(HNM) - Một lần tình cờ, tôi được xem bức ảnh có tên
Đấy là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Chín cái bát không và chín đôi đũa là dành cho chín người con của mẹ đã lần lượt hy sinh vì Tổ quốc.
Hôm 10-12, mẹ Thứ đã "về" với các anh, thượng thọ 106 tuổi, rất đỗi thanh thản dù cả một đời vất vả, gian lao…
Bao lần khóc thầm lặng lẽ
Trong tấm thẻ căn cước cũ ghi mẹ Thứ sinh năm 1902. Còn theo chứng minh thư được cấp lại sau này, mẹ sinh năm 1904. Mẹ có lẽ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thượng thọ nhất cả nước.
Hôm mẹ Thứ đi, ngày 10 - 12 vừa rồi, mẹ đi thật thanh thản, nhẹ nhõm. Bà Lê Thị Trị, con gái cả của mẹ, nay đã 86 tuổi bảo vậy, dù rằng…
Mẹ Thứ có 12 người con. Cả mẹ, chồng mẹ và các con mẹ đều đi theo cách mạng. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, hết đánh thực dân rồi chống đế quốc, lần lượt chín người con của mẹ ngã xuống. Năm 1948 là năm thảm khốc nhất, dữ dội nhất với gia đình mẹ khi kẻ thù cướp đi của mẹ ba người con. Ngày 18-6-1948, người con trai Lê Tự Xuyến hy sinh. Vài tháng sau, ngày 5-10, đến Lê Tự Hàn (lớn) ngã xuống. Rồi chỉ mười ngày sau đó, đến lượt Lê Tự Hàn (em)...
Đau thương mất mát chất chồng. Mẹ cùng những người con còn lại dồn nén đau thương và căm hờn, gắng gượng âm thầm hoạt động. Trong vườn nhà, mẹ cùng người con gái cả, bà Trị, bí mật đào hầm để nuôi giấu cán bộ, du kích… Bà Trị kể rằng, bà cùng mẹ nhằm những chỗ sát bụi tre, dậu để đào. Mẹ Thứ can đảm và bình thản đến lạ thường mỗi khi địch càn quét hoặc ập đến bất ngờ, bởi vậy chúng không nghi ngờ. Trong vườn nhà mẹ có tất cả 5 căn hầm.
Tượng đài lấy từ nguyên mẫu mẹ Thứ.
Sáu năm sau cái năm 1948 thảm khốc, người con trai Lê Tự Lem của mẹ ngã xuống ngày 1-4-1954. Lần lượt đến Lê Tự Nự, hy sinh ngày 5-9-1966, Lê Tự Mười, hy sinh ngày 14-4-1972, Lê Tự Trịnh, hy sinh ngày 12-9-1972, Lê Tự Thịnh, hy sinh ngày 28-8-1974… Năm 1975, đúng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thì đến người con trai Lê Tự Chuyền... Nước mắt mẹ Thứ lặn vào lòng. Bao nhiêu lần mẹ tiễn con đi là bấy nhiêu lần mẹ khóc thầm lặng lẽ. Chín người con yêu dấu của mẹ ra đi mãi mãi không trở về. Mang nặng đẻ đau 12 người con, bao mồ hôi nước mắt chăm bẵm, dạy dỗ con nên người, vậy mà đến ngày đất nước sạch bóng thù, mẹ chỉ còn lại ba người con. Mẹ Thứ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chịu nhiều hy sinh nhất và cũng là người sống lâu nhất trong gần một vạn bà mẹ anh hùng của đất nước. Mẹ đã đi xa, nhưng tôi như thấy đâu đây bóng dáng mẹ, trên chiếc giường nhỏ kê ở góc nhà, một ngôi nhà đơn sơ mà phần lớn không gian để các án thờ những người con liệt sỹ của mẹ.
Tôi sinh ra sau chiến tranh và trưởng thành sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua hơn hai mươi năm. Hồi học cấp ba, tôi mới biết đến bài thơ Đất quê ta mênh mông. Chưa bao giờ người mẹ Việt Nam trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc lại hiện ra giản dị, lầm lụi mà can trường, bền bỉ như thế. Và hình tượng xuyên suốt trong bài thơ ấy là hình ảnh bà mẹ đào hầm.
Mẹ đào hầm để nuôi giấu cán bộ, chở che cán bộ.
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh
Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Hầm mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước
Trong bài thơ ấy, có hình ảnh mẹ Thứ, có hình ảnh bao bà mẹ Việt Nam khác. Những căn hầm của mẹ Thứ đã “che chở mỗi bước chân” chiến sĩ. Sau này, lúc mẹ còn sống, nhiều nhà báo, nhiều người đã hỏi nhưng mẹ không nhớ được mình đã nuôi giấu bao nhiêu lượt cán bộ, du kích, bà Trị bảo vậy. Và chính bà Trị cũng không nhớ.
Một nhà, hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Bà Lê Thị Trị là con gái duy nhất mẹ Thứ, theo mẹ hoạt động từ lúc mới mười mấy tuổi. Quanh nếp nhà cũ ngày trước, sát với nhà mẹ Thứ, bà Trị đào được hai căn hầm nuôi giấu cán bộ. Mỗi căn hầm bình thường chứa được một người, nhưng khi có động, địch càn, có lúc mỗi căn hầm chật hẹp phải chứa cùng lúc bốn người. “Không thì chạy đi đâu? Địch đi, lập tức bộ đội, du kích trú ẩn trong hầm phải ngoi lên, nếu không sẽ chết ngộp”. Bà Trị cười móm mém.
