Xã hội

Ngày 25-4: Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025

Mai Hoa 09/04/2025 - 12:12

Sáng 9-4, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương đã họp, thống nhất Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025.

Theo đó, Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ tổ chức lễ phát động sự kiện quan trọng này vào sáng 25-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Chiều 25-4, chương trình Đối thoại Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động cũng sẽ được tổ chức tại địa điểm này.

thang-an-toan-1(1).jpg

Các đại biểu trao đổi với báo giới. Ảnh: Thu Minh

Trao đổi với báo giới, Phó Cục Trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) Chu Thị Hạnh cho biết: Trong bối cảnh khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đang đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng kỷ nguyên vươn mình, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững, năm 2025, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5-31/5) sẽ phát động cùng với Tháng Công nhân với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra nhiều hoạt động ở trung ương, địa phương như: Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...

thang-an-toan-2(1).jpg

Quang cảnh chương trình. Ảnh: Mai Hoa

Theo các thành viên Ban Chỉ đạo, tình hình công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận, có thể thấy công tác an toàn, vệ sinh lao động đang đứng trước những thách thức lớn, cụ thể:

Thứ nhất, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng có dấu hiệu tăng đáng lo ngại so với 2023. Năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ, tương đương 12,1%), làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người bị nạn). Trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người). Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản thống kê chưa đầy đủ trên 42.565 tỷ đồng ngàn tỷ đồng (thiệt hại tài sản 492 tỷ đồng) và hơn 154.759 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Các ngành có nhiều tai nạn là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim.

Thứ hai, về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 khám, phát hiện 323 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,07% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2043 là 685 người. Tỷ lệ mẫu hơi khí độc vượt quy chuẩn cho phép có sự gia tăng đột biến, chiếm 11,3% số mẫu đo (tăng 10,2% so với năm 2023).

Thứ ba, về quản lý sức khỏe, số người lao động được khám sức khỏe năm 2024 là 1.730.194. Tỷ lệ sức khỏe loại yếu (loại 4 và 5) là 8,9%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo Phó ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Hồ Thị Kim Ngân, triển khai thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19-3-2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.Chính quyền cấp cơ sở cần chú trọng bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần tiếp tục dành sự quan tâm đối với khu vực không có quan hệ lao động, tuyên truyền tới các hộ sản xuất, trang trại, ngư dân, các ngành có nhiều nguy cơ, rủi ro cao như khai khoáng, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện. Cùng với đó là chú trọng công tác an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình. Cùng với đó, các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, cắt giảm và đơn giản hóa./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày 25-4: Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.