Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày ấy, có một trường tư thục…

Giang Quân| 08/03/2010 07:00

(HNM) - Pháp chiếm Hà Nội làm nhượng địa, lực lượng quân sự của chính quyền cũng như những người yêu nước chưa đủ sức đấu tranh vũ trang, phong trào yêu nước chuyển sang hướng đấu tranh văn hóa mà trước hết là nâng cao dân trí, cải cách xã hội.

Tháng 3 năm 1907, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí và một số nhà Nho tiến bộ xin phép mở Trường Đông Kinh nghĩa thục ở phố Hàng Đào. Mọi người đều có thể xin vào học không mất tiền, còn được biếu sách giáo khoa, giấy bút. Chữ quốc ngữ được phổ cập nhanh chóng, học sinh ngày càng đông lên tới hàng nghìn. Vẫn còn truyền câu ca xưa: “Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ/Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành/Gái trai nô nức học hành/Giáo sư mấy lớp, học sinh mấy ngàn/Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách tới như mưa…”.

Thực dân Pháp sớm thấy nội dung đoàn kết yêu nước đã vội vàng dập tắt, bắt Đông Kinh nghĩa thục đóng cửa sau khi hoạt động chưa đầy 9 tháng. Nhiều người thành lập trường và nhà giáo bị bắt đưa đi lưu đầy.

Rèn chữ cho học sinh tại Trường Tiểu học Thăng Long. Ảnh: Huyền Linh

Nhưng tinh thần nghĩa thục vẫn tồn tại mãi trong tâm trí người Hà Nội. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một số anh em trí thức đã thành lập “Hội mở mang nền tư thục” với tiếng Pháp là “Association pour le développement de l’enseignement libre”, gọi tắt là A.D.E.L. Cái tên Pháp ấy làm an lòng nhà cầm quyền. Còn hai chữ “tư thục” lại nhắc nhở mọi người nhớ đến Đông Kinh nghĩa thục một thời. Có hội rồi thì phải có trường để thực thi cái hướng mà hội đề ra. Các hội viên: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Cao Luyện, Đặng Vũ Xích, Nguyễn Dương đã bàn với Phạm Hữu Ninh cũng là hội viên, đang là Hiệu trưởng Trường Thành Chung Thăng Long ở phố Hàng Cót, cho lấy tên trường này nâng cấp lên bậc tú tài, mời Nguyễn Bá Húc có bằng cử nhân toán làm Hiệu trưởng. Trường sở cũng phải thay đổi, từ Hàng Cót chuyển về đầu phố Ngõ Trạm. Đây là một dãy nhà một tầng, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện vận động được một nhà thầu có lòng tốt nâng lên hai tầng, tiền còn thiếu cho trả dần.

Tháng 9-1935, Trường tư thục Thăng Long (mới) khai giảng năm học đầu tiên. Nhìn vào danh sách các giáo sư, người ta đã có thể thấy được đây là tổ chức của những trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước: Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Lân, Bùi Kỷ, Phạm Huy Thông, Ngô Xuân Diệu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Cao Luyện, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Dương, Vũ Đình Liên… Thế nên học sinh các tỉnh cũng đua nhau tìm đến, ngay năm đầu lên tới 2.000, một thắng lợi mà những người thành lập trường chưa nghĩ tới. “Học trò trường tư vừa hư vừa dốt”, quan niệm xã hội thường cho là chỉ những học trò kém không vào được trường công nên mới phải học ở đây. Vậy mà Trường Thăng Long đã nổi lên như một điểm sáng trong khối tư thục. Điều ấy làm cho các ông Tây bỏ vốn ra lập trường tư - như Bailet mở trường Gia Long - tức tối, “máy” mật thám theo dõi, kiếm cớ sai phạm để tìm cách đóng cửa. Chúng cho bọn chỉ điểm trà trộn vào lớp học sinh lớn tuổi xem nội dung giảng của các thầy ra sao. Nhưng các thầy giáo Thăng Long đã chủ động khôn khéo, kín đáo. Vậy mà chẳng năm nào không có chuyện mời một số thầy lên “hỏi thăm sức khỏe” và lúc ra về được lời căn dặn cảnh cáo nhẹ: “Mong thầy lưu ý cho, thầy đã đi quá nhiều điểm nhà nước Pháp quy định trong chương trình giảng dạy”.

Trong hồi ký, thầy Hoàng Minh Giám đã viết: “Với phương pháp giảng dạy, các thầy luôn luôn chú trọng khơi gợi ý thức tự giác học tập trong học sinh, thức tỉnh động cơ yêu nước, ghét thù trong các tâm hồn trẻ. Trường đã vận động một đội ngũ giáo viên và học sinh rất đông đảo tham gia “Hội Truyền bá quốc ngữ”; cuộc vận động đó có tác động rất tốt đến tư tưởng học sinh, mở đường cho anh chị em biết cách thể hiện tình yêu nước thương nòi. Đề cao nhân văn tiến bộ, nhà trường chủ trương trong quản lý giáo dục, phải tôn trọng nhân phẩm của học sinh. Đối lại, các anh, các chị học sinh thường rất lễ phép, yêu kính các thầy”.

