạt ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Khi đến gặp, nhận thấy tôi cùng quê lại hiếu học nên NSND Tào Mạt đã nhiệt tình truyền dạy. Sau đó, tôi đã hoàn thành xuất sắc vai diễn ấy và vở diễn được trao Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Chính cơ duyên đó mà sau này tôi có nhiều dịp được đến “hầu chuyện” người thầy, người đồng hương đặc biệt ấy. Ông là động lực để tôi phấn đấu, nỗ lực hết mình cho sân khấu rồi sau đó là điện ảnh truyền hình” - NSƯT Đức Khuê nhớ lại.

2. Nhìn vào thành công của Đức Khuê hôm nay, nhiều người sẽ nghĩ con đường đến với nghệ thuật của anh “trải đầy hoa hồng”, thế nhưng sự thật lại không phải như vậy. 

Đức Khuê từng tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp (nay là Đại học Thương mại), nhưng giấc mơ làm kinh tế không thành nên đành xin vào Nhà hát Tuổi Trẻ làm bảo vệ, soát vé. Cuộc sống vất vả, đồng lương không đáng là bao so với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, anh lại tìm được niềm vui mới khi hằng ngày được tiếp xúc với các nghệ sĩ, được làm việc trong không gian thấm đẫm những cảnh đời, những thân phận, kiếp người qua các vai diễn. Và anh thầm ước “một ngày nào đó mình cũng được như họ”.

Nghệ sĩ Đức Khuê trong vở Ai là thủ phạm của tác giả Lưu Quang Vũ.

Vận may đến khi Nhà hát Tuổi Trẻ mở lớp đào tạo diễn viên kịch. Giám đốc Nhà hát Phạm Thị Thành và đạo diễn, NSND Lê Hùng nhận ra khả năng diễn xuất của Đức Khuê nên ra sức động viên: “Trông người cao ráo sáng sủa thế này, vào thử vai xem thế nào”. “Thế nên tôi đã mạnh dạn thử vai rồi may mắn được tuyển và gắn bó với nghề diễn đến nay đã 30 năm”, nghệ sĩ Đức Khuê kể.

Nói về việc từng học ngành kinh tế mà lại theo nghiệp diễn, anh thẳng thắn cho biết: Đó là một lợi thế, bởi diễn xuất là một nghề tổng hòa của nhiều nghề. Nếu người diễn viên không có kiến thức ở nhiều lĩnh vực cũng như không có vốn sống dày dặn thì khó có thể thành công. Với Đức Khuê, nghề diễn cũng như một đứa trẻ, phải trải qua những bước chập chững đầu tiên trong đời, phải học bò, rồi mới tập đi, tập chạy. Vì lẽ đó, anh cần mẫn, như “kiến tha lâu đầy tổ” bởi biết rất rõ trên đời này làm gì có sẵn “của rơi” để nhặt, tất cả đều phải do mình nỗ lực tạo ra.

Mặc dù được biết đến rộng rãi qua các vai diễn trên sóng truyền hình nhưng Đức Khuê chưa hề có ý định từ bỏ sân khấu. Theo anh, sân khấu là cái gốc, phải cố giữ và làm sao phát triển song hành cả sân khấu và điện ảnh. Anh cũng vui mừng chia sẻ, dù bận bịu với vai diễn điện ảnh, truyền hình nhưng anh vừa cùng Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện vở kịch Bộ cảnh phục để tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân. Vở kịch nói về sự hy sinh của những chiến sĩ trẻ trong cuộc chiến chống ma túy và tệ nạn xã hội đã đem về cho Nhà hát Tuổi Trẻ tấm Huy chương bạc và bản thân Đức Khuê được trao Huy chương bạc cá nhân.

3. Thời kinh tế thị trường, cùng với nhiều ngành nghệ thuật khác, sân khấu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc “giữ chân” khán giả. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Đức Khuê, Nhà hát Tuổi Trẻ - nơi anh công tác vẫn có lượng khán giả ổn định. Khán giả vẫn đến nhà hát để tìm “món ăn tinh thần” khó có thể bỏ qua. Đức Khuê từng rất xúc động trước lời tâm sự của một khán giả trung niên được đăng trên mạng xã hội: “Khi còn nhỏ, tôi thường được cha mẹ dẫn đến nhà hát xem chương trình thiếu nhi. Giờ đây khi đã lập gia đình, có con thì tôi lại dẫn con đến xem chương trình thiếu nhi của nhà hát. Có thể nói ánh đèn sân khấu đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và bây giờ tôi muốn ánh đèn sân khấu hãy nuôi dưỡng tâm hồn cho con tôi và các thế hệ sau”.

“Rồi có những khán giả lớn tuổi hôm trước đến xem hài kịch, hôm sau cũng đến xem đúng chương trình ấy. Thấy thế, NSƯT Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã mời vị khán giả này vào xem miễn phí nhưng bác ấy nhất quyết không chịu. Sau đó chúng tôi mới biết rằng bác ấy bị bệnh và nghe lời khuyên của bác sĩ là phải sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Đó là 2 trong số nhiều khán giả có tình cảm đặc biệt dành cho sân khấu truyền thống và tôi tin rằng ở ngoài kia vẫn còn rất nhiều người như thế. Cứ nghĩ đến điều đó là anh chị em nghệ sĩ lại thêm phấn chấn, tự tin, bảo nhau cố gắng chuẩn bị “bữa ăn thịnh soạn” nhất cho khán giả”, nghệ sĩ Đức Khuê tâm sự.

Chia sẻ về bí quyết thành công trong rất nhiều vai diễn, Đức Khuê cho rằng, đã là diễn viên thì phải luôn sống với tinh thần mới, sắc màu mới, không thể lúc nào cũng “ăn mày dĩ vãng” dù những vai diễn đó làm nên tên tuổi của mình. “Không ngủ quên trên chiến thắng”, như thế đủ biết rằng Đức Khuê đã không ngừng học tập, rèn luyện vất vả, bền bỉ đến thế nào.

NSƯT Đức Khuê sinh năm 1968 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai. Anh hiện là diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Trong sự nghiệp diễn xuất, Đức Khuê đã giành được không ít giải thưởng, danh hiệu nhưng có lẽ thành công nhất phải kể đến giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn Dương Thắng (phim Của rơi) và Hà (phim Hàng xóm) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV - năm 2004.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê: Hạnh phúc khi được khán giả ''quen mặt, nhớ tên''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.