(HNMCT) - Để lại cánh tay phải ở chiến trường khi mới 21 tuổi, gần nửa thế kỷ qua nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Bùi Đăng Thanh đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua số phận để trở thành một NSNA được phong tước hiệu A.FIAP (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quốc tế), một nhà đào tạo nhiếp ảnh tài ba ở trong và ngoài nước. Với phương châm sống “hãy trồng thật nhiều hoa để bớt đi sự chen lấn của cỏ dại”, ông đã truyền cảm hứng tích cực cho nhiều người.
1. Khi được NSNA Phạm Tiến Dũng giới thiệu về Bùi Đăng Thanh, nghệ sĩ nhiếp ảnh đồng thời là một thương binh, thú thật là tôi không hình dung ra ông sẽ chụp ảnh như thế nào với chỉ một cánh tay trái. Và rồi, biết bao câu hỏi về ông lần lượt xuất hiện. Tại sao ông có thể luyện viết bằng tay trái để học hết phổ thông rồi thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng? Tại sao ông có thể tự mình đi xe máy tới tận Huế, Điện Biên, Lai Châu... để thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh? Tại sao ông có thể chụp được hàng nghìn bức ảnh có giá trị, trong đó có những bức được trao giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế? Tại sao một người đàn ông ở tuổi 70 mà vẫn xông pha, hăng hái dạy học tại nhiều cơ sở đào tạo?...
Rồi tôi được gặp ông, được tận mắt chứng kiến ông lắp máy rồi đưa lên ngắm một cách thành thục, được nghe những lời tâm sự về cuộc đời, tôi hiểu rằng chính nghị lực phi thường và “tinh thần thép” của Bộ đội Cụ Hồ đã giúp Bùi Đăng Thanh làm được những việc tưởng chừng không thể.
Người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp nhiếp ảnh của Bùi Đăng Thanh chính là cha ông, ông chủ hiệu ảnh Bùi Thành nức tiếng xứ Thanh một thời. Ở chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhiếp ảnh gia Bùi Đăng Thành đã đào tạo nhiều thợ ảnh cho tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành lân cận.
Từ rất nhỏ đã theo cha học nghề nhưng phải tới khi học hết lớp 7 cậu bé Thanh mới được cha tin tưởng giao cho một số công việc về ảnh. Cuộc sống êm đềm trôi và Bùi Đăng Thanh sẽ tiếp quản hiệu ảnh của cha mình nếu như lúc đó đất nước không có chiến tranh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Thanh nhập ngũ và trở thành người lính trinh sát, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (Mặt trận B3). Gần cuối chiến dịch mùa khô năm 1971, ông bị thương nặng, cánh tay phải mãi mãi để lại nơi chiến trường.
Ở tuổi 21, độ tuổi đầy khát khao, hoài bão mà lại mang trên người thương tật suốt đời, thế nhưng Bùi Đăng Thanh không đầu hàng số phận. Thương binh Bùi Đăng Thanh học bổ túc chương trình cấp 3 ở huyện Ngọc Lặc rồi nuôi tiếp khát vọng đến với chân trời tri thức ở Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Trong thời gian học đại học tại Thủ đô, Bùi Đăng Thanh luyện chụp ảnh bằng tay trái, xông xáo đi chụp để làm tin cho nhà trường và các trường bạn như Đại học Thủy lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội... “Hồi ấy tôi chụp ảnh chỉ cốt rèn nghề cho thật thành thạo. Trong quá trình đi chụp, có nhiều bạn muốn học và tôi sẵn sàng hướng dẫn thêm để các bạn đến với môn nghệ thuật này”, NSNA Bùi Đăng Thanh nhớ lại.
2. Dường như Bùi Đăng Thanh sinh ra là để theo nghiệp nhiếp ảnh, bởi trải qua nhiều cương vị công tác, ông lại trở về với nghề chụp ảnh và đào tạo nhiếp ảnh. Khi đang là Trợ lý Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), mỗi buổi chiều tan tầm ông lại vác máy ra hồ Vị Xuyên (thành phố Nam Định) để vừa chụp ảnh kiếm sống vừa thỏa mãn đam mê của mình. Những tác phẩm ảnh nghệ thuật Chiều công viên, Chia tay hoàng hôn... ra đời từ đó.
