(HNMO) – Ban tổ chức chương trình VNR500 cho biết, lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012 sẽ diễn ra vào ngày 18/1/2013 tại Hà Nội.
Đó là năm thứ 6 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước.
Thông qua đánh giá thực trạng thông tin về doanh nghiệp tại Việt Nam, Vietnam Report đã xây dựng bảng xếp hạng VNR500 dựa trên phương pháp xếp hạng của Fortune. Phương pháp của Fortune được xác định là phù hợp với các nước đang phát triển nơi mà hệ thống thống kê thông tin về doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, thị trường chứng khoán chưa phát triển mạnh.
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 được xây dựng dựa trên doanh thu hợp nhất năm 2011 của các công ty.
500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam năm 2011 có mức doanh thu bình quân là 408 triệu USD. Doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam năm 2011 là Tập đoàn dầu khí Việt Nam với doanh thu gần 17 tỷ đô la. Mức doanh thu này chỉ tương đương gần 87% doanh thu của công ty đứng thứ 500 trong bảng Fortune Global 500 là công ty Bristol-Myers Squibb (với doanh thu 2011 là 19,5 tỷ đô la). Nếu duy trì được mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2011 là xấp xỉ 40% trong các năm tới, khả năng Tập đoàn dầu khí Việt Nam sẽ lọt vào bảng xếp hạng Fortune Global 500 sớm là rất lớn.
Xếp hạng doanh nghiệp cung cấp những thông tin cơ bản cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc các quyết định đầu tư. Các chỉ số xếp hạng công ty có uy tín trên thế giới như Fortune Global 500, Forbes Global 2000, hay S&P 500 … luôn là kênh tham khảo đầu tiên cho các nhà đầu tư hay các nhà nghiên cứu khi họ muốn tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp.
Điểm khác biệt giữa Fortune Global 500 và Forbes Global 2000 về phương pháp là trong khi Fortune xếp hạng dựa trên doanh thu, Forbes xếp hạng dựa trên chỉ tiêu tổng hợp, mà chỉ tiêu tổng hợp này cần nhiều số liệu tài chính hơn để xếp hạng cũng như chỉ áp dụng được cho các công ty niêm yết.
Ban Tổ chức cũng cho biết, để có một cái nhìn về vị trí tương đối của các doanh nghiệp Việt Nam so với bảng Forbes 2000, Ban Tổ chức sử dụng số liệu về các doanh nghiệp VNR có niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đứng đầu bảng “Forbes-based VNR”. Tiếp đến là Ngân hàng công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Á Châu. Vị trí của các doanh nghiệp này trên bảng VNR lần lượt là 20, 13, và 28.
So sánh doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và gía trị thị trường của 3 doanh nghiệp trên với các doanh nghiệp Forbes 2000, có thể tìm được một số doanh nghiệp có chỉ tiêu tài chính tương đương. Như vậy nếu được đưa vào xếp hạng, Vietcombank có thể đứng khoảng 1600, Ngân hàng công thương Việt Nam có thể đứng ở xung quanh vị trí 1615 và Ngân hàng TMCP Á Châu có thể xếp ở nhóm cuối trong bảng Forbes Global 2000.
Có thể thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để có thể được vinh danh trong các bảng xếp hạng doanh nghiệp toàn cầu. Bên cạnh cải thiện các chỉ tiêu tài chính thì việc hoàn thiện hệ thống thống kê của doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.