(HNM) - Trong tài liệu tuyển sinh Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, các cơ sở đào tạo đưa ra rất nhiều chương trình đào tạo hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn không thực hiện yêu cầu nghiêm ngặt của Bộ GD-ĐT là niêm yết cụ thể mức học phí, vốn cũng là điều mà thí sinh rất quan tâm.
Linh hoạt trong các loại hình đào tạo cùng với việc ấn định mức học phí sẽ giúp các trường ĐH thu hút thí sinh. Ảnh: Bích Ngọc |
Liên kết: phong phú và đặc thù
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, các chương trình đào tạo là xu hướng mà nhiều trường ĐH, nhất là các trường có quy mô lớn, đang phát huy để nâng cao chất lượng cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của thí sinh. Trong đó, nổi bật là nhiều chương trình liên kết với các trường nước ngoài hay các chương trình đặc biệt, mang tính đặc thù cao.
ĐH Quốc gia Hà Nội đã xác định các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế thuộc nhiệm vụ chiến lược của nhà trường, mà đối tác đều là các trường ĐH của Mỹ với các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ Điện tử - Viễn thông của trường ĐH Công nghệ, ngành vật lí liên kết với Trường ĐH Brown , ngành địa chất liên kết với Trường ĐH Illinois, ngành sinh học liên kết với Trường ĐH Tufts của Trường ĐH KHTN, ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế liên kết với ĐH Troy.
Năm 2011, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có riêng 500 chỉ tiêu ngoài ngân sách cho 9 chương trình liên kết với các trường nước ngoài. Bên cạnh đó, trường có 90 chỉ tiêu cho những chương trình đặc thù, trong đó có những ngành hầu như không được đào tạo ở các trường khác: Chương trình kỹ sư chất lượng cao (hợp tác với các trường ĐH Pháp) gồm Cơ khí hàng không, Hệ thống thông tin và truyền thông, Tin học công nghiệp, Hệ thống điện và năng lượng tái tạo. Hay Chương trình tiên tiến (hợp tác với các trường ĐH của Mỹ, học bằng tiếng Anh), gồm 4 ngành Khoa học và kĩ thuật vật liệu, Cơ điện tử, Kĩ thuật y sinh, Điện - Điện tử (chỉ tiêu 160 SV).
Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì có lớp Tài chính doanh nghiệp tiếng Pháp; Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh - điểm tuyển thấp hơn điểm sàn của trường không quá 1 điểm. Trường có các lớp Quản trị lữ hành và Quản trị khách sạn theo Chương trình giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng hợp tác với Hà Lan, có điểm xét tuyển chỉ cần trên điểm sàn của bộ và có thể dưới 4 điểm so với điểm trúng tuyển.
Năm 2011, ngoài những chương trình liên kết với nước ngoài vốn có, Trường ĐH Giao thông vận tải tuyển sinh hàng loạt lớp mới như Xây dựng công trình Việt - Trung, Kinh tế Việt - Trung (hợp tác với Trường ĐH Tây Nam -Trung Quốc), lớp Điện - Điện tử Việt - Anh (liên kết với Trường ĐH Shefield Hallam - Anh, ĐH Hertfordshire - Anh, Trường ĐH quốc tế KBU - Malaysia.
Mở các chương trình liên kết không phải là đặc quyền của các trường công lập. Nhiều trường ngoài công lập cũng hướng tới hình thức đào tạo này. Năm 2011, Trường ĐHDL Nguyễn Trãi công bố tuyển sinh 150 chỉ tiêu hệ ĐH theo chương trình liên kết đào tạo quốc tế cấp bằng cử nhân Quản trị kinh doanh chuyên ngành Tài chính Ngân hàng và Quản trị kinh doanh do ĐH Sunderland (Vương quốc Anh) cấp. Trường ĐH quốc tế Bắc Hà có các chương trình chuyển tiếp, học 2 đến 3 năm đầu tại Việt Nam và từ 1 đến 2 năm tại các ĐH Griffith, New England (Australia) gồm các ngành Thương mại, Kinh doanh, Công nghệ thông tin, Kỹ sư điện máy...
