(HNMCT) - Phong tục ngày Tết Việt được truyền dạy từ đời này qua đời khác để mỗi đứa trẻ từ khi thơ bé đã thuộc. Nhưng vì sao lại gọi là Tết Nguyên đán, lễ tiễn Táo quân bắt nguồn từ đâu, tục xông đất, mừng tuổi có từ bao giờ...? Những câu hỏi này được trả lời trong rất nhiều cuốn sách về phong tục lễ, tết.
Mấy năm gần đây, thi thoảng lại rộ lên những tranh luận “gộp Tết” hay “bỏ Tết ta”, nhưng hóa ra ngay từ thập niên 1930 đã có người “viện vì lẽ xa xỉ, mất thì giờ mà bảo nên bỏ cái lễ Tết Nguyên đán". Vậy ý kiến ấy nên theo hay không? Nên, là vì lẽ gì? Không nên, là vì sao? Bài viết “Bảo tồn lễ Tết” của tác giả T.M trong tập “Lời hoa” do Đông Hồ nhuận sắc, Trí Đức học xã xuất bản năm 1934, đã được giới thiệu lại trong cuốn sách “Phong vị xuân xưa - Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim”, khẳng định: “Bỏ hình thức mà giữ tinh thần, Tết há không phải là một cái tệ hay đáng nên bảo tồn lắm ru? Bỏ Tết là hủy đi mất một cái phong vị rất hay riêng của nước Việt Nam, trừ nước Việt Nam ta, không có nước nào có cái phong vị ấy, cái phong vị khiến cho quả tim người và quả tim trời đất như đập cùng một nhịp”.
Cùng với “Bảo tồn lễ Tết”, cuốn sách còn mang đến thông tin lý thú về “Nguyên nhân Tết Nguyên đán”, về các tục dựng nêu, dán liễn, thắp đèn sáng đêm giao thừa... trong các bài viết “Tết Nguyên đán”, “Cổ tích sơ giải’, “Câu chuyện ăn Tết”, “Tết dán câu đối”...
Cũng sưu tầm bài nghiên cứu sâu sắc về Tết đã đăng trên tạp chí Đông Dương của các học giả nổi tiếng một thời là cuốn sách “Tết Việt Nam xưa”. Sách mang đến góc nhìn đa dạng của các học giả về nguồn gốc của Tết, ý nghĩa của Tết, phong tục và quan niệm đón Tết. Nhà văn hóa Phạm Quỳnh cho rằng: “Tết là sự náo nức vô cùng của những người con An Nam, những người mà nhân dịp có sự đổi mới chung của thiên nhiên và con người, thể hiện niềm tin yêu vào cuộc sống và khát vọng hạnh phúc, sung túc”. Còn học giả Nguyễn Văn Huyên thì khẳng định: “Tết vẫn tồn tại mãi mãi với chúng ta, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại và sự đóng góp ít nhiều rời rạc của những quan niệm mới về đạo đức hay về những phản xạ tâm lý mới”.
Học giả Nguyễn Văn Huyên có rất nhiều bài nghiên cứu về phong tục tập quán, nhiều bài viết trong số đó đã được tập hợp trong cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt”. Những tiểu luận này được viết bằng tiếng Pháp, trước hết, là cách trò chuyện thú vị giữa một nhà trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: Chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.
“Hội hè lễ tết của người Việt” cho người đọc trở lại trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, hội Phù Đổng..., đồng thời mô tả và phân tích sinh động và khoa học về các tập tục thờ cúng thần tiên, thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử... Kể về “Tết Nguyên đán của người Việt Nam”, tác giả viết: “Bọn trẻ con cũng không bị bỏ quên. Là hy vọng của tất cả các thế hệ ở nước này hơn là ở các nước khác, chúng có phần Tết của mình. Để phục vụ chúng, ở khắp nơi, đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. Bằng những nét vụng về và ngây thơ, bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học rất sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt. Những tranh đó gợi lại, một cách thật là sinh động và chua chát, cuộc sống của kẻ giàu và người nghèo”.
Cũng "Khảo luận về Tết", tác giả Huỳnh Ngọc Trảng mang đến những bài diễn giải cẩn thận về nguồn gốc phong tục ngày Tết ở ba miền Bắc, Trung, Nam như các tập tục viết câu đối và chơi chữ, các tục kiêng kỵ đầu năm, tục xông đất, tiễn ông Táo về trời, các nghi lễ tế ngày Tết... Trong khi đó, cuốn sách “36 phong tục tập quán người Hà Nội” của Vũ Ngọc Khánh lại đi sâu vào những nét đặc trưng của văn hóa Thăng Long với những bài viết về thú chơi, cách ăn mặc, phong cảnh, phong tục... trong “Thăng Long bát cảnh”, “Thế nào là Hà thành thập tam trại’, “Tục thờ cúng tổ tiên”, “Các tục lệ hay trong ngày Tết”...
Đọc sách về phong tục lễ tết, không thể không nhắc đến bộ sách “Nếp cũ” của nhà văn Toan Ánh. Bộ sách gồm nhiều cuốn, như “Hương ước làng quê”, “Tiết tháo một thời”, “Trong họ ngoài làng”, “Cầm kỳ thi họa”, “Thú vui tao nhã”... Trong cuốn “Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình và lễ - tết - hội hè”, tác giả khẳng định: “Khi đạo đức có dấu hiệu đi xuống, chúng ta nên quay về với những giá trị truyền thống, những chuẩn mực về đạo đức và nét đẹp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt”, và: Khảo xét về phong tục Việt Nam, phải bắt đầu từ gia đình Việt Nam với những tục lệ đã chi phối gia đình: Sinh, tử, giá thú, để dần dần đi tới phong tục về xã hội”.
Tìm hiểu về phong tục lễ tết, có lẽ, các “độc giả nhí” có nhiều thắc mắc hơn cả. Bởi vậy có nhiều đầu sách hướng tới độc giả thiếu nhi. Đó là “Kể chuyện Tết Nguyên đán”, “Những ngày Tết ta” (trong bộ sách cẩm nang “Thiếu niên thời đại mới”), bộ sách “Lễ Tết quê hương”... Ngoài ra, còn có cuốn truyện tranh hài hước và thú vị về Tết của tác giả “ăn khách” Mèo Mốc là “Ly và Chũn: Tết là nhất, nhất là Tết”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.