Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ làng và niềm đam mê bất tận

Dương Linh| 03/08/2015 06:21

(HNM) -

Tôi gặp ông Nguyễn Việt Hùng vào dịp hội làng Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và rất ấn tượng bởi giọng phát thanh truyền cảm của ông. Có thể nói tất tật những gì diễn ra trong lễ hội ông đều để mắt và miêu tả một cách sinh động, phát thanh trực tiếp. Người mê hội làng không ít nhưng mê đến mức dùng điện thoại không dây của gia đình để tường thuật lễ hội như ông thì quả thật cũng là "xưa nay hiếm"... Tôi bắt chuyện và không nghĩ một người thợ cơ khí có thâm niên trên 30 năm lại có thể trở thành một phát thanh viên "chuyên nghiệp" đến như vậy.

Ông Hùng (người ngồi) và ông Sách đang tập bài hát mới.



Lọ mọ tìm nhà ông, tôi đến dốc chợ Kẻ hỏi nhà ông Hùng. "Cô cứ sang bên mặt kia đê, đối diện dốc là nhà ông ý. Ở đây ai cũng biết ông Hùng phát thanh viên!" - Người ta nói với tôi như thế. Nghề chính là sửa chữa tủ lạnh, điều hòa, nhưng ông Hùng trưng thêm biển "Chụp ảnh lấy ngay". Loay hoay với toàn những thứ liên quan đến máy móc, thế mà vị "phát thanh viên làng" này có tới vài trăm bài thơ được đăng trên tạp chí. Chưa nói đến những sáng tác chèo, cải lương được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam... Kể cũng lạ!

"Anh đã đợi nhiều đêm, chiến tranh xa dần/Mà anh vẫn đợi, trong mái nhà xưa/Mẹ cha nuôi dưỡng, anh em mình khôn lớn/Em chưa về hôm sớm mẹ mong…". Đó là đoạn mở đầu của một bài hát chèo kể về việc tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - em trai ông Hùng. Tại chiến trường ngã ba Đồng Thanh, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất, đơn vị bị trúng mìn, ông Tuấn hy sinh. Năm 2012, cả gia đình ông Hùng vào tận Quảng Nam để đón liệt sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn về với quê hương, nhưng ông Tuấn cùng nhiều đồng đội đã hóa thân vào đất nên gia đình để ông ở lại với mảnh đất miền Trung nắng gió, với những người đồng đội đã ngã xuống - mãi mãi tuổi hai mươi. Trên đường về, ăm ắp tâm tư, ông Hùng viết bài "Em cùng đồng đội trong nôi mẹ hiền", với mong muốn nhắn nhủ người em của mình rằng: Nơi nào cũng là đất mẹ! "Cô vừa nghe là bài chèo chuyển thể từ thơ. Tôi đã viết bài thơ đó bằng nước mắt, lúc đó cũng chưa nghĩ sẽ chuyển sang làn điệu chèo. Trong một dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi mang ra đọc cho anh chị em trong CLB Đàn và hát dân ca - nơi tôi vẫn sinh hoạt. Dẫu là chuyện riêng tư của gia đình nhưng cũng là tâm thức chung của đồng bào với những người đã ngã xuống vì đất nước, nên mọi người góp ý chuyển bài thơ thành chèo để hát. Tôi đã mất rất nhiều đêm để chỉnh sửa. Bởi lẽ, xúc cảm thì vẫn như lúc đi vào đón em, nhưng không dễ chảy thành làn điệu". Ông Hùng kể tiếp: Sau đó, anh chị em CLB động viên tôi gửi tác phẩm của mình lên Đài Tiếng nói Việt Nam và nghệ sĩ Đăng Kiên đã thể hiện hết sức xúc động.

Sáng tác kịch cho bạn bè đồng lứa biểu diễn từ lúc mới học cấp 2, nhưng chèo mới là thể loại ông Hùng yêu thích. Cảm xúc của ông vin theo nhịp phách, làn điệu cổ mà thành bài hát. Ông không có bao nhiêu khái niệm về ký xướng âm và cũng không biết đến nhạc 5 dòng kẻ. Những làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền từ sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ đời sống cộng đồng thấm đẫm vào trái tim, hòa vào dòng máu của người "nghệ sĩ làng" để trở thành những lời ca ngọt ngào. Và lời ca ấy theo những cánh cò chao liệng trên những lũy tre, cánh đồng làng quê Thượng Cát đến với trái tim những người yêu chèo, yêu dân ca cả nước.

Từng là một người lính Cụ Hồ, từng đi thanh niên xung phong trên công trình thủy nông Nậm Rốm ở tít tắp miền Tây Bắc, nên phần nhiều sáng tác của ông viết về người lính, về những miền đất đã đi qua chiến tranh. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ông có bài chèo "Thăm lại Điện Biên" kể về những năm tháng không thể nguôi quên của những anh Vệ quốc quân "trăng treo đầu súng", về mảnh đất lịch sử đã trở thành huyền thoại, nay đã trở nên hùng vĩ, rạng rỡ... Nhiều vốn sống, nhiều trải nghiệm và cũng nhiều đam mê nên mỗi khi CLB Đàn và hát dân ca của làng đi tới các địa phương, kể cả những địa phương chưa một lần đặt chân đến, ông vẫn có tác phẩm cho các anh chị em tập luyện. Sau khi hát giao lưu, nhiều bài chèo đã được địa phương đón nhận, xin lại để biểu diễn như: Thăm Hồ Núi Cốc, Thăm Tam Đảo...

