Người cao tuổi (NCT) có tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính cao và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng giảm dần theo năm tháng. Trong đó môi trường sống, khí hậu đóng vai trò quan trọng trong biểu đồ sức khỏe NCT.
Người cao tuổi không nên ăn nhiều chất béo và nên chia nhỏ các bữa ăn. |
Về chế độ ăn của NCT
NCT nên giữ chế độ ăn từ 3 - 4 bữa trong một ngày, đồng thời khoảng cách giữa các bữa nên đều nhau và nên thực hiện tương đối đúng giờ. Nếu NCT trong mỗi một bữa ăn không ăn được đủ số lượng cần thiết, nhất là tinh bột (gluxit) thì nên ăn tăng thêm bữa phụ (xen vào giữa các bữa chính), ví dụ như vào khoảng 9 giờ sáng, 4 - 5 giờ chiều và khoảng 9 giờ tối. Đối với NCT bị mắc bệnh tiểu đường đang dùng thuốc giảm đường máu thì lại càng cần ăn thêm bữa phụ vì trong các bữa chính đã ăn hạn chế lượng gluxid (cơm, bánh mì...).
Các loại thức ăn và nước uống hằng ngày cần cho NCT
Thức ăn không quá cầu kỳ: Đối với NCT thì thức ăn cũng không quá cầu kỳ nhưng đối với chất đạm như thịt thì không nên ăn nhiều, song cũng không nên ăn ít quá vì nhu cầu dinh dưỡng của NCT cũng tương đương như trẻ em. Vì vậy trong một ngày, NCT nên duy trì được chế độ ăn thịt (chất đạm) với các loại khác nhau (thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ...), số lượng khoảng từ 1 - 1,2g/kg cân nặng. Nên ăn ít loại thịt đỏ như thịt bò, trâu, ngựa, dê, thịt chó..., nhất là những người có bệnh về xương khớp (gút), bệnh tiểu đường thì càng hạn chế ăn thịt đỏ càng tốt. Những loại thịt đã chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, lạp sườn, thịt hộp cũng nên hạn chế ăn, nhất là với người đang mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Hạn chế ăn các loại xào, rán, chiên. Không nên ăn mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà, đặc biệt với những người đã được bác sĩ xác định là tăng cholesterol máu, tăng triglycerit máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành. Lòng đỏ trứng gà, trứng vịt, chim cút rất tốt và rất cần cho dinh dưỡng con người nhưng khi NCT có các bệnh về gan, mật (gan nhiễm mỡ, sỏi đường mật...) cũng nên hạn chế ăn. Các loại đường, bánh kẹo, sôcôla, nước giải khát có ga cũng không nên lạm dụng. Hạn chế dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, mù tạt. Và cũng nên lưu ý không nên ăn các thức ăn tươi sống như rau sống, gỏi cá, nem chua, tiết canh, nem chạo. Nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, ít nhất ăn từ 2 - 3 lần cá trong một tuần thay cho ăn thịt. Nên ăn nhiều rau, hoa quả tươi như: cam, táo, nho, bưởi... Mỗi ngày nên ăn 1 quả chuối.
Nên ăn nhiều rau xanh: Rau trong các bữa ăn như rau muống, rau cải, rau mồng tơi, rau ngót, rau khoai lang... là hết sức cần cho NCT. Rau xanh ngoài việc cung cấp các loại sinh tố cần thiết cho cơ thể thì chúng còn có giá trị cung cấp chất xơ để giúp cho việc tiêu hoá tốt, tránh táo bón.
Uống sữa đều đặn: Sữa là một loại dinh dưỡng tốt, chứa đựng cả đường, đạm, mỡ, sinh tố và muối khoáng (canxi, magiê...), trong đó canxi có vai trò ngăn ngừa chứng loãng xương ở NCT. Nếu có điều kiện, NCT nên uống khoảng từ 100 - 120ml sữa, vì sự tiêu hoá của NCT thường kém cho nên cần chia ra uống nhiều lần trong một ngày nhằm tránh rối loạn tiêu hoá. Tuy vậy đối với loại sữa đặc có đường thì NCT cũng nên hạn chế uống. NCT cũng nên uống đủ lượng nước (số lượng nước trong một ngày đêm khoảng từ 1 - 1,5 lít là vừa đủ). Lượng nước này bao hàm cả lượng nước có trong thức ăn, hoa quả... Về sinh tố, NCT có thể bù đắp lượng vitamin thiếu hụt bằng cách ăn các loại quả như đu đủ, cà chua, cam, táo, xoài..., ngoài ra có thể uống thêm một số loại vitamin A, B,C do bác sĩ kê đơn. Không nên uống bia, rượu quá nhiều và không nên uống cà phê, nhất là vào buổi tối hoặc những NCT có bệnh về tim mạch, thận, đường ruột (dạ dày, đại tràng, trĩ, tiểu đường).
Các hoạt động khác giúp cho NCT khoẻ hơn
NCT nên tập thể dục hàng ngày đều đặn. Tuy vậy, tập thể dục ở NCT cũng phải cân nhắc thật kỹ. Tuỳ theo điều kiện và sức khoẻ của mỗi người mà vận dụng các biện pháp cho thích hợp. Không nên chọn những phương pháp tập thể dục vượt quá sức mình. Tập thể dục hằng ngày bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện là rất cần thiết cho NCT, nhưng thông dụng nhất và dễ thực hiện nhất vẫn là đi bộ. Tuy nhiên không phải mọi NCT đều có thể đi bộ, bởi vì còn tuỳ thuộc nhiều điều kiện kèm theo như sức khoẻ còn tốt, không mắc một số bệnh như bệnh mạch vành, bệnh hen suyễn nặng, bệnh xương khớp nặng (ví dụ thoái hoá đốt sống thắt lưng kèm có gai đôi hoặc bị lồi đĩa đệm...). Đối với NCT còn khoẻ mạnh thì mỗi ngày nên có tổng số giờ đi bộ khoảng 60 phút, nên chia làm 2 - 3 lần. Những ngày mưa, thời tiết thất thường có thể tập thể dục trong nhà (với điệu kiện nhà đủ rộng). Một điều rất cần thiết đối với NCT là nên đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi thấy các triệu chứng bất thường. Thuốc điều trị bệnh rất cần có chỉ định của bác sĩ, không nên nghe sự mách bảo của người khác mà dùng thuốc không có chỉ định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.