(HNMCT) - Sở hữu chất giọng nam trầm, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Quốc Hưng đã gặt hái nhiều thành công trên con đường âm nhạc ở cả hai lĩnh vực biểu diễn và nghiên cứu, giảng dạy. Anh hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với anh về “nghề đưa đò” trong âm nhạc.
- Xin chúc mừng anh với cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” vừa ra mắt. Cuốn sách ra mắt đúng thời điểm ghi dấu ấn chặng đường 30 năm anh gắn bó với âm nhạc. Anh có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách này?
- Cuốn sách này được phát triển trên cơ sở luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học chuyên ngành Âm nhạc học tôi đã bảo vệ thành công năm 2018 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đây là công trình tôi ấp ủ, nghiên cứu suốt 10 năm để góp thêm nền tảng lý luận cho việc đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam. Đây là một lĩnh vực còn “non yếu”, chưa có thành tựu gì nhiều so với các nước phát triển, các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực cũng chưa nhiều, vì vậy tôi cố gắng tìm những nét riêng, đúc kết kỹ thuật để các giảng viên, học sinh có thể áp dụng trong quá trình đào tạo.
- Khác với các ngành khác, trong giảng dạy âm nhạc, dấu ấn của người thầy rất rõ nét trong phong cách của người học trò, đúng không thưa anh?
- Ngành thanh nhạc là ngành mà thầy - trò có sự gắn bó rất đặc biệt, khi lên lớp chỉ có một thầy một trò thôi. Nếu các em học từ trung cấp lên đại học thì sẽ gắn bó với thầy trong 8 năm ròng. Chính vì vậy, ảnh hưởng của người thầy với học trò rất lớn, không những về chuyên môn, kỹ thuật mà còn cả tính cách, nhân cách. Tôi học NSND Trần Hiếu trong suốt quá trình từ trung cấp đến đại học, trong thời gian đó, mình gặp thầy có khi còn nhiều hơn gặp bố mẹ mình, nên tình cảm gắn bó với thầy rất sâu sắc, thầy không khác gì người cha, người mẹ của mình cả. Mình rất hiểu thầy và thầy rất hiểu mình. Đó là tình cảm vô cùng đặc biệt.
- Được biết, con đường đến với opera của anh khá đặc biệt: Anh xuất thân từ diễn viên chèo, được NSND Quý Dương phát hiện, giới thiệu đến thi tuyển tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và được NSND Trần Hiếu nhận làm học trò. Trong nghệ thuật, yếu tố tài năng là điều quyết định và người thầy không chỉ là người chỉ bảo mà còn phải là người phát hiện ra tài năng để từ đó bồi dưỡng kịp thời?
- Phát hiện tài năng trong ngành này cũng như “đãi cát tìm vàng”, khi mình phát hiện ra ai đó có tài năng trời phú thì phải “dụ dỗ”, “lôi kéo” bằng được họ để đào tạo. Tôi may mắn được thầy Quý Dương giới thiệu, vào đây được thầy Trần Hiếu giảng dạy. Trong quá trình học tập cũng có khi mình cảm thấy nản bởi kinh tế khó khăn, nhưng thầy luôn tìm mọi cách động viên mình học. Dù thầy cũng không khá giả gì nhưng sẵn sàng mua đồ ăn cho mình, cần gì thầy giúp. Sau này tôi cũng tiếp bước con đường đó.
Khi tôi về Quảng Ninh dạy học, tôi phát hiện ra Hoàng Tùng có chất giọng tốt, tôi đã tìm cách “dụ dỗ”, thậm chí “bắt ép” Tùng lên Hà Nội học. Hoàng Tùng bảo nhà em nghèo lắm, không lên Hà Nội học được, nhưng tôi bảo cứ lên, thầy có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Và thế là Hoàng Tùng trở thành người học trò đầu tiên của tôi. Quả thực, khi phát hiện ra một tài năng nào đó thì tâm nguyện lớn nhất của mình là giúp các em tỏa sáng.
- Số lượng học viên theo học opera ngày càng ít đi, học tập vất vả mà thù lao "bèo bọt". Anh làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc bác học cho các em?
- Từ câu chuyện của bản thân, tôi thấy tôi lựa chọn opera là một sự may mắn. Mình xác định đi theo con đường này thì không nhiều tiền như ca sĩ khác được, nhưng nó sẽ cho mình một vị trí riêng. Khi tôi ra ngoài biểu diễn, hát ca khúc Việt Nam, hát show thì công chúng chấp nhận ngay, họ thấy ở mình sự khác biệt so với các giọng ca khác. Nội lực, nhạc cảm đặc biệt ấy là nhờ opera bởi nghệ sĩ opera khi hát tác phẩm nào cũng phải nghiên cứu rất kỹ lời văn, lời thơ trong tác phẩm, nghiên cứu kỹ cả tuyến giai điệu như thế nào, phải hiểu rất sâu về tác phẩm thì mới hát được. Những người học bài bản, nghiên cứu sâu thì dù biểu diễn ở thể loại âm nhạc khác, người nghe vẫn chấp nhận mình, đó là lợi thế. Tôi cũng thường xuyên động viên các em vừa khẳng định mình bằng opera nhưng xã hội thay đổi, mình cũng phải đi diễn thì truyền thông, nhân dân mới biết đến mình, mới đảm bảo được cuộc sống để nuôi dưỡng đam mê.
- Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!
NSND Quốc Hưng từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp trong nước cũng như quốc tế như: Giải nhất Cuộc thi Hát thính phòng nhạc kịch toàn quốc lần thứ II năm 2000, Cúp Vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa xuân tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 2004... Anh đảm nhiệm nhiều vai diễn trong các vở opera lớn: Vai Erimit trong vở opera “Viên đạn thần” của Weber (năm 1999), vai Sarastro trong vở opera “Cây sáo thần” của Mozart (năm 2016)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.