Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề điều dưỡng: Nhiều cơ hội xuất khẩu lao động

Ngọc Hải| 01/09/2015 07:03

(HNM) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), một số năm trở lại đây, Nhật Bản và một số nước Châu Âu có nhu cầu rất lớn về lao động làm việc trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là hộ lý và điều dưỡng.


Trong khuôn khổ Hiệp định cấp Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2012, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tuyển chọn 3 khóa điều dưỡng và hộ lý, với tổng số 510 người để đưa vào đào tạo trước khi đưa sang Nhật Bản làm việc. Dự báo, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý trong lĩnh vực chăm sóc người già của Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội để lao động Việt Nam được làm việc tại thị trường chất lượng cao này.

Điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh Ảnh: Thái Hiền



Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mặc dù thị trường Nhật Bản đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam, song yêu cầu đối với lao động cho thị trường này cũng khá khắt khe. Đối với ứng viên hộ lý, yêu cầu cho những lao động này là đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng đa khoa (4 năm), có độ tuổi không quá 35. Đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài những tiêu chí như đối với ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng phải có thêm các điều kiện như được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh). Tuy nhiên, sau khi vượt qua được những thách thức, những lao động được lựa chọn sẽ sang Nhật Bản vừa học vừa làm trong thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần) với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các lao động được phép dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.

Theo ông Kanemaru, Chủ tịch Nghiệp đoàn Kansai Nhật Bản, trong khi Nhật Bản đang thiếu trầm trọng điều dưỡng viên thì tỷ lệ thất nghiệp đối với ngành điều dưỡng Việt Nam luôn cao. Sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc đúng ngành hoặc công việc chuyên ngành thu thập quá thấp, không đủ chi tiêu. Chỉ tính trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tới 27 cơ sở đào tạo khối ngành y - dược với quy mô đào tạo lên đến gần 14.000 học viên, trong đó, ngành điều dưỡng đa khoa có đến gần 3.530 học sinh. Theo khảo sát của các trường ngoài công lập có đào tạo về lĩnh vực liên quan tới chăm sóc sức khỏe, hiện tại có khoảng 40 - 50% học sinh tốt nghiệp không xin được việc làm, làm trái ngành nghề đào tạo. Chính vì vậy, Kansai rất mong muốn được tiếp nhận những điều dưỡng viên giỏi của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Ông Kanemaru cũng cho biết, trước đó, Nghiệp đoàn Kansai là nghiệp đoàn chuyên lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, cung cấp thông tin và đào tạo phổ cập kiến thức liên quan đến việc nâng cao cải thiện công tác kinh doanh, kỹ thuật và công tác của nghiệp đoàn, công việc liên quan đến phúc lợi y tế. Là một nghiệp đoàn có hơn 10 năm kinh nghiệm và thành tích về Chương trình tu nghiệp sinh, Kansai đã thành công xây dựng chỗ đứng vững chắc trong kinh doanh và đã tiếp nhận 3.078 tu nghiệp sinh Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Công ty TNHH Vivantes Diễn đàn cho người cao tuổi vừa tổ chức Lễ khai giảng khóa 1 (2015 - 2016) cho 115 lao động Việt Nam đi học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng, chăm sóc người già tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức về việc đưa điều dưỡng viên và người Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Đức từ năm 2013. Sau hai năm thực hiện dự án thí điểm "Đào tạo lao động Việt Nam trở thành điều dưỡng viên", hai bên đã ký bản thỏa thuận, thống nhất tiếp tục hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng và chăm sóc người già tại CHLB Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề điều dưỡng: Nhiều cơ hội xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.