Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh: ''Tôi sẽ múa đến khi nào còn có thể''

Bảo Trân| 15/05/2021 19:51

(HNMCT) - 22 tuổi, sau khi cầm trên tay tấm bằng đại học, Trần Lệ Thanh - diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - mới quyết tâm rẽ ngang sang học múa chuyên nghiệp. Mọi người trong gia đình phản đối nhưng Thanh tâm niệm: Trên đời này, vốn dĩ mỗi người đều có “múi giờ riêng”. Cuộc sống chính là biết mình muốn gì và nắm bắt cơ hội chính xác để hành động.

- Múa là một bộ môn nghệ thuật khắt khe, tuổi nghề rất ngắn, tại sao chị lại chọn con đường này khi đã 22 tuổi?

- Khi còn học Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi thường tham gia các chương trình văn nghệ và học thêm múa ở trung tâm. Càng ngày tôi càng yêu thích múa và mong muốn được theo con đường múa chuyên nghiệp. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã thi vào Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, hệ biên đạo múa.

Khi đó, bố mẹ, anh em, họ hàng đều phản đối vì nghĩ thế là phí tấm bằng đại học. Tôi phải vừa học vừa làm để chi trả cuộc sống, chấp nhận những công việc lương không cao. Nhớ những lần đi dạy tại Bắc Ninh, đêm mùa đông, trời mưa, khi một mình đi trên con đường tối om, gió lạnh..., tôi nghĩ: “Liệu mình có đi đúng đường hay không? Những điều đang trải qua có được bù đắp xứng đáng hay không?”. Lúc ấy, cảm giác rất cô độc.

- Lý do chị thường xuyên tham gia các cuộc thi múa là gì?

- Thông qua các cuộc thi, tôi có thể rèn luyện khả năng biểu diễn và sự tự tin. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy mình đang đi đúng hướng.

Tôi rất nhớ tác phẩm “Ảo giác” của một biên đạo người Trung Quốc, tác phẩm đưa đến cho tôi giải nhất Cuộc thi tài năng biểu diễn múa 2020. Tác phẩm nói về sự đấu tranh nội tâm của con người. Tôi nhìn thấy mình trong đó. Nhiều khi mình muốn bước qua nhưng vẫn có một năng lượng vô hình nào đó níu mình lại. Tôi từng có những đấu tranh nội tâm giống như vậy. Nhưng để dấn thân, tôi nghĩ đầu tiên là phải liều và thứ hai là có cái để muốn liều. Cái thứ ấy mình phải rất thích và rất muốn để có quyết tâm làm đến cùng.

- Đến giờ, với những vai diễn thành công, giải thưởng có được, chị cảm thấy như thế nào?  

- Đó là niềm hạnh phúc của tôi bởi tôi luôn tự đặt mục tiêu là đến những cuộc thi tiếp theo, nhất định mình phải giành được giải. Khi làm được điều đó, tôi cảm thấy hạnh phúc và những quá trình trước đó mình trải qua rất xứng đáng.

Khi còn học ở trường, tôi may mắn được các thầy cô tận tình giúp đỡ, đặc biệt là về chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp, đầu quân cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tôi đã được trau dồi rất nhiều, đặc biệt là khả năng biểu diễn và bản lĩnh sân khấu. Ở nhà hát, tôi được tham gia các vở lớn. Các nhân vật mà tôi đảm nhận thường biểu hiện sâu sắc về tâm trạng. Bên cạnh đó, tôi được học hỏi từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm, được chỉ dẫn cụ thể các động tác sao cho đẹp, cho ngọt. Tôi cũng được làm việc với các biên đạo, chuyên gia nổi tiếng nước ngoài.

- Nhưng cơ hội cũng kèm theo nhiều thử thách đấy chứ?

- Năm 2017, tôi tham gia cuộc thi tài năng biểu diễn múa toàn quốc và nghệ sĩ Trần Ly Ly làm giám khảo. Năm 2018, khi tôi tốt nghiệp, NSƯT Trần Ly Ly khi đó là quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi về công tác. Mới đầu, khi làm việc tại đây tôi gặp khá nhiều áp lực bởi chuyên môn của tôi là múa đương đại, trong khi nhà hát lại cần diễn viên múa ba lê (cổ điển). Khi múa đương đại, cơ thể mình thả ra rất nhiều. Còn khi múa ba lê, tất cả phải siết lại và chuyển động theo quy tắc có sẵn: Xương hông phải chắc, bụng mình phải giữ như thế nào, cằm và tay phải để ở bao nhiêu độ... Vì thế mà múa ba lê phải học từ bé để những động tác trở thành phản xạ tự nhiên. Mình bắt đầu muộn hơn nên khi làm phải nghĩ rất nhiều, phải kiểm soát nhiều thứ trên cơ thể, dần dần mới quen được.

- Biến ước mơ thành hiện thực, đó là điều chị đã làm được. Nhưng đời của diễn viên múa ngắn ngủi lắm...

- Đối với tôi, khi đến với múa, được đứng trên sân khấu, được biểu diễn là một điều hạnh phúc. Tôi sẽ múa đến khi nào còn có thể. Sau này tôi có thể mang những kiến thức mình học được để truyền đạt lại với những người cùng đam mê múa. Tôi hy vọng bản thân mình có thể giúp ích cho ai đó khi họ đam mê nghệ thuật múa, yêu thích múa nhưng chưa dám hết mình với nó.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh sinh năm 1993 tại Bắc Ninh. Cô đã tham gia nhiều vở diễn quan trọng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: “Đáy mắt” (2018), “Kẹp hạt dẻ” (2018), “Lá đỏ” (2019), “Hồ Thiên Nga” (2019)... và đã giành nhiều giải thưởng như: Giải nhất Cuộc thi tài năng biểu diễn múa 2020, Huy chương vàng tốp múa nữ thanh niên xung phong trong vở nhạc kịch “Lá đỏ” tại Liên hoan Tiếng hát đường 9 xanh (2019), Giải vàng Cuộc thi Tác phẩm múa hài Việt Nam (2018), Giải nhất Cuộc thi tài năng học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc (2017).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh: ''Tôi sẽ múa đến khi nào còn có thể''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.