Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ trẻ Đặng Anh Tuấn: ''Học âm nhạc cổ điển như đi đường khó, nhưng phần thưởng sẽ rất tuyệt vời''

Ngân Hà| 11/12/2022 08:03

(HNMCT) - Tham gia Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2022 (diễn ra từ ngày 21 đến 24-11 tại thành phố Penang - Malaysia), nghệ sĩ trẻ của Việt Nam Đặng Anh Tuấn đã xuất sắc giành giải Vàng. Với thành tích này, cậu sinh viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một gương mặt nhiều triển vọng.

Đặng Anh Tuấn hiện là sinh viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

- Chúc mừng Đặng Anh Tuấn vừa giành giải Vàng tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương. Tuấn có thể chia sẻ cho bạn đọc báo Hànộimới Cuối tuần được biết bạn đã chọn tiết mục gì khi tham dự Liên hoan?

- Tôi chọn tác phẩm “Non piu andrai”, một aria trong vở nhạc kịch “Đám cưới Figaro” của nhạc sĩ W. Mozart. Lý do tôi chọn tác phẩm này là vì nó có độ khó về kỹ thuật cũng như trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật Figaro. Với tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập, tác phẩm yêu cầu một giọng hát khỏe khoắn, giàu nội lực. Ngoài độ khó, một yếu tố để chinh phục Ban giám khảo, tôi chọn tác phẩm này còn vì đó là một tác phẩm quen thuộc với khán giả yêu âm nhạc cổ điển thế giới nên sẽ dễ dàng nhận được sự chia sẻ của mọi người.

- Là một nghệ sĩ trẻ đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chưa có nhiều kinh nghiệm biểu diễn, điều gì đã thôi thúc bạn đến với liên hoan nghệ thuật này?

- Theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi luôn được các thầy cô dìu dắt, chỉ bảo tận tình. Vì vậy, để tiếp nối truyền thống của trường và mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của nền âm nhạc Việt Nam, tôi đã vượt qua những e ngại ban đầu, quyết định đến với một liên hoan âm nhạc quốc tế. Tôi đã nhận được sự động viên từ các thầy cô và gia đình. Khi dự Liên hoan, tôi cố gắng hết sức để thể hiện khả năng với bạn bè, nghệ sĩ quốc tế nhằm khẳng định vị thế âm nhạc Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Đâu là điều bạn cảm thấy thú vị nhất khi được trải nghiệm một kỳ liên hoan nghệ thuật quốc tế?

- Đối với tôi, điều thú vị nhất là được tham gia học hỏi và giao lưu âm nhạc với bạn bè quốc tế. Thông qua đó, tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống, âm nhạc của các nước, cũng như chia sẻ để bạn bè hiểu hơn về âm nhạc, văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập. Với tư cách là một nghệ sĩ trẻ mới bắt đầu con đường của mình, tôi học hỏi được nhiều về thái độ chuyên nghiệp của người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu, cũng như sự chuyên nghiệp khi biểu diễn một tác phẩm nghệ thuật, nhất là một tác phẩm âm nhạc cổ điển.

- Hiện nay, nhiều bạn trẻ đến với âm nhạc thường chọn nhạc trẻ, vì dường như con đường đi của họ dễ hơn, có thể có nhiều cơ hội để sớm nổi tiếng hơn. Còn bạn, vì sao lại là âm nhạc cổ điển mà không phải là nhạc trẻ?

- Nhạc trẻ hay nhạc cổ điển đều là những thành tố quan trọng tạo nên một nền âm nhạc. Hai thành tố này luôn song hành cùng sự phát triển nói chung. Nhạc trẻ giống như phần ngọn, càng phát triển thì cái rễ cây càng phải bám sâu vào lòng đất. Chúng ta đều biết rằng âm nhạc cổ điển là nguồn cội của nghệ thuật đương đại. Nhạc cổ điển hay nhạc trẻ đều tốt, nhưng mỗi chất giọng sẽ phù hợp với từng thể loại nhạc khác nhau. Từ nhỏ tôi đã rất thích nghe nhạc cổ điển và khi thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi quyết định theo học nhạc cổ điển. Chất giọng Baritone trầm ấm và dày giúp tôi có nhiều thuận lợi hơn trong việc thể hiện các tác phẩm cổ điển cũng như nhạc trữ tình.

