(HNMCT) - Ngày 26-8-2020, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Phương từ biệt nhân gian ở tuổi 91. Những ngày qua, tên ông được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông gắn với vai diễn “để đời” - A Phủ - trong phim Vợ chồng A Phủ. Thế nhưng, cuộc đời của người nghệ sĩ tài năng ấy không chỉ là câu chuyện gắn liền với cái tên A Phủ, mà còn có nhiều “khúc cua” kịch tính khác.
1. NSND Trần Phương sinh ra và lớn lên tại Thái Nguyên. Cuộc đời dẫn dắt Trần Phương qua nhiều ngã rẽ khác nhau trước khi đưa ông đến với điện ảnh. Đi theo kháng chiến từ khi còn rất trẻ, Trần Phương học nghề thợ tiện, phục vụ trong xưởng quân giới của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Năm 1947, ông cùng đồng đội tại xưởng quân giới chuyển lên Bắc Kạn. Năm 1952, trong một lần thử đạn, Trần Phương không may bị thương, mất một ngón tay, ông được phép rời xưởng trở về Thái Nguyên làm công tác hậu cần ở Trường Văn nghệ nhân dân Liên khu Việt Bắc. Tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc với những tên tuổi lớn của văn đàn Việt Nam như Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân... để rồi, như mối duyên định sẵn, ông “chạm ngõ” nghệ thuật thứ bảy.
Ban đầu, ông học chèo và từng cùng đồng nghiệp theo Bác Hồ sang Trung Quốc biểu diễn vào năm 1955. Sau này, đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa đưa Trần Phương đến với điện ảnh khi giới thiệu cho ông xem một số bộ phim của điện ảnh Nga, Trung Quốc như Công phá Berlin, Zắc-cô đi tìm hạnh phúc, Bạch Mao nữ... Hồi ấy, ông “mê tít” rồi thành ra nghiện xem phim tới mức có lần đã đi bộ suốt đêm, vượt quãng đường hai, ba chục cây số để đến nơi chiếu phim.
Thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, Trần Phương và hầu hết đồng nghiệp đều từ sân khấu chuyển sang. Kiến thức về diễn xuất trong nghệ thuật chèo do Thế Lữ hướng dẫn được Trần Phương áp dụng vào điện ảnh khá tốt. Sau vai diễn đầu tiên trong bộ phim truyện nhựa Chung một dòng sông, Trần Phương thực sự tỏa sáng với vai diễn nổi tiếng gắn liền với tên tuổi ông đến cuối đời - A Phủ, trong phim Vợ chồng A Phủ. Khi biết mình được chọn đóng vai này, Trần Phương tham vấn và được Thế Lữ khuyên đi thực tế ở Tây Bắc.
Trên đường qua Tuần Giáo, ông gặp nhà văn Nguyễn Tuân cũng đang đi thực tế để viết Truyện Tây Bắc. Trò chuyện với nhà văn tài ba, Trần Phương có được những bài học đáng giá về diễn xuất trong điện ảnh, từ việc tìm hiểu về tâm lý, nội tâm nhân vật cho tới lối sống, cách sinh hoạt của người Mèo. Sau ba tháng sống ở Tây Bắc, sinh hoạt như người Mèo, biết nói tiếng Mèo, biết cưỡi ngựa không cần yên, làm nương rẫy, hiểu thêm về cuộc sống, phong tục tập quán của người Mèo..., Trần Phương yên tâm làm... A Phủ.
Chính thức “ngã” vào điện ảnh, sau vai A Phủ, Trần Phương vào vai các nhân vật khác như Khoa - chồng Tư Hậu trong Chị Tư Hậu (1963), Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1969), Sơn trong Biển gọi (1970)..., sánh vai với các ngôi sao nữ nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam thời đó như Trà Giang, Tuệ Minh... Dù là dạng vai nào, ở lứa tuổi nào, mỗi vai diễn mới đối với Trần Phương đều là trải nghiệm mới, giúp ông thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo với phương châm: Sống với nhân vật trong đời thực để hóa thân thành nhân vật trên màn ảnh, như vậy nghệ thuật mới không giả dối.