Thầy Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Tôi dạy sử, tôi tập trung vào những sự kiện tiêu biểu như phong trào Cần Vương, hay những tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… Ngoài những giờ dạy trên lớp, tôi còn tổ chức cho học sinh đi “dã ngoại”, đến Cửa Bắc, đứng trước quả đạn pháo của tàu chiến Pháp bắn vào thành, đến Ô Cầu Giấy, chỗ Hăng ri Rivie, Gácniê tử trận. Ngay tại hiện trường, tôi đã giảng giải cho học sinh diễn biến của trận đánh và gieo vào lòng các em lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm cứu nước”.

Năm 1937, Hiệu trưởng Nguyễn Bá Húc ốm nặng, thầy Hoàng Minh Giám lên thay đã làm thay đổi cả về chất và lượng của Thăng Long học hiệu. Thầy Hoàng Minh Giám quê xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, là con cụ Bảng Hoàng Tăng Bí, người đã sáng lập Đông Kinh nghĩa thục cùng với cụ cử Lương Văn Can. Tiếp thu tinh thần “nghĩa thục” của cha, thầy tỏ rõ quyết tâm cùng đông đảo đồng nghiệp có tinh thần yêu nước, chống lại chính sách ngu dân của chính quyền bảo hộ. Thăng Long là trường tư thục đầu tiên ở nước ta hằng năm tổ chức thi chọn học sinh giỏi và trò nào khó khăn được miễn giảm một phần hoặc toàn phần học phí.

Trường sống trong một thời kỳ lịch sử sôi động của đất nước: Phong trào Đông Du, khởi nghĩa Yên Bái, Xô Viết Nghệ Tĩnh, mặt trận Bình dân, mặt trận Phản đế, Nam Kỳ khởi nghĩa rồi tới Mặt trận Việt Minh nối tiếp dấy lên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai làm đảo lộn cả năm châu, bốn biển. Nhiều thầy trò đã tham gia các hoạt động yêu nước như tổ chức đi bán các báo công khai của Đảng như Le Travail, Rassemblement, En Avant, Hà Thành thời báo, Thời Thế, Tin Tức, Đời Nay… cũng như vận động quyên góp ủng hộ báo.

Đầu năm 1937, học sinh Thăng Long đã là lực lượng chủ yếu trong cuộc đón tiếp Gôđa, biểu dương lực lượng trước toàn quyền Brêviê. Nhiều người là giáo viên Hội Truyền bá quốc ngữ xóa nạn mù chữ cho nhân dân lao động. Trong cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày 1-5 năm 1938 ở khu Đấu Xảo, học sinh Thăng Long đã tham gia mít tinh, bố trí bảo vệ góp phần vào thắng lợi này. Cuối năm 1938, học sinh Thăng Long đã tổ chức thành công Tuần lễ chợ phiên, ủng hộ Trung Quốc chống xâm lược Nhật. Trong đám tang thầy giáo - chiến sĩ Phan Thanh, hầu hết học sinh Thăng Long và các thầy đã có mặt đông đảo đưa tiễn một cán bộ xuất sắc của Mặt trận Dân chủ, một nhà giáo uy tín của trường. Tới ngày Tổng khởi nghĩa thì cả thầy và trò nhiều người đã là chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ cộng sản đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, làm chủ đất nước.

Nhìn lại danh sách các thầy kế tiếp từ năm 1935 đến 1945 ta còn thấy có Phan Mỹ, Khuất Duy Các, Nguyễn Văn Lưu, Vũ Bội Liêu, Phạm Hữu Ninh, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Xiển, Lê Thị Xuyến, Phan Anh… không ít người sau cách mạng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Dân chủ cộng hòa.

Tiếp nhận tư tưởng tiến bộ của các thầy, nhiều học sinh Thăng Long trở thành cán bộ cách mạng. Có thể kể: Trần Quang Huy, Ngô Duy Cảo, Nguyễn Thành Lê, Lê Quang Đạo, Hồ Lịch, Nguyễn Thọ Chân, Hồ Trúc, Đặng Xuân Kỳ, Đào Thiện Thi, Phan Kế An, Trọng Loan, Vũ Tú Nam, Đào Duy Kỳ, Lý Chính Thắng, Trần Hải Kế, Nguyễn Mai Hiến, Lê Tụy Phương, Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Trần Lâm, Võ Thuần Nho, Trần Sâm, Minh Tranh, Lê Trung Toản…

Đó là một số trong danh sách rất đẹp, rất ý nghĩa về một trường tư thục đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc ta, nhân dân ta. Truyền thống ấy được nối tiếp hôm nay với Trường Tiểu học Thăng Long ở đúng địa điểm trường sở cũ, đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Về cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”


Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày ấy, có một trường tư thục…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.