Ông viết rất nhiều, nhưng bài nào thật ưng mới gửi đến nhà đài. "Nhuận bút hiện tại mỗi bài chỉ 500 nghìn thôi, nhưng thỏa niềm yêu thích của tôi. Tôi thấy vinh dự lắm, hàng nghìn người gửi bài chứ có ít đâu thế nhưng sáng tác của tôi đã được lựa chọn". Câu chuyện xoay quanh những tác phẩm không chuyên cứ dài ra, ông kể: "Hôm đó, cũng tại căn phòng này nhóm bạn thơ của tôi đang nhâm nhi chén trà thì được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, anh em đều thấy cần phải viết gì đó, nhưng chưa ai dám động bút. Khi tôi lên đài nộp bài "Thăm Tam Đảo", anh Mai Văn Lạn bảo tôi viết về Đại tướng, tôi nói: "Cụ to lớn thế, viết thế nào đây!". Tối đó, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Thế rồi tự nhiên câu chữ bật ra, tôi vội ra khỏi giường, bà vợ còn hỏi: "Ông làm gì vậy?", "Tôi phải viết ngay không cảm xúc nó biến mất". Thế là "Người về nghe tiếng sóng ru" ra đời."Sóng ru giấc ngủ anh hùng/ Gió đưa câu hát điệp trùng ngàn xưa/ Quảng Bình quê mẹ tiễn đưa/Vũng Chùa, đảo Yến bây giờ đón anh"… 3h sáng viết xong, ghép nhạc, hát thử và gửi đi luôn. Vài ngày sau, NSƯT Văn Chương đã hát trên sóng phát thanh. Sau đó tại Hội thi hát chèo, có hàng trăm người đăng ký hát bài về Đại tướng. Tôi không thể nghĩ rằng bài chèo này đã nhận được nhiều sự đồng cảm của độc giả đến như vậy. Cô nghe thử đi". Nhìn ánh mắt lấp lánh khi kể về tác phẩm của mình, tôi nhận thấy rõ hơn niềm đam mê luôn rực cháy trong ông.

Thấy tôi chăm chú nhìn tấm hình một người phụ nữ trang phục Hồng bào rất đẹp treo trên tường, ông Hùng nói: Đây là bà nhà tôi. Vở ca cảnh "Đi đầu quân" năm 2011 viết về truyền thuyết Thành hoàng làng Thượng Cát, đoạt giải A Hội diễn chèo không chuyên huyện Từ Liêm lúc bấy giờ. Khi đó bà ấy là diễn viên chính trong vở ca cảnh... Cũng trong năm 2011, ông Hùng viết cải lương ca ngợi đường mòn trên biển "Tàu không số và cảng Vũng Rô" và cũng được trình diễn ngay.

Tháng 4-2015, ông Hùng được "đặt hàng" sáng tác bài hát mở màn cuộc thi và giao lưu của Hội yêu hát chèo Hà Nội. Ngay hôm mở màn, ông đã in thêm 20 bản để mọi người cùng luyện nhưng không đủ. Ông Hùng kể: "Họ đã phô tô ra hàng trăm bản và tất cả những người ngồi dưới hội trường cầm giấy hát theo. Họ còn tự chuyển thể thành nhạc karaoke để những người yêu chèo có thể tập hát. Nhiều người muốn gặp mặt người sáng tác ra bài hát mở màn hội chèo để chào một câu. Tôi xúc động lắm, sau khi ở hội diễn về viết luôn bài "Tâm tình người yêu hát chèo" và hôm sau đã có người thu âm, làm thành video clip đăng tải.

Chuyện đôi hồi, ông Hùng gọi điện thoại cho ông Đàm Văn Sách, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Thượng Cát, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 1, là bạn từ thời thơ ấu, người đã đóng những vở kịch đầu tiên và hát những điệu chèo đầu tiên mà ông Hùng sáng tác. "Cuống họng của tôi làm bằng gỗ" ông nói vui, nên tất cả bài hát đều nhờ người bạn hàng xóm từ thuở thiếu thời biểu diễn. Và rồi căn nhà nhỏ vang lên những tiếng í a của điệu Tò vò, Luyện Năm Cung, Đào Liễu… Thời gian như chậm lại. Nhìn ông Sách và ông Hùng, người gõ nhịp, người cất lời, khóe mắt dù đã nhiều nếp nhăn theo năm tháng ánh lên một thời sôi nổi. Tình yêu quê hương đất nước, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gắn bó với mảnh đất mà mình sinh ra, lớn lên và niềm đam mê đối với những làn điệu dân ca đã cho ông Hùng thật nhiều cảm xúc.

Tiễn tôi ra về, ông Nguyễn Việt Hùng vẫn trăn trở cùng câu chuyện đưa dân ca vào học đường, vì theo ông, những làn điệu dân ca sẽ làm con người ta yêu quê hương đất nước, sống lương thiện hơn. Ông cũng không quên trao cho tôi bức ảnh vừa chụp tôi, in tráng lấy ngay với nụ cười hồn hậu: Tặng nhà báo làm kỷ niệm!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ làng và niềm đam mê bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.