- Được biết bạn từng chọn một nghề khác để học (ngành Ngân hàng), nhưng sau đó lại bỏ dở để quyết tâm đi theo con đường âm nhạc vốn là niềm đam mê từ nhỏ. Hẳn phải có một sự đấu tranh nội tâm trước khi bạn thay đổi con đường đi ở thời điểm đó?

- Khi quyết định rời Học viện Ngân hàng, tôi đã trải qua một giai đoạn thực sự khó khăn. Đầu tiên là độ tuổi khi tôi chuyển ngành học. Khi đó tôi đang là sinh viên ngành Ngân hàng và từ bỏ để thi vào Nhạc viện hệ trung cấp, rồi 4 năm sau mới thi vào hệ đại học khoa Thanh nhạc. Nhiều người lo lắng cho sự thay đổi đó của tôi. Tiếp theo là làm thế nào để tìm được một người thầy dìu dắt và hướng cho mình con đường đi đúng đắn. Cuối cùng, chính là học phí. Nếu học ngành Ngân hàng xong, ra trường đi làm, tôi có thể sớm kiếm tiền nuôi sống bản thân, nhưng để học âm nhạc trong một thời gian dài thì tôi phải cần đến sự hỗ trợ của gia đình. Rất may là các thành viên trong gia đình tôi từ sự hoài nghi ban đầu cũng đã dần chuyển sang ủng hộ và hết lòng giúp đỡ. Tôi thật sự biết ơn cha mẹ và các thầy cô đã động viên mình trong suốt thời gian qua.

- Từ góc nhìn của một nghệ sĩ trẻ được đào tạo chính quy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam về nhạc cổ điển, bạn thấy chúng ta nên làm những gì để các bạn trẻ có tài năng ca hát đến với dòng nhạc thính phòng nhiều hơn?

- Theo tôi, trước tiên, các bạn cần có một cái nhìn đúng đắn về dòng nhạc cổ điển, hiểu được những khó khăn và thuận lợi khi lựa chọn theo đuổi dòng nhạc này. Nếu bạn có khả năng và đã quyết chí lựa chọn thì phải cần cù, chăm chỉ học tập, không được nản lòng. Ngoài ra, bạn phải có một thái độ cầu thị, luôn học hỏi từ những người đi trước. Học âm nhạc cổ điển giống như đi một con đường khó, nhưng phần thưởng sẽ rất tuyệt vời nếu bạn hết mình với đam mê.

- Được biết, bố của bạn cũng là một nhạc sĩ (nhạc sĩ Đặng Hoàng Long). Lời khuyên nào của cha mà bạn thấm thía nhất khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật?

- Có một lời khyên của bố mà tôi thấy vô cùng chính xác: “Chỉ cần biết nuôi dưỡng đam mê và không ngừng nỗ lực, mọi điều lành sẽ đến với con”.

- Trong âm nhạc, ai là thần tượng của bạn? Bạn học được điều gì từ họ?

- Tôi coi Elvis Presley, Michael Jackson là thần tượng, ở trong nước thì là Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng. Từ các thần tượng, tôi có thể học hỏi, khai phá, bổ sung kỹ thuật, thậm chí mở rộng hiểu biết của mình về nhiều dòng nhạc và có thể hát thêm được những dòng nhạc đó. Ngoài ra, là người đam mê vũ đạo, tôi cũng học được nhiều từ phong cách biểu diễn, các điệu nhảy của Michael Jackson cũng như phong cách biểu diễn của Elvis Presley.

- Người thầy ảnh hưởng nhiều nhất đến bạn?

- Đó là giảng viên, Thạc sĩ Đào Nguyên Vũ. Thầy là người truyền lửa, khơi dậy niềm đam mê cũng như giúp đỡ tôi rất nhiều trên con đường nghệ thuật. Thầy tận tâm, vô cùng hóm hỉnh, không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ trẻ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam luôn yêu mến và cảm thấy hạnh phúc khi được thầy dìu dắt.

- Giải Vàng Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa với bạn như thế nào?

- Chắc chắn thành công này là một bước ngoặt lớn đối với tôi, là một dấu mốc khó quên trên bước đường nghệ thuật mà tôi đã chọn. Thành công ban đầu này còn là lời nhắc nhở tôi phải luôn nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Đặng Anh Tuấn! Chúc bạn thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ trẻ Đặng Anh Tuấn: ''Học âm nhạc cổ điển như đi đường khó, nhưng phần thưởng sẽ rất tuyệt vời''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.