Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi: Đong đầy tình yêu với âm nhạc dân tộc

Thúy Đinh| 07/01/2023 20:12

(HNMCT) - NSND Phạm Ngọc Khôi là người tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Không chỉ sáng tác ca khúc, khí nhạc và viết nhạc cho phim, tên tuổi ông còn gắn liền với những chương trình biểu diễn lớn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các đài phát thanh - truyền hình… trong vai trò chỉ huy dàn nhạc. Đối với ông, sáng tác khí nhạc vừa là tình yêu, vừa là nỗi trăn trở với mạch nguồn văn hóa dân tộc.

NSND Phạm Ngọc Khôi chỉ huy dàn nhạc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

- Đầu tiên, xin được chúc mừng NSND Phạm Ngọc Khôi với đại nhạc “Đất nước thái hòa” được chọn giới thiệu tại lễ khai mạc Festival Huế vừa qua. Có thể nói đây là một dấu ấn đáng nhớ trong năm qua của ông?

- Đây là một tác phẩm khí nhạc dân tộc. Mặc dù bận rộn với công việc quản lý tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng tôi luôn tranh thủ thời gian sáng tác. Là người gắn bó với âm nhạc dân tộc, tôi nghĩ rằng mình luôn phải học hỏi, kế thừa các thế hệ cha anh đi trước như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Trần Quý, Nguyễn Đình Tích, Quang Hải, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương…

Đối với tôi, họ là những người thầy lớn đã viết nên những tác phẩm âm nhạc cho đất nước. Điều đó chứng tỏ nền âm nhạc dân tộc đã phát triển rực rỡ từ trước. Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất, chúng ta có điều kiện để xây dựng những dàn nhạc lớn.

- Ông viết tác phẩm khí nhạc này trong tâm thế như thế nào?

- Tôi viết tác phẩm “Đất nước thái hòa” trong tâm thế nhìn lại cả nước vừa đi qua đại dịch với nhiều mất mát, đau thương. Tôi hình dung quãng thời gian ấy mọi thứ như bị nén lại. Bản thân tôi cũng trải qua những cảm xúc lo lắng, băn khoăn và cảm thấy mình may mắn khi được sống. Chúng ta mong muốn điều gì trong cuộc sống này? Được hít thở, được ngồi với nhau trong bầu không khí đầy thương mến, mong ước đất nước được thanh bình. Về mặt hình thức, tôi dựa vào cảm hứng khi nghe bản đại nhạc của Huế “Lưu thủy kim tiền - Xuân phong long hổ”.

Tôi nghĩ rằng, các thế hệ sau cần gìn giữ và phát huy khí nhạc dân tộc nước nhà, tiếp nối truyền thống mà cha ông ta đã tạo dựng.

- Khí nhạc là một lĩnh vực khó của âm nhạc nên trong những năm gần đây, nền âm nhạc nước nhà cũng không có nhiều tác phẩm khí nhạc thành công?

- Viết đại nhạc là phải vắt kiệt mình, để nền âm nhạc nước nhà có cơ hội đến với đông đảo người dân, đồng thời kết nối với thế giới. Tôi rất may mắn được chọn là người viết đại nhạc này, nhưng không phải là được đầu tư. Đề tài này giống như một thách thức mà tôi phải vượt qua.

Khí nhạc đang có đời sống của nó. Ngoài lao động nhiệt tâm của người nghệ sĩ thì có lẽ cũng có cả yếu tố may mắn để khí nhạc sống được trong lòng công chúng. Chúng ta có thể tự tin rằng, nếu đã vượt qua được cái khó này thì sẽ viết được những tác phẩm khó hơn. Khi tác phẩm đã có đời sống lâu dài, người nhạc sĩ đã có đóng góp nhất định với đời sống âm nhạc thì đương nhiên những “đứa con tinh thần” của họ sẽ hòa vào bài ca chung của đất nước, tạo nên dáng vóc Việt Nam bởi vì nghe âm nhạc sẽ hình dung ra đất nước ấy như thế nào.

- Với NSND Phạm Ngọc Khôi, hẳn là sau “Đất nước thái hòa” ông sẽ có thêm những tác phẩm khí nhạc khác?

- Tôi đang cố gắng viết một tác phẩm khí nhạc về cảm xúc trong ngày đất nước thống nhất 30-4-1975. Tôi vẫn nhớ như in buổi trưa hôm ấy hàng vạn người ùa ra các con đường, ngõ phố Hà Nội. Gia đình tôi cũng có nhiều họ hàng ở trong Nam. Cảm xúc ấy chính là mong ước đất nước được thống nhất, non sông thu về một dải, gia đình, bạn bè được đoàn tụ giống như hình ảnh “vui sao nước mắt lại trào” trong bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Tôi kỳ vọng tác phẩm ấy phải nói lên được tâm tư, tình cảm về cuộc trường chinh của đất nước, mong muốn “ta lại về ta”…

- Hình như những cảm xúc ấy tôi đã gặp một phần nào đó trong những sáng tác trước đây của ông?

- Khao khát non sông thu về một dải luôn thường trực trong tim mỗi người Việt Nam. Nghĩ lại mới thấy Bác Hồ có cái nhìn vĩ đại. Cụ nhìn rất xa khi nói rằng “miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Câu nói ấy đã tạo nên động lực cho toàn dân tộc cùng đánh thắng giặc Mỹ. Nỗi niềm ấy được tôi thể hiện qua những ca khúc nhạc phim, đặc biệt là “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”.

Trước khi viết nhạc phim ấy, tôi đã được gặp những chiến sĩ tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ… Không chỉ hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của họ, tôi còn được nghe kể về nỗi oan ức của những người thân trong gia đình họ, đặc biệt là vợ con nơi hậu phương. Những chuyến đi Phú Quốc, Côn Đảo… để lại trong tôi kỷ niệm không thể nào quên.

Đó là dịp tôi được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đưa đến tận cửa căn phòng giam, nơi nhiều chị em đã hát thầm “Bài ca hi vọng”, kiên gan, bền chí trước mưu mô, thủ đoạn độc ác của địch. Bà đã hát cho tôi và mọi người nghe. Sau này, tôi có dịp được đệm piano cho bà hát ở Hà Nội. Hay như khi đoàn nhạc sĩ chúng tôi ra thắp hương mộ cô Sáu, đồng thanh hát bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, rồi sau đó hát Quốc ca. Đó là ấn tượng, cảm xúc luôn thấm đẫm trong tôi.

- Trân trọng cảm ơn NSND Phạm Ngọc Khôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi: Đong đầy tình yêu với âm nhạc dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.