(HNMCT) - Ca Huế là một bước rẽ trong sự nghiệp ca hát của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Diệu Hương. Với chất giọng khỏe, trầm ấm đậm chất miền Trung, NSƯT Diệu Hương đã tiếp nối các thế hệ đi trước, góp phần quảng bá ca Huế trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
- Thưa NSƯT Diệu Hương, nhiều người vẫn gọi chị với cái tên thân thuộc “Hương Huế”. Cơ duyên gì đã đưa chị đến với ca Huế?
- Tôi đến với ca Huế rất tình cờ. Khi về công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được phân công phụ trách mảng dân ca Bình Trị Thiên và ca Huế rồi say mê từ đó đến nay.
Ca Huế với tôi là sự mới mẻ, nhưng tôi tiếp cận rất nhanh bởi là người miền Trung, sinh ra ở Quảng Trị. Chất giọng, ngôn ngữ... là những yếu tố chiếm 50% thành công khi thể hiện ca Huế. Thêm một chút kỹ thuật thanh nhạc nữa sẽ góp phần tạo nên hiệu quả cho việc hát ca Huế. Ví dụ như cách phát âm, nếu như theo tiếng phổ thông thì sẽ không ra ca Huế. Mình phải phát âm theo chất Huế, như chữ “trân” thì phải là “chưng - châng”. Tôi có thuận lợi là được học hành bài bản về kỹ thuật thanh nhạc để vận dụng khi hát.
- Chị cũng dành nhiều thời gian để vào Huế theo học các nghệ nhân Tuyết Tuyết, Mộng Điệp, Lâm Bảo Dần. Quãng thời gian ấy chất Huế đã ngấm trong con người chị?
- Khi quyết định theo công việc biên tập, hát, thu âm các làn điệu ca Huế trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã ra Hà Nội. Lúc ấy tôi đang học cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Mỗi khi có thời gian, tôi lại bay vào Huế để học hỏi. Các cô cũng rất nhiệt tình, thay phiên nhau chỉ bảo để tôi có thể đáp ứng được công việc. Những lúc ở ngoài này, tôi tranh thủ học bằng cách nghe từng làn điệu, từng nhịp phách và nghe cách người ta nhả chữ.
Thông thường khi thu âm trên đài, phục vụ công chúng thì tôi chủ yếu thu những bài bản quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ. Còn những bài bản “bác học” thì ít giới thiệu. Ca Huế có rất nhiều làn điệu và không ai dám “vỗ ngực” bảo rằng tôi đã thuộc hết các bài bản.
- Nhiều người hâm mộ nói rằng “nửa đời NSƯT Diệu Hương lận đận với những bản tình ca”, còn với ca Huế thì sao?
- Mỗi ca sĩ đều có một chí hướng riêng trên con đường âm nhạc. Tôi luôn nghĩ rằng mình là một ca sĩ thì phải làm đẹp cho đời, đem đến cho mọi người tiếng hát, nụ cười. Với ca Huế, tôi nghĩ rằng mình có một sự trải nghiệm, hiểu con người miền Trung có nét khắc khổ, luôn muốn vượt lên khó khăn, nghịch cảnh. Những trải nghiệm của mình nếu đưa vào âm nhạc, nhất là với ca Huế thì khi nghe sẽ cảm thấy tròn trịa hơn. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng mình chọn ca Huế là điều đúng đắn nhất. Vì đi đâu, về đâu, cốt cách, tâm hồn dân tộc, quê hương luôn là những giá trị bền vững với thời gian.
- Hiện nay, việc giữ gìn, phát huy giá trị của ca Huế thường có hai hình thức: Giới thiệu các làn điệu cổ và lồng điệu bằng ca từ mới. Với các làn điệu cổ, khi tiếp cận công chúng, chị có thấy khó?
- Ngược lại thì đúng hơn. Ở các làn điệu cổ, âm nhạc cho đến lời ca đã hòa quyện với nhau nên mình thể hiện rất dễ. Có một số làn điệu cơ bản, khi nghe mọi người thích luôn, chẳng hạn tôi đi đâu khán giả cũng yêu cầu hát “Tình tang”, “Mười thương”. Còn với lời mới, tôi lại cảm thấy khó hơn một chút. Ngoài việc phải nhớ âm nhạc thì việc bẻ làn, nắn điệu, chỉnh lại câu từ sao cho khớp với nhạc là điều rất khó. Thú thực là tôi phải “lượn” để khi các nhạc sĩ, các nhà chuyên môn nghe, duyệt vẫn nghe ra được rõ ràng câu từ và đúng âm nhạc. Khi lồng bản, ghép lời mới mang tính cổ động thì tôi nghĩ rằng làn điệu ca Huế ấy không chỉ để cho Huế nghe mà là đồng bào cả nước đều nghe được. Kinh nghiệm của tôi là phải “tròn vành rõ chữ”.
- Sau một thời gian gắn bó, album “Mười thương” đã khẳng định tên tuổi của nghệ sĩ Diệu Hương với ca Huế?
- Đầu năm 2018, tôi làm album “Mười thương”, một album ca Huế nhạc cổ, lời cổ, với mong muốn khôi phục lại những làn điệu mà các thế hệ đi trước đã thể hiện. Tôi làm mới với kỹ thuật hiện đại, âm thanh hiện đại, con người hiện đại và khi mình hát vẫn thể hiện được bản sắc dân tộc trong bản thu ấy. Có 12 làn điệu trong album “Mười thương”, có những làn điệu mình ghép lại, cũng có bài chỉ hát riêng một làn điệu. Có những bản tôi phải vào Huế tìm dàn nhạc nhờ đánh. Tại Hà Nội, tôi đã nhờ các nhạc công của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam hỗ trợ, cùng thu âm CD. Tôi đã mất gần một năm trời để hoàn thiện album. Trước đây, đã có nhiều tên tuổi thể hiện thành công ca Huế như NSND Châu Loan, NSƯT Lài Tâm. Vì thế, đây cũng là một áp lực với tôi khi đảm nhận mảng âm nhạc dân tộc. Mình tự đặt ra cho mình trách nhiệm nối tiếp các thế hệ đi trước, gìn giữ và phát huy giá trị ca Huế trên làm sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nên mình không được phép làm sai mà phải làm tốt.
- Trân trọng cảm ơn NSƯT Diệu Hương!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.