Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày 19/3: Nhật thực bán dạ, chỉ nhìn thấy mờ

NGOHUONG| 18/03/2007 16:21

Nhật thực một phần ở Casablanca, Morocco vào ngày 10/3/2006. Cả thành phố tối sầm... (Ảnh: http://www.tbray.org) Hiện tượng nhật thực tại Việt Nam lần này gọi là hiện tượng nhật thực bán dạ tức là Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất một ít, gọi là hiện tượng bóng mờ. Không nên nhìn trực tiếp vào nhật thực!

Quanh hiện tượng nhật thực xảy ra vào ngày 19/3 mà ở VIệt Nam có thể quan sát được, phóng viên VietNamNet đã gặp và trao đổi với hai nhà chuyên môn nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng nhật thực lần này...

* Th.S Phan Văn Đồng - Tổng Thư ký Hội Thiên văn Việt Nam

- Thưa ông, theo tin từ giới khoa học Việt Nam,  vào ngày 19/3, hiện tượng nhật thực một phần sẽ xuất hiện tại Châu Á. Ở Việt Nam cũng có thể quan sát  được hiện tượng này... Có chắc là vào ngày này, người dân sẽ nhìn thấy được nhật thực?

- Thông tin nhật thực xảy ra vào ngày 19/3 là hoàn toàn đúng. Chúng ta có thể vào website của Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để biết chi tiết và bản đồ vùng nhật thực.

Hiện tượng nhật thực tại Việt Nam lần này gọi là hiện tượng nhật thực bán dạ, tức là Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất một ít gọi là hiện tượng bóng mờ.

- Việt nam có thể nhìn thấy bao nhiêu phần?

- Hiện tượng nhật thực bán dạ này khoảng che của Mặt Trăng với Mặt Trời khá rộng nên nếu ở trung tâm vùng bị che khuất sẽ nhìn thấy khá rõ. Mặt Trời vẫn hiện ra nhưng độ sáng giảm đi 2,5 lần ánh sáng thông thường nhưng ở nhiều nơi, có thể không nhìn thấy Mặt Trăng che khuất như hiện tượng nhật thực hình khuyên hay toàn phần.

- Giới khoa học cũng cho biết, sẽ có hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra vào ngày 1/8/2008. Ông có thể cho biết  ở những đâu trên Trái Đất có thể quan sát được nhật thực diễn ra vào ngày nói trên?

- Hiện tượng nhật thực toàn phần này xảy ra ở vùng Bắc cực kéo một dải đi qua Nga, Pakistan và phía Đông Nam của Trung Quốc.

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Không nên nhìn trực tiếp vào Mặt Trời khi xảy ra nhật thực

- Xin ông cho biết hiện tượng nhật thực là gì?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời, khi đó Mặt Trời bị che khuất (dân gian thường gọi là rồng ăn mặt trời)... thì đó chính là nhật thực.

Một năm có thể xảy ra hai lần nhật thực. Nhưng chúng ta lại phải phân biệt có nhiều loại hiện tượng nhật thực khác nhau: Khi Mặt Trăng che Trái Đất, bóng của Mặt Trăng nằm trên mặt đất tại một dải nào đó trên trái đất thì người đứng tại dải đất có hiện tượng nhật thực đó nhìn thấy Mặt Trời bị che hoàn toàn ta gọi đó là hiện tượng nhật thực toàn phần (100%). Nhưng nếu người đứng lệch dải có hiện tượng nhật thực đó chỉ thấy một phần như hình lưỡi liềm thì gọi là hiện tượng nhật thực một phần.

- Xin ông cho biết tại một điểm trên Trái Đất như Việt Nam, hiện tượng nhật thực có xảy ra theo chu kỳ không? chu kỳ đó là bao nhiêu năm?

- Nếu là hiện tượng nhật thực toàn phần mà ở ngay tại Hà Nội có thể quan sát được thì phải đợi ba trăm năm nữa.

Tại Việt Nam, hiện tượng nhật thực toàn phần gần đây nhất xảy ra vào ngày 24/10/1995 tại Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận. Cả dải đất ấy có thể quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần, nhưng tại Hà Nội chỉ có thể nhìn thấy 70%.

