Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày trở về

Quỳnh Chi| 20/02/2015 10:16

(HNM) - Bốn mươi năm trước, chắc chắn họ không bao giờ nghĩ rằng, sẽ có một ngày cùng đi trên chuyến tàu với những người từng ở bên kia chiến tuyến. Và cũng ít ai ngờ rằng, chỉ trong vòng mười ngày ngắn ngủi, những con người từng có nhiều hành động cực đoan chống phá Nhà nước Việt Nam



Chuyến thăm quần đảo Trường Sa hằng năm dành cho kiều bào đã trở thành sự kiện đặc biệt với sự tham gia của một số nhân vật lâu nay được nhìn nhận như những phần tử chống đối Việt Nam "khét tiếng" ở hải ngoại. Ngoài bà Nguyễn Nguyệt Rạng, người có mối quan hệ gần gũi với đảng Việt Tân thì còn có Nguyễn Ngọc Lập, cựu Thiếu úy Thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH). Sinh năm 1951 tại Hà Nội và theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, đây là lần đầu tiên sau hơn 21 năm di cư sang Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Lập trở lại quê hương. Trong bản danh sách kiều bào còn có David Nguyễn, tên Việt Nam là Nguyễn Trọng Đức, từng nổi tiếng với nhiều cái tên khác như "Đức đầu bạc", "Đức AK". Sinh năm 1954 tại Nam Định, năm 1970, ông qua Pháp học kỹ sư điện, rồi năm 1972 chuyển sang sống tại Mỹ. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nguyễn Trọng Đức trở thành một trong những "phần tử" chống Việt Nam kịch liệt, thậm chí đã từng tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống Nhà nước Việt Nam với sự tham gia cả nghìn người.

Hải trình 10 ngày tới Trường Sa được khởi đầu bằng màn "chào hỏi" khá gay gắt giữa những người từng cầm súng ở hai phía chiến tuyến ngay tại bữa cơm gặp mặt do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Không ít người tỏ ra ái ngại, lo lắng khi nhận thấy thái độ chưa hết hằn học của ông Nguyễn Ngọc Lập thông qua những bài giới thiệu tưởng chừng không bao giờ kết thúc về "quá khứ oai hùng" của mình cùng giọng điệu bất cần. Còn ông Nguyễn Trọng Đức, dù nhã nhặn hơn song không khó để nhận thấy vẻ nghi kị của một người từng có nhiều hành vi chống lại Tổ quốc trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, mọi thay đổi đã diễn ra ngay trong ngày con tàu chở đoàn kiều bào rời cảng Cát Lái. Luôn sẵn sàng đáp trả bất kỳ ai có ý định "đụng" vào quá khứ của mình, song ông Lập, ông Đức và một số người khác đã hoàn toàn bị bất ngờ bởi thái độ niềm nở, nhiệt tình của những người trên tàu. Từ chỗ ngỡ ngàng trước những cử chỉ cởi mở và chân thành, ông Lập, ông Đức đã nhanh chóng hòa mình vào bầu không khí thân thiện, ấm cúng của cả đoàn, đội lên đầu chiếc mũ có gắn sao vàng, vui vẻ tham gia văn nghệ cùng với các chiến sĩ, cựu chiến binh quân đội Việt Nam.



Song, có lẽ bước chuyển biến thực sự trong suy nghĩ của những người từng đứng bên kia chiến tuyến ra thăm quần đảo Trường Sa là khi tàu đến đảo Song Tử Tây - chặng dừng chân đầu tiên của hải trình. Tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của một trong những "hòn ngọc" Biển Đông, chứng kiến sự kiên trung của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khắc nghiệt, đêm hôm đó, ông Đức đã mất ngủ. Tâm sự với bạn cùng phòng - cựu chiến binh Việt Nam Huy Thắng và Nguyễn Thế Sáng (hiện là kiều bào tại Đức), ông Đức không cầm nổi nước mắt: "Trước chuyến đi này, tôi luôn tin rằng, quần đảo Trường Sa đã bị bán và ban tổ chức sẽ đưa chúng tôi đến một nơi nào đó giả mạo địa danh này. Vì thế, mục đích chính của tôi trong chuyến đi là tìm ra bằng chứng về sự giả dối của Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thật không ngờ hôm nay tôi đã được đặt chân lên chính quần đảo thiêng liêng này chứ không phải đâu khác. Quan trọng hơn cả, tôi đã biết rằng, những gì tôi được truyền đạt trước đây về Trường Sa đều là thông tin bịa đặt của những người muốn bóp méo sự thật về Việt Nam".