Năm 1957, chồng bà Trị bị địch bắt, giam giữ, tra tấn rồi hy sinh trong tù. Theo mẹ, thương cha, hai người con gái của bà cũng hăng hái làm giao liên, du kích… Năm 1970, người con gái út của bà là Ngô Thị Điểu sau khi đưa têm trầu có chứa tin bà mật báo cáo cho cán bộ, trên đường về thì bị trúng bom giặc càn… Mấy năm sau, đến lượt người con gái thứ ba là Ngô Thị Cúc, là du kích, bị giặc phục kích, giết hại… Cách đây mấy năm, bà Trị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Bà Trị lâu nay đã chuyển sang ở mảnh đất đối diện với nhà mẹ Thứ. Đã gần chín mươi tuổi, bà vẫn minh mẫn lạ thường, vẫn nhớ như in những ngày bà cùng với mẹ Thứ nén đau thương, dồn tâm sức hoạt động cho cách mạng. Hằng ngày, bà vẫn cẩn trọng chăm chút từng li từng tí cho mẹ Thứ. Gia đình bà có lẽ cũng có một không hai trên đất nước này khi trong mái nhà lớn có tới 12 người ngã xuống cho Tổ quốc và 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Khi xem bức ảnh Đợi con về, tôi đã bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh người mẹ già nua, lưng đã còng, da đã nhăn nheo bởi thời gian, tay rưng rưng cầm di ảnh một anh bộ đội còn trẻ, trẻ lắm… Trước mặt mẹ là mâm cơm có chín cái bát không, chín đôi đũa đặt trên, ở giữa nghi ngút hương. Chín cái bát không và chín đôi đũa ấy là dành cho chín người con của mẹ ra đi vì Tổ quốc và mãi mãi không về…
Tôi không rõ mẹ Thứ có phải là nguyên mẫu cho bài thơ Đất quê ta mênh mông hay không nhưng mẹ đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho bao bà mẹ Việt Nam khác. Mẹ Thứ đã trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ và trở thành nguyên mẫu cho Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được xây dựng tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Khu vực tượng đài rộng 150 nghìn mét vuông, chân dung mẹ Thứ ở chính giữa khối tượng đài, cao 18m… Bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm có bia ghi danh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước. Những người thực hiện công trình ấy đã bắt đầu từ cảm hứng Mẹ là suối nguồn vô tận, là linh hồn đất nước, được sinh ra từ mảnh đất anh hùng rồi sinh ra những người con anh hùng, dâng hiến cho đất nước…
Quanh nhà mẹ Thứ, quanh ngôi nhà cũ của bà Trị, những căn hầm nuôi giấu cán bộ giờ không còn nhưng những câu chuyện về hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dưới một mái nhà vẫn được kể mãi. Ông Lê Tự Chuyển, cháu nội mẹ Thứ cho tôi biết, tới đây có thể một trong số những căn hầm ấy được phục dựng để làm chứng tích giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Và những đoàn học sinh, đoàn viên thanh niên… vẫn đều đặn về thăm nhà mẹ, để ôn lại truyền thống, lịch sử hào hùng mà mẹ, chồng và các con của mẹ đã đóng góp một phần máu xương, công sức ở đó.
Năm 1968, bác ruột tôi hy sinh, cũng trên đất Quảng Nam này. Bà ngoại tôi biết bao phen tưởng như chết đi sống lại. Ngày hòa bình lập lại, bác tôi vẫn chưa được đưa về bởi không ai biết bác nằm ở đâu. Bà tôi về già càng nặng trĩu nhớ thương người con đã ngã xuống. May mắn thay, ba mươi năm sau ngày ngã xuống, bác tôi cũng được đưa về. Bà ngoại tôi đã gặp lại người con trai duy nhất của mình như thế.
Khi tiễn mỗi người con đi chiến đấu, mẹ Thứ cũng thao thiết đợi. Nhưng những người con của mẹ đã mãi không về. Lần lượt, từ đứa thứ hai đến đứa thứ bảy, đứa thứ chín, thứ mười… Mẹ cứ ở trong ngôi nhà nơi chín người con của mẹ đã sinh ra và lớn lên, nơi những đứa cháu nội ngoại vẫn nô đùa... Người con trai áp út của mẹ là Lê Tự Thử, nay đã 74, nhiều lần năn nỉ mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng mẹ bảo, mẹ ở ngôi nhà ấy để chăm chồng và các con của mẹ. “Cụ bảo, tao ở đây với chồng con tao”, bà Trị kể. Mãi năm 2007, sau một trận ốm nặng, phải ra Đà Nẵng điều trị, mẹ mới chịu ở lại nhà người con trai út để tiện theo dõi sức khỏe. Ông Thận, con trai út mẹ kể, những ngày cuối đời, mẹ vẫn minh mẫn. Mẹ nhớ các con mẹ nhưng bình thản lạ thường.
Giờ thì mẹ Thứ và các con của mẹ đã được đoàn tụ. Tuy đã đi xa, nhưng mẹ Thứ để lại tượng đài bất tử trong trái tim mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Sáng 11-12, tại nhà riêng của mẹ Thứ ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Ban lễ tang Bà mẹ VN Anh hùng Nguyễn Thị Thứ do đồng chí Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban đã đón nhận lẵng hoa chia buồn sâu sắc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa viếng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.