(HNM) - Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vượt qua những “rào cản” từ dịch bệnh, lưu thông hàng hóa, bảo quản chế biến…, ngành Nông nghiệp Thủ đô chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ xung quanh vấn đề này.
Chủ động, linh hoạt các giải pháp ứng phó
- Dự báo, năm 2021 tăng trưởng ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt 3,46%, trong khi mục tiêu đề ra đầu năm là 2,5%-3%. Thành công này có được là từ đâu, thưa đồng chí?
- Có thể nói, những tháng ngày vừa qua là thời gian đầy khó khăn đối với ngành Nông nghiệp. Sản xuất chịu nhiều rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh; sản phẩm nông nghiệp dễ hư hỏng cần lưu thông nhanh, trong khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sản xuất cũng như thị trường nông sản, làm đứt gãy chuỗi cung ứng…
Chủ động ứng phó với khó khăn thách thức, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm và thay đổi phương thức theo từng giai đoạn nhỏ, giai đoạn ngắn… Trong năm nay, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp dự kiến đạt 3,46%. Điển hình trong quý III-2021 - thời điểm Hà Nội và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều ngành tăng trưởng “âm”, nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,39%.
Kết quả này là nỗ lực rất lớn của các địa phương, chủ doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, người nông dân… Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao từ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và sự đồng hành của các sở, ngành; chính quyền các địa phương...
- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những giải pháp mà ngành Nông nghiệp Thủ đô đã triển khai để có được kết quả tích cực như hiện nay?
- Như tôi đã trao đổi ở trên, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm và thay đổi phương thức phù hợp với từng thời điểm cụ thể.
Nếu như trước kia, kế hoạch vụ xuân, vụ mùa, vụ đông… được xây dựng từ sớm và triển khai theo các phương án của địa phương thì trong năm 2021, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động điều chỉnh cơ cấu theo từng giai đoạn. Ví dụ tháng 1-2021, trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương rà soát toàn bộ diện tích cây trồng, vật nuôi, dự đoán sản lượng để có sự điều chỉnh phù hợp; đồng thời dự phòng giống, có phương án hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã. Hay như quý III-2021, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận thực hiện giãn cách xã hội, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích rau ngắn ngày cung ứng cho thị trường; tăng sản lượng gia cầm; đẩy mạnh phát triển các chuỗi; tập trung nguồn lực sản xuất cho các hợp tác xã; chủ động kết nối kênh bán hàng trực tuyến, liên kết hội, đoàn thể mở các điểm bán hàng lưu động…
Với sự điều chỉnh kịp thời đó, cơ bản nông sản được tiêu thụ ổn định, bảo đảm cho người dân, kể cả người dân trong khu cách ly có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào…
Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, phương án của thành phố về việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian giãn cách xã hội cũng như tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Một trong những thành công của Hà Nội là phát huy hiệu quả các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản. Cùng với việc vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tại địa chỉ tên miền www.check.hanoi.gov.vn, thành phố hỗ trợ, hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.051 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản; đồng thời cấp 10.319 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 825 mã sản phẩm so với cuối năm 2020).
Lấy công nghệ làm nền tảng phát triển
- Những kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dư địa tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô có thể còn cao hơn thế. Đồng chí đánh giá thế nào về nhận định này?
- Phải khẳng định rằng, với lợi thế về thị trường, khoa học công nghệ, kết nối giao thương… Nông nghiệp Hà Nội còn nhiều dư địa tăng trưởng. Vấn đề với ngành Nông nghiệp ở thời điểm này là quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là nền tảng công nghệ số… Việc xây dựng các khu sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cũng là một “bài toán” cần sớm có lời giải.
- Vậy ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và sẽ triển khai các giải pháp nào để khắc phục những hạn chế nêu trên, thưa đồng chí?
- Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại, Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có một số mô hình được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành Nông nghiệp cũng đã nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, khảo nghiệm quy trình kỹ thuật, triển khai các mô hình trình diễn… qua đó thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Đối với cây trồng, ngành Nông nghiệp Hà Nội mở rộng ứng dụng công nghệ nhân giống, ưu thế lai và công nghệ gen để tạo các loại giống cây trồng có những đặc tính ưu việt, phù hợp với điều kiện sản xuất của thành phố và yêu cầu của thị trường.
Đối với vật nuôi, Hà Nội đã hình thành Trung tâm Sản xuất tinh bò ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã làm chủ được công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo và sản xuất giống vật nuôi, tạo sự đa dạng và phong phú về nguồn gen, giống cao sản; đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ… Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất…
Đối với thủy sản, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc kết hợp các phương pháp truyền thống với công nghệ gen để nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm… Qua đó tuyển chọn một số giống thủy sản chất lượng cao, tăng khả năng kháng bệnh, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...
- Chuyển đổi số trong nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng chí có thể cho biết ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ triển khai nhiệm vụ này như thế nào trong thời gian tới?
- Ngành Nông nghiệp sẽ bám sát Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác...
Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, xây dựng những chương trình, kế hoạch cụ thể. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, do vậy cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Hà Nội sẽ triển khai sáng kiến như các chuyên gia từng kiến nghị đó là “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.