Cứ lần lượt như vậy, qua Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây..., ở mỗi đảo, được nhìn tận mắt, sờ tận tay những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, những người đã nuôi dưỡng sự thù địch với Tổ quốc càng trở nên trầm tư. Những câu chuyện về "quá khứ" cũng thưa dần. Bà Nguyệt Rạng liên tục bật khóc mỗi khi có người hỏi đến những suy nghĩ của bà trong chuyến đi. Ông Đức không còn ngại trải lòng về những sai lầm của mình trước đây và mạnh mẽ bày tỏ tình cảm với đất nước. Từng là người chủ động đưa ra nhiều kế hoạch, tiên phong trong việc chống lại Nhà nước Việt Nam mà không cần biết việc đó đúng hay sai, nhưng giờ đây trong trái tim người đàn ông này không còn chất chứa những hận thù mà thay vào đó là tình yêu quê hương da diết. "Qua chuyến đi này, tôi càng hiểu ra được nhiều điều và quan điểm của tôi là phải chọn sự thật. Khi về Mỹ, tôi sẽ nói về những gì tôi tận mắt chứng kiến để phản bác lại thông tin sai lệch về Việt Nam. Thực tế, phần lớn những người bất đồng chính kiến ở Mỹ chưa bao giờ về Việt Nam. Tôi thấy họ nên quay về để nhìn và làm một điều gì đó cụ thể có ích thay vì sự cố chấp chỉ đứng bên kia mà phản đối, tuyên truyền sai trái nhằm bôi nhọ Tổ quốc của chính mình. Không ai có thể ngăn cản tôi yêu quê hương. Bây giờ nếu đất nước gặp nguy biến, tôi sẵn sàng đứng cùng hàng ngũ với các cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ biển trời Tổ quốc tôi".

Không trải lòng nhiều như ông Đức, song có thể dễ dàng nhận ra những thay đổi trong thái độ của ông Lập, nhất là khi căn bệnh tiểu đường khiến ông bị suy thận cấp ở giữa hành trình, được máy bay trực thăng của Bộ Tư lệnh Hải quân đưa từ đảo Trường Sa về Nha Trang cấp cứu. Hai ngày sau đó, chương trình thăm quần đảo Trường Sa mới kết thúc và khi mọi người trở lại điểm tập kết ban đầu ở trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam tại TP Hồ Chí Minh, cả đoàn đã thấy ông Lập đợi sẵn, nói cười hớn hở như lâu ngày lắm mới được gặp người thân. Ông cảm động chia sẻ, trước chuyến đi, nhiều bạn bè bên Mỹ đã khuyên ông đề phòng trở về lần này sẽ bị "khử" dưới hình thức một vụ tai nạn. Tuy nhiên, ông không chỉ được chào đón mà còn được cứu mạng. "Tôi nghĩ đã đến lúc thôi đối đầu mà cùng nhau đối thoại. Yêu nước là phải cùng nhau làm giàu cho đất nước, chẳng hạn như kêu gọi Việt kiều mua hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, tìm cách giúp cho các doanh nhân Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ bớt gặp khó khăn hơn", ông Lập bộc bạch.

Không còn khoảng cách giữa "bên thắng cuộc" và "bên thua cuộc" như ở khởi đầu cuộc hành trình, chuyến thăm quần đảo Trường Sa đã kết thúc bằng những cái bắt tay thắm thiết, bịn rịn và những lời hẹn gặp lại nhau một ngày gần nhất. Chiến tranh đã để lại nhiều nỗi đau và niềm uất hận nhưng cũng có rất nhiều con đường để yêu thương, xóa đi sự chia rẽ trong lòng của kẻ ở, người đi. Đây cũng là một tín hiệu tốt đẹp vào thời điểm đất nước chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất non sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày trở về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.