Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Nông nghiệp năm 2020: Nhắm đích 42 tỷ USD nông sản xuất khẩu

Ngọc Quỳnh| 13/01/2020 07:56

(HNM) - Vượt qua một năm đầy thách thức với những thành tựu đáng ghi nhận, năm 2020, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều mục tiêu, giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, trong đó có mục tiêu đạt kim ngạch 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt

- Vượt qua hàng loạt thách thức về biến đổi khí hậu, thương mại nông sản và cả những vấn đề nội tại, ngành Nông nghiệp đã thu được những kết quả hết sức tích cực trong năm 2019. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả này?

- Trong năm qua, ngành Nông nghiệp với tinh thần “Phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau” đã thực hiện hàng loạt giải pháp, đồng thời, chọn khâu đột phá để chỉ đạo quyết liệt như: Áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp... Vì vậy, năm 2019, ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 54%; 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới...

- Trong thành công chung ấy, không thể không nói đến những thành tựu đáng ghi nhận của ngành Lâm nghiệp, đặc biệt trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về nhận định này?

Trong năm vừa qua, ngành Lâm nghiệp có nhiều thành công trên 3 mục tiêu lớn: Một là, đưa hệ số che phủ của Việt Nam lên gần 42%, đây là một tỷ lệ cao trong khu vực châu Á. Hai là, Việt Nam đã có ngành chế biến gỗ với gần 20 triệu mét khối gỗ nguyên liệu; với kim ngạch xuất khẩu lâm nghiệp đạt hơn 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%. Ba là, tạo việc làm cho gần 20 triệu lao động… Đây là một trong những ngành đang đi đầu trong khối nông nghiệp, bảo đảm 3 trụ cột song hành: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho người dân.

- Bên cạnh kết quả đã đạt được cũng cần nhìn nhận rõ tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vậy, những thách thức của ngành Nông nghiệp đặt ra trong thời gian tới là gì thưa Bộ trưởng?

- Thực tế, ngành Nông nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Thứ nhất, việc cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến và chủ đạo; công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu; năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Thứ hai, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá một số nông sản chủ lực giảm; vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng còn xảy ra; nguồn lực cho ngành còn hạn chế. Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn, phức tạp. Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, chưa hiệu quả...

- Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỷ USD trong năm 2019 là con số rất đáng ghi nhận. Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp kỳ vọng gì ở lĩnh vực này?

- Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, ngành Nông nghiệp đã xác định “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Trên cơ sở này, ngành đã đề ra các mục tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2,9-3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng hơn 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.

- Để đạt các mục tiêu nói trên, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp, định hướng cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2020, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực: Quốc gia, cấp tỉnh và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cùng với đó, ngành sẽ khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu.

- Bộ NN&PTNT cũng tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới...

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp năm 2020: Nhắm đích 42 tỷ USD nông sản xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.