Học phí: có tăng, có giảm
Bên cạnh các chương trình đào tạo hấp dẫn, chất lượng cao, điều mà thí sinh quan tâm còn là mức học phí. Tuy nhiên, năm 2011, một trong những yêu cầu nghiêm ngặt mà Bộ GD-ĐT đề ra là công khai mức học phí trong tài liệu Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ, đã không được các trường thực hiện nghiêm túc. Thí sinh sẽ không tìm thấy thông tin học phí của nhiều chương trình liên kết, chất lượng cao... trong khi đa số các trường đều tăng mức học phí khoảng 10%.
Trong các lớp đặc thù nói trên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, lớp Quản trị lữ hành và Quản trị khách sạn có mức học phí 13,5 triệu đồng/năm (năm 2010 là 12 triệu đồng/năm). SV chương trình đào tạo liên kết ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế (ĐH QG Hà Nội) đóng 897.000 đồng/tháng, tăng nhẹ so với mức 825.000 đồng / tháng của năm 2010. Năm nay, học phí tại Việt Nam cho Chương trình cử nhân quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho 4 năm là 13.500 USD (ngành quản trị kinh doanh), 12.500 USD (ngành kinh tế), 14.500 USD (ngành tài chính - kế toán). Năm 2010, trường công bố một mức học phí chung cho chương trình này là 13.500 USD/năm.
Khoa Quốc tế của ĐH QGHN (có 550 chỉ tiêu không thuộc chỉ tiêu đào tạo chính quy của nhà trường) cũng niêm yết học phí bằng ngoại tệ nên rõ ràng học phí tăng theo tỷ lệ quy đổi ra tiền Việt Nam. Những chương trình do ĐHQG Hà Nội cấp bằng có học phí từ 1.300 đến 1.800 USD/năm. Chương trình do ĐH nước ngoài cấp bằng có mức học phí thấp nhất là 800 USD/ năm, cao nhất là ngành bác sĩ nha khoa 3.300 EUR/ năm. Chương trình dự bị ĐH từ 400 USD đến 1.000 USD/ học kỳ.
Xu hướng tăng học phí dễ thấy hơn ở các trường ngoài công lập. Mức tăng được các trường cân nhắc rất kỹ và được quy định theo từng ngành. Năm nay ở Trường ĐH Thăng Long, các ngành kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lí bệnh viện, y tế công cộng, công tác xã hội, Việt Nam học có học phí là 16 triệu đồng/ năm (năm 2010 là 14 triệu đồng). Các ngành toán ứng dụng, khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin quản lí, ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Trung Quốc là 16,5 triệu đồng/năm (năm 2010 là 14,5 triệu đồng, ngành điều dưỡng: 16,5 triệu đồng/năm, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2010. Trường ĐHDL Đông Đô năm nay thu học phí từ 700 nghìn đồng đến 720 nghìn đồng/tháng tùy ngành, tăng so với mức 600 nghìn - 620 nghìn đồng/tháng của năm 2010.
Tuy nhiên, trong xu hướng tăng chung, có nhiều trường ngoài công lập vẫn không thay đổi chính sách học phí để thu hút thí sinh. Trường ĐH Chu Văn An vẫn thu ở mức 490 nghìn đồng- 650 nghìn đồng/tháng. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Đông Á vẫn giữ mức 6 triệu - 8 triệu đồng/năm, Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/năm. Cá biệt, năm nay có một số trường công bố mức thu học phí thấp hơn năm 2010: Trường ĐH Công nghệ và quản lý hữu nghị thu 850 nghìn đồng/tháng, trong khi năm 2010 thu 1,1 triệu đồng/tháng. Trường ĐH quốc tế Bắc Hà, học phí ĐH các ngành kinh tế là 15 triệu đồng/năm (giảm 3 triệu đồng so với năm 2010), các ngành kĩ thuật là 16 triệu đồng/năm (giảm 4 triệu). Học phí CĐ các ngành tương đương cũng giảm 1 triệu đồng.
Linh hoạt trong triển khai các loại hình đào tạo cũng như trong ấn định học phí, đó là những giải pháp của các cơ sở đào tạo áp dụng để thích ứng với hoàn cảnh và cũng là để thu hút thí sinh một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.