(HNMO) - Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tính đến hết tháng 9-2021 vẫn khả quan. Theo đại diện các ngân hàng, từ nay đến cuối năm, dự báo hoạt động ngân hàng tích cực hơn do dịch bệnh đã được kiểm soát.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tính đến cuối tháng 9-2021, đã có tổng tài sản đạt hơn 346.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu nhập của ngân hàng cũng vượt mức 12.100 tỷ đồng, cao hơn gần 24%; lãi trước thuế tăng 35%. Nếu tính riêng quý III-2021, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 1.711 tỷ đồng, cao hơn 16%, so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ, 9 tháng năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9%, trong đó, riêng quý III, SHB lãi hơn 1.880 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) cũng công bố tổng thu nhập hoạt động trong quý III-2021 đạt hơn 461 tỷ đồng, tăng 20,7%, riêng lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) đạt 211 tỷ đồng, tăng 19,5%.
Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 43%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) có lợi nhuận 9 tháng năm 2021 tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III-2021, lãi của ngân hàng này tăng 76%.
Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận các ngân hàng tăng 10,8%. Điều đó cho thấy, các ngân hàng đã vượt qua những tác động của dịch Covid-19 nhờ đẩy mạnh cho vay bán lẻ, phân tán rủi ro thay vì phụ thuộc vào cho vay doanh nghiệp.
Các khoản vay được cơ cấu lại cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của các ngân hàng như dự đoán. Trên thực tế, dư nợ cho vay tại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn... chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 1% dư nợ tái cơ cấu của toàn ngành.
Bên cạnh đó, điểm chung giúp duy trì lợi nhuận tăng trưởng là nhiều ngân hàng nới rộng được chênh lệch thu, chi từ lãi (đến từ nghiệp vụ huy động và tín dụng). Áp lực giảm lãi suất cho vay có thể ảnh hưởng lên lợi nhuận ngân hàng, nhưng tác động tới nhóm ngân hàng quốc doanh hơn là các ngân hàng tư nhân.
Với kết quả này, các chuyên gia dự báo, trong quý IV-2021, các ngân hàng sẽ hoạt động khả quan hơn nhờ tín dụng gia tăng khi nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, dự kiến tín dụng sẽ hồi phục trong 3 tháng cuối năm. Gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng có thể sẽ được ngành ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, với lãi suất dự kiến 3 - 4%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%.
Dự báo cả năm 2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn là “quán quân” lợi nhuận của toàn hệ thống, với 24.300 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank) có thể đạt 22.300 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng được dự báo có mức tăng trưởng tốt nhờ tín dụng 9 tháng năm 2021 tăng 12 - 13%.
Ước cả năm 2021, lợi nhuận của MB có thể tăng 42,2% và lợi nhuận năm 2022 có thể tăng 21%. Các ngân hàng tiếp theo tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cả năm 2021 khả quan là: ACB tăng 24,2%, HDBank tăng 33,4%, VPBank tăng 29,4%, VIB tăng 25,4%...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.