Theo tính toán, hiện tượng nhật thực toàn phần tiếp theo xảy ra tại Việt Nam là ngày 11/1/2070, còn địa điểm chính xác ở đâu hiện giới khoa học vẫn chưa xác định rõ.

Để biết hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra chính xác tại vùng nào hàng năm, có thể theo dõi thông tin từ website của NASA.

- Xung quanh hiện tượng nhật thực, nhiều người dân vẫn còn tâm lý mê tín... Là người nghiên cứu khoa học và cũng là người đi sâu nghiên cứu các hiện tượng lạ mà khoa học hiện tại chưa giải thích được, ông thấy hiện tượng nhật thực liệu có gây ra một sự biến nào đó trong đời sống của con người?

- Xét về phương diện khoa học - vật lý, nhật thực là hiện tượng hùng vĩ của tự nhiên. Mặt Trời đang sáng tự nhiên tối dần và tối như đêm nếu đó là hiện tượng nhật thực toàn phần.

Xét về mê tín, người xưa thường quan niệm hiện tượng nhật thực sẽ liên quan đến một vài vấn đề gì đó trong đời sống trên Trái Đất. Nhưng có một số vấn đề là ngẫu nhiên, hoặc gắn liền với sự kiện lịch sử nào đó thì người xưa khuyếch đại lên.

Ví dụ, hiện tượng nhật thực toàn phần tại Việt Nam ngày 24/10/1995 trùng với ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hiệp quốc. Tôi thấy năm đó, tổ chức Liên hiệp quốc cũng không sao. Còn ở Việt Nam cũng không có vấn đề gì cả!

Người xưa quan niệm Mặt Trời như một vị hoàng đế. Nếu hiện tượng Mặt Trời bị che khuất tại một vùng nào đó thì vị nguyên thủ quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, nhưng năm đó vị nguyên thủ quốc gia của đất nước ta cũng không sao cả.

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, mùa thu năm 1075, hiện tượng nhật thực xảy ra tại nước ta ngày 13/9/1075 và cũng vào thời điểm đó, lợn, gà, trâu bò chết. Còn trong dân thì nhiều người bị ốm và ho. Thế nhưng theo dõi kỹ thì thấy những việc này là trùng hợp ngẫu nhiên, chứ không phải do hiện tượng nhật thực.

 - Quan sát hiện tượng nhật thực bằng cách nào? Có nên quan sát trực tiếp bằng mắt thường không?

Không nên nhìn trực tiếp vào mặt trời khi hiện tượng nhật thực xảy ra sẽ bị ảnh hưởng điểm vàng của mắt. Nếu nhìn lâu sẽ bị mờ mắt. Cách tốt nhất là nhìn qua một tấm phim ảnh (phim chụp ảnh hoặc phim chụp X-quang đã bỏ). 

NASA: Lịch nhật thực và nguyệt thực xảy ra vào năm 2007-2008

Năm 2007
Theo tính toán của Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA, năm 2007, Trái Đất sẽ có hai lần nguyệt thực toàn phần và hai lần nhật thực một phần, cụ thể là:

- Ngày 3/3/2007: Nguyệt thực toàn phần tại dải đất từ Nigeria tới Cameroon.

- Ngày 19/3/2007: Nhật thực một phần tại dải đất Đông Á và một phần phía Bắc Alaska.

- Ngày 28/8/2007: Nguyệt thực toàn phần tại vùng phía Nam Aquarius.

- Ngày 11/9/2007: Nhật thực một phần tại dải phía Bắc Mỹ, Antarctica và phía Nam biển Atlantic

Năm 2008
- Ngày 7/2/2008: Nhật thực hình khuyên: Antarctica, Phía đông Úc, New Zealand. Hình khuyên tại: Antarctica.

- Ngày 21/2/2008: Nguyệt thực toàn phần: Trung tâm Pacific, Mỹ, Châu Âu, Châu Phi.

- Ngày 1/8/2008: Nhật thực toàn phần: Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Âu, Châu Á. Toàn phần: Canada, Greenland, Siberia, Mongolia, Trung Quốc.

- Ngày 16/8/2008: Nguyệt thực một phần: Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, Úc

Theo Ngọc Huyền/VietNamNet

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày 19/3: Nhật thực bán dạ, chỉ nhìn thấy mờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.