(HNM) - Hà Nội, hội tụ tinh hoa nổi tiếng cả nước có
Cả làng nuôi con nuôi
Cổng làng Đại Từ.
Giữa khung cảnh phố sá sầm uất, ngay sát hai khu đô thị Linh Đàm, Định Công với những tòa nhà to cao, làng Đại Từ có vẻ nhỏ bé, yên bình. Về đây, chúng tôi được người dân Đại Từ chia sẻ về một nghề vô cùng độc đáo tồn tại hàng trăm năm nay: "Nghề nuôi con thiên hạ". Không ai ở Đại Từ biết đích xác tục nhận con nuôi của làng có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đã 4-5 thế hệ nay, nhiều gia đình trong làng đều nhận trông, nuôi trẻ thuê cho người trong thành phố, chủ yếu là con nhà buôn bán, kẻ chợ, gửi đến làng Đại Từ nhờ nuôi từ lúc còn nhỏ.
Các cụ cao tuổi trong làng kể lại: Trước đây, ở phía cổng ngoài của làng có hai gò đất hình hai bầu vú mẹ. Theo truyền thuyết, đó là vú của các nàng tiên xuống làng chơi rồi để "quên". Vì là vú tiên nên dân làng không dám lạm dụng, họ nghĩ đến việc chia một nửa cho thiên hạ. Từ đó, người làng có tục nhận con nuôi. Cụ Đỗ Hữu Yên, hơn 80 tuổi hiện trú ở tổ 10 cho biết: "Đất Đại Từ nổi tiếng mát tay nuôi trẻ, nhiều đứa ở nhà quấy khóc suốt ngày đêm, thì đến làng Đại Từ, bú sữa mẹ Đại Từ lại im thin thít, ăn no ngủ kỹ". Không phải là nghề nuôi thuê đơn thuần, muốn gửi con về Đại Từ, các gia đình phải có lễ trình báo gia tiên nên tình cảm vô cùng gắn bó. Xưa kia, mẹ cụ Yên là cụ Trần Thị Mẫn nhận nuôi hàng chục con. "Năm 1991, mẹ tôi mất, con nuôi cũng tề tịu đủ trở tang mẹ lên đến hàng chục người. Đám tang hồi đó của mẹ tôi đông nhất nhì làng"- cụ Yên tâm sự. Riêng vợ chồng cụ Yên cũng nhận nuôi ba người con, sau khi lên 5 lên 7 đều được bố mẹ đẻ đón về nhưng vẫn giữ quan hệ khăng khít, ruột già với bố mẹ nuôi.
Không riêng gì gia đình cụ Yên, ở Đại Từ cách đây vài chục năm hầu như cả làng nhà nào cũng đều có con nuôi, nhà nhiều nhận nuôi chục người con, nhà ít cũng vài ba con. Thường các gia đình trong làng nhận nuôi hẳn trẻ từ lúc lọt lòng, đến 5-7 tuổi thì cho về với gia đình. Thấy chúng tôi thắc mắc người Đại Từ làm gì để có gạo, có tiền nuôi nhiều con nuôi đến vậy, cụ Hoàng Thị Tiến ở tổ 11 cho hay: "Gửi con ở Đại Từ, mỗi tháng gia đình bên đẻ gửi mẹ nuôi một chút tiền hoặc quần áo cho con. Nhưng nhiều khi với các gia đình khó khăn thì người làng cũng không đòi hỏi bởi họ xác định nuôi con trẻ là cái duyên, cái phận, cái đức, cái tâm của làng. Phụ nữ Đại Từ nuôi con bằng chính sữa của mình, cứ mỗi lần sinh nở, người Đại Từ lại nhận nuôi thêm một đến hai con nuôi mà vẫn không hết sữa. Ngoài ra, phụ nữ trong làng còn nổi tiếng đảm đang, ngoài làm ruộng còn làm thêm hàng xáo (giã gạo đi bán) nên kinh tế nhà nào cũng khá, con nuôi, con đẻ chẳng bao giờ bị đói".
"Quý con người như con mình"
Người làng Đại Từ vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện cảm động về tình yêu thương con trẻ của các bà mẹ trong làng. Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Đức Gừng, 80 tuổi sống ở tổ 11, hỏi về tục nuôi con nuôi cụ Gừng phấn khởi: "Tôi chính là con nuôi của làng đây. Nhờ tình yêu thương dạy dỗ của bố mẹ nuôi, tôi mới có ngày nay". Cụ Gừng tâm sự, mình là người gốc làng Khương Đình. Được 3 tháng tuổi, mẹ đẻ mang đến gửi nuôi nhà cụ Biển. "Nhà nghèo, mẹ tôi trả tiền nuôi tôi được ba tháng thì bỏ không trả nữa. Nhà mẹ Biển cũng chẳng giàu có gì song vẫn nuôi nấng cho học hành như con đẻ của mẹ. Sau này lớn, mẹ đẻ đến đón về nhưng tôi đã xin được ở lại làng cho tới ngày nay"- ông Gừng tâm sự.
Không chỉ nhờ nuôi hẳn, nhiều người còn đến Đại Từ mong đỡ đầu cho con cái họ hay ăn, chóng lớn. Vì vậy, khi sinh nở xong, họ mang chai rượu, cơi trầu đến nhà bố mẹ nuôi làm lễ gia tiên xin cho con mình ghé cửa nương nhờ, sau đó mời bố mẹ nuôi đến nhà xem mặt đứa trẻ và nhường quyền cho bố nuôi đặt tên cho đứa bé. Lại có nhiều nhà khó nuôi, sợ ma tà quấy, nhiều người mẹ đem con bỏ đường, bỏ chợ, nhưng dặn trước người làng Đại Từ chờ sẵn đón về nuôi, sau vài giờ hoặc vài ngày đến chuộc nhận làm con nuôi. Theo người làng, đây là cách đánh tráo con đẻ thành con nuôi, con nuôi là con đẻ để không sài đẹn, ốm đau, quặt quẹo...
Đứa trẻ nào đến tay bà mẹ làng Đại Từ đều được chăm sóc, cái nghĩa "quý con người hơn con mình" khiến nhiều người cảm động. Thời phong kiến, Đại Từ đã được vua ban khen 4 chữ "Đại Từ nghĩa dân". Nay 4 chữ này được khắc nổi bật ở cổng làng. Nhiều người con nuôi, dù đi làm ăn xa vẫn giữ mối liên hệ. Hiện nay, với các gia đình trẻ trong làng, tục nuôi con nuôi không còn nữa "giờ chả ai nuôi. Mỗi nhà chỉ có 1-2 đứa con thì việc gì phải gửi" - cụ Gừng cười. Dù nghề nuôi con nuôi ở làng không còn nhiều, song đó là những nét đẹp về một thời vàng son khi cả làng "nuôi con thiên hạ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.