(HNM) -
Đây là hệ thống do thám do Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) khởi động vào năm 2007 để thay thế cho chương trình theo dõi khủng bố đã được thực hiện sau vụ tấn công 11-9-2001.
Theo quy định, NSA bị cấm do thám người Mỹ hoặc bất kỳ ai ở bên trong nước Mỹ. Thế nhưng, sau vụ khủng bố ngày 11-9, Tổng thống George W.Bush đã bí mật cho phép NSA nghe trộm các cuộc gọi riêng tư của người Mỹ không cần trát của tòa. Cũng từ thời điểm này, các đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xuất hiện ở Công ty Microsoft thường xuyên hơn, yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng. Khi đó, các điệp viên và chuyên viên nghe trộm của Chính phủ Mỹ theo dõi các email và địa chỉ internet mà các nghi can khủng bố sử dụng trên khắp thế giới. Lần theo dấu vết các cuộc theo dõi, nhà chức trách Mỹ đã đến các công ty phần mềm lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp email lớn nhất vào thời điểm đó, yêu cầu được tiếp cận hồ sơ lưu trữ email, thông tin về tài khoản… một cách nhanh chóng. Tháng 12-2007, Prism bắt đầu được tiến hành nhưng bị chỉ trích cũng như bị đặt vấn đề về tính hợp pháp vì nó không được Tòa án theo dõi tình báo nước ngoài (FISC) chuẩn thuận. Tuy nhiên, lúc này, Chính phủ Mỹ đã giải thích cho Quốc hội và tòa án một cách chính xác cách thức mà chương trình Prism định thu thập thông tin, như email, đoạn băng video Skype và tin nhắn trên Facebook. Khi được tòa án chấp thuận các nguyên tắc thu thập, Chính phủ Mỹ được phép"chộp" bất cứ gì họ muốn. Và FISC đã cho phép sử dụng Prism qua một sắc lệnh. Chương trình này nhằm vào bất kỳ khách hàng nào sử dụng internet sống bên ngoài nước Mỹ hoặc các công dân Mỹ có tiếp xúc với nội dung web của những người ở bên ngoài nước Mỹ. Theo một tài liệu rò rỉ ghi tháng 4-2013, chương trình Prism cho phép NSA "nhận" thư điện tử, các đoạn phim, ảnh, cuộc gọi thoại và video, thông tin về mạng xã hội, việc đăng nhập và các dữ liệu khác mà hàng loạt hãng internet của Mỹ như Facebook, Google, Microsoft, Apple, Yahoo và Skype nắm giữ. Tài liệu còn cho thấy dòng dữ liệu di chuyển từ Châu Âu sang Châu Á, từ khu vực Thái Bình Dương sang Nam Mỹ hay bất kỳ đâu đều đi qua các máy chủ đặt tại Mỹ. Cách xử lý thông tin của Prism rất hiệu quả. Prism đã tạo ra những thông tin có ý nghĩa từ đống dữ liệu thô khổng lồ thu từ internet. Nó cung cấp cho chính quyền những cái tên, địa chỉ, lịch sử các cuộc hội thoại và toàn bộ thư trong một hòm thư điện tử. Nhiều tài liệu cho thấy Prism là nguồn chính giúp cung cấp thông tin trong các báo cáo thường nhật gửi lên Tổng thống. Thậm chí có thể coi Prism là nguồn tin tình báo số 1 cho các báo cáo phân tích của NSA với thiết kế đánh bại những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu chống khủng bố của cơ quan an ninh này. Một năm, Mỹ tốn 20 triệu USD để chạy chương trình Prism.
Dù nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh mục đích của Prism là chống chủ nghĩa khủng bố vì an ninh quốc gia, nhưng vấn đề là một khi những chương trình như thế này được khởi động, chúng sẽ rất dễ bị lạm dụng và khó để dừng lại. Minh chứng là "cơn bão" nghe lén đang khiến Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin với các đồng minh và bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.