Thời gian trôi qua, Bùi Đăng Thanh trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở thành Nam. Nhiều người ở xa cũng tìm đến ông để học ảnh. Năm 1987, với tác phẩm Nghề truyền thống, ông được trao giải nhất Cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật do báo Hà Nam Ninh (cũ) tổ chức. Năm 1996, ông xuất sắc giành Giải thưởng ACCU (Nhật Bản) với tác phẩm Văn hóa truyền thống Việt Nam...
Để có được một tác phẩm ưng ý, người nghệ sĩ phải lao động hết sức nghiêm túc và có tinh thần dấn thân. Năm 1999, Bùi Đăng Thanh đưa một nhóm học sinh đạp xe đi thực tế ở 4 tỉnh phía Bắc. Khi đến đoạn giáp ranh giữa Thái Bình và Hưng Yên (lúc ấy cầu Triều Dương đang xây dựng), ông chợt ấn tượng với khoảnh khắc trong khung cảnh nước lũ xuất hiện một thôn nữ áo hồng - nét hiền hòa làm dịu đi cảnh dữ dội của thiên nhiên. Người thương binh đã không ngần ngại trèo lên mố cầu đang xây dựng để chụp lại cảnh ấn tượng đó từ trên cao.
Những người công nhân đã ngăn ông lại và bằng mọi lý lẽ, họ bắt ông phải viết giấy cam đoan rằng: “Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho hành động của mình nếu nguy hiểm xảy ra”. Tinh thần hết mình cho nhiếp ảnh đã mang lại cho ông một tác phẩm để đời - bức ảnh Bến lở đã có mặt trong nhiều triển lãm tại các châu lục cũng như được in trong cuốn sách Ảnh nghệ thuật tiêu biểu Việt Nam thế kỷ XX do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xuất bản năm 2003.
3. Đam mê, tâm huyết là thế nhưng chỉ tới khi được nghỉ hưu ông mới có thể toàn tâm toàn ý với công việc đào tạo. Từ năm 2004, ông được Chương trình dạy nhiếp ảnh cho những người khuyết tật của Liên hợp quốc mời giảng dạy miễn phí các khóa học nhiếp ảnh dành cho sinh viên tình nguyện và người khuyết tật Hà Nội. Năm 2006, ông trúng tuyển khóa đào tạo giảng viên truyền thông của Liên hợp quốc tại Hà Lan. Từ đó, ông luôn được các tổ chức quốc tế mời giảng dạy về nhiếp ảnh truyền thông cho thanh niên tình nguyện và người khuyết tật ở nhiều nơi; chưa kể Trung tâm đào tạo nhiếp ảnh Đăng Thanh do ông và các NSNA nổi tiếng tham gia giảng dạy.
Bùi Đăng Thanh còn tham gia giảng dạy môn nhiếp ảnh cho một số trường đại học, cao đẳng và trường nghề ở Hà Nội. “Thực ra ở tuổi này, vết thương gây đau nhức và mệt mỏi. Nhưng được đứng lớp giảng dạy là tôi còn được tiếp tục học tập, tiếp tục cập nhật kiến thức, tiếp tục truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê sáng tạo để thêm yêu cuộc sống”, NSNA Bùi Đăng Thanh bộc bạch.
Dù là thương binh nặng và trải qua nhiều khó khăn nhưng Bùi Đăng Thanh luôn cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều so với những đồng đội mãi mãi không thể trở về. Bằng tâm niệm ấy, ông luôn trân trọng cuộc sống và cố gắng sống một cuộc đời ý nghĩa. Với phương châm sống “hãy trồng thật nhiều hoa để bớt đi sự chen lấn của cỏ dại”, ông đã truyền cảm hứng tích cực cho nhiều người, và cũng bởi thế, dù đã ở tuổi 70, ngày ngày người ta vẫn thấy nghệ sĩ bận rộn với những tiết học, với những buổi đi thực tế để sáng tác. Luôn cống hiến, cháy hết mình với đam mê, NSNA Bùi Đăng Thanh thực sự là một thương binh “tàn nhưng không phế”.
NSNA Bùi Đăng Thanh sinh năm 1950 tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông sở hữu 65 giải thưởng trong nước, quốc tế và đã được phong các tước hiệu cao quý: NSNA quốc tế (A.FIAP), NSNA có cống hiến xuất sắc Việt Nam (ES.VAPA), NSNA xuất sắc Việt Nam (E.VAPA). Một số tác phẩm gần đây của ông được giới nghệ thuật đánh giá cao như: Lặng lẽ phù sa, Miền quê thương nhớ, Em bé Hà Nội, Đất hẹn mùa vàng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.