2. Không muốn bó mình trong lĩnh vực diễn xuất, Trần Phương quyết định chuyển sang làm đạo diễn. Sau khi đảm nhận vai trò phó đạo diễn cho nhà làm phim Trần Vũ trong hai bộ phim Chuyến xe bão táp và Những người đã gặp, Trần Phương “chào nghề” đạo diễn bằng bộ phim đầu tay Mưa rơi trên thành phố (1978). Năm 1979, ông thực hiện Dưới chân núi trắng - bộ phim truyền hình màu đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam. Đến năm 1980, ông là biên kịch kiêm đạo diễn phim truyện nhựa Tội lỗi cuối cùng - bộ phim đã giành giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 và Phương Thanh - vai “Hiền cá sấu” trong bộ phim này - giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bắt đầu từ thời điểm đó, trên cương vị đạo diễn, Trần Phương liên tục gặt hái thành công với những bộ phim tiếp theo như Đứng trước biển, Hy vọng cuối cùng...
Khi dòng phim thị trường nở rộ, Trần Phương là đạo diễn đắt “sô”, được nhiều nhà làm phim phía Nam mời gọi. Ông tiếp tục thành công với những bộ phim ở nhiều thể loại như Vụ án hồ con rùa, SBC - Săn bắt cướp (thể loại hình sự), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi pha (phim tâm lý hài hước), Dòng sông hoa trắng (phim chiến tranh)... Trong ký ức của người yêu điện ảnh Việt, đó là những bộ phim hấp dẫn, gây được tiếng vang và có doanh thu bán vé cao.
Vốn là người rộng rãi, ngay từ khi gắn bó với điện ảnh, Trần Phương không màng chuyện tiền bạc, thù lao. Đồng nghiệp thường kể rằng, mỗi khi có tiền, Trần Phương đều gửi ra Bắc để chia sẻ khó khăn cùng đồng nghiệp tại Hãng phim truyện Việt Nam. Cho tới đầu những năm 2000, khi đã ngoài 70, “lão tướng” Trần Phương vẫn miệt mài với mối duyên điện ảnh. Hai bộ phim truyện nhựa quay bằng phim 35mm cuối cùng của ông là Đêm Bến Tre (Điện ảnh Quân đội) và Khi người ta yêu nhau (Hãng phim truyện I, nay là Công ty cổ phần Hãng phim truyện I). Hình ảnh người đạo diễn tóc trắng, phong độ ngời ngời chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên và điều hành hàng trăm nhân viên trên trường quay Khi người ta yêu nhau ở khắp các tỉnh từ Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa..., thậm chí có hôm làm việc tới 2 - 3h sáng, là bằng chứng sống động cho thấy tình yêu nghề sâu đậm ở Trần Phương.
3. Sau khi Trần Phương nghỉ hưu được ít lâu, người vợ tần tảo chịu thương chịu khó luôn ủng hộ ông bay bổng cùng điện ảnh đã bỏ ông đi trước, NSND Trần Phương sống cùng con gái út tại ngôi nhà trong con ngõ nhỏ ở dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Con cháu bận bịu vì công việc, học hành nên hầu như ông ở nhà một mình cả ngày, lấy việc đi chợ nấu ăn làm niềm vui nho nhỏ. Dần dà, ở một mình buồn, ông vào viện dưỡng lão cùng các đồng nghiệp Tuệ Minh, Lịch Du... Ngày mới lên, ông khá khép mình, thậm chí còn hơi lẫn nhưng sau một thời gian được chăm sóc tốt, hoạt động tích cực, lại được cùng bạn bè trò chuyện ôn lại kỷ niệm với điện ảnh, Trần Phương đã hoạt bát trở lại, thậm chí có lúc thể hiện phong độ và sự hài hước của một người đàn ông từng là thần tượng của biết bao người hâm mộ...
Nếu ví cuộc đời Trần Phương như một cuốn phim thì ông đã hoàn thành xuất sắc tất cả các vai diễn của mình với phẩm cách và danh dự của những người đàn ông như A Phủ, như Khiêm, như anh Lực...
NSND, diễn viên, đạo diễn Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Các phim ông tham gia trong vai trò diễn viên: Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Vợ chồng anh Lực, Tiền tuyến gọi… Các phim ông tham gia trên cương vị đạo diễn: Mưa rơi trên thành phố, Dưới chân núi trắng, Tội lỗi cuối cùng, Đứng trước biển, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi pha, Dòng sông hoa trắng…
Năm 2001, Trần Phương nhận danh hiệu NSND và năm 2007 được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.