Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành tư pháp Thủ đô: Nan giải bài toán nhân sự

Hà Phong| 04/09/2012 07:03

(HNM) - Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, chưa bao giờ ngành tư pháp lại được tin cậy giao nhiều trọng trách như đầu năm đến nay. Từ hoạt động xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, thi hành án đến bổ trợ tư pháp, phổ biến pháp luật, bồi thường nhà nước… Thế nhưng, bất cập ở chỗ, "ít người nhiều việc", nên không phải quận, huyện nào cũng hoàn thành hết khối lượng đã đề ra.

Cán bộ tư pháp phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cấp giấy đăng ký kết hôn cho người dân. Ảnh: Huyền Linh

"Bơi" trong biển việc

Với mong muốn hóa giải thực trạng trên, thời gian qua, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng cho hơn 500 cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, phường. Những khóa học này nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cần thiết nhất phục vụ cho hoạt động chuyên môn cũng như những kỹ năng, cách giải quyết nhanh tình huống tại cơ sở. Tại quận Long Biên, Trưởng phòng Tư pháp quận Lưu Thị Hà cho biết, chất lượng cán bộ tư pháp không còn yếu, 100% nhân viên đã có trình độ cử nhân luật và đang dần được chuẩn hóa theo tiêu chí của Sở Tư pháp đề ra. Hay như tại huyện Từ Liêm, Trưởng phòng Tư pháp huyện Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng có những khẳng định tương tự. Tuy nhiên, vị trưởng phòng này thừa nhận, bất cập ở chỗ, việc nhiều, người ít (7 cán bộ, nhân viên) nên "bơi" mãi cũng không hết. Không ít trường hợp khi được giao việc, tư pháp đành phải từ chối vì không có nhân sự để hoàn thành. Ở cấp xã, phường nhiều nơi tình trạng khó khăn không kém vì rất ít số xã, phường bố trí được 2 cán bộ tư pháp/đơn vị hành chính.

Ngay tại cơ quan chủ quản là Sở Tư pháp cũng đang rơi vào cảnh khát nhân lực, tuy mức độ bớt trầm trọng hơn. Một thí dụ là theo quy định mới, sở là đơn vị đầu mối đảm nhận cung cấp lý lịch tư pháp - tài liệu có giá trị chứng minh một người có hay không có án tích; có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng. Bà Đàm Thị Kim Hạnh, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) phân trần: "Do thiếu về thông tin và chỉ có 7 biên chế nên đến nay việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân vẫn phải dựa trên sự phối hợp cung cấp, tra cứu dữ liệu lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp (Phòng lý lịch tư pháp) với CATP Hà Nội (Phòng Cảnh sát hồ sơ nghiệp vụ - PC53)". Hiện chỉ những diện đơn giản như học sinh đang trên ghế nhà trường hay vừa tốt nghiệp, có lý lịch rõ ràng mới có thể tạo điều kiện để xác minh, cấp ngay; nhanh nhất cũng đã mất khoảng vài ngày. Còn nếu không may "rơi" vào trường hợp "có vấn đề" thì thời gian đáp ứng cho người có nhu cầu luôn trong mức 10-12 ngày, không thể rút ngắn hơn. Trước tình cảnh ấy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đã phải dành riêng cơ chế hỗ trợ Hà Nội trong việc triển khai phần mềm quản lý lý lịch tư pháp. Theo đó, Hà Nội sẽ cập nhật lượng dữ liệu còn tồn đọng vào tổ hợp này, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-9-2012.

Cần tăng biên chế

Thế nhưng, dù sao đây vẫn là giải pháp tình thế hỗ trợ cho một trong nhiều nhiệm vụ của ngành. Về lâu dài, để xóa bỏ tình trạng việc nhiều, người ít, hầu hết quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đều kiến nghị với Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cần mạnh dạn tăng biên chế. Bởi ngoài 12 đầu việc thuộc các lĩnh vực lập pháp, lập quy, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hộ tịch, chứng thực… theo thẩm quyền được phân cấp với nhiều quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, ngành tư pháp mới được giao thêm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước… Trong điều kiện người không tăng, việc theo phân cấp lại tăng đã khiến cán bộ tư pháp vừa phải là chuyên gia pháp lý, vừa là người am hiểu, vận dụng hiệu quả kỹ năng nghiệp vụ tư pháp và hệ thống máy móc hiện đại. Đồng thời còn phải làm tròn nhiệm vụ của một người cán bộ cơ sở gần dân, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của dân và quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi cho người dân… nên không ít công chức thấy quá tải, nản việc. Đặc biệt tình hình càng trở nên căng thẳng với các quận, huyện hiện có số lượng cán bộ tư pháp dưới 5 người. Điển hình là Phòng tư pháp huyện Quốc Oai, hiện chỉ có 3 biên chế, chưa có phó phòng. Phòng đã nhiều lần đề xuất bổ sung nhân sự nhưng chờ mãi vẫn chưa giải quyết được, nên không thể thi đua về đích sớm trong mọi hoạt động mà đành "sức đến đâu, làm đến đó".

Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phan Hồng Sơn khẳng định, trước mắt đối với những nơi có số lượng cán bộ tư pháp ít (dưới 5 người), sẽ ưu tiên kiến nghị bổ sung nhân sự. Còn về lâu dài, Sở sẽ triển khai khảo sát cụ thể nhu cầu của các phòng nghiệp vụ để xây dựng đề xuất tăng biên chế. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn vào thực tế, hoạt động tư pháp liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân. Nếu đáp ứng chậm chỉ một ngày, quyền lợi của người dân sẽ không được bảo đảm. Trong khi đó, ngay từ khi chưa bổ sung nhiệm vụ mới, bài toán thiếu nhân lực đã được cấp cơ sở kêu, nhưng giải quyết còn chậm trễ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành tư pháp Thủ đô: Nan giải bài toán nhân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.