Theo thông lệ, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thường diễn ra phức tạp vào cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Do vậy, ngành Hải quan đã triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung cao độ kiểm soát, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái...
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ ngày 16-12-2023 đến 15-11-2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 29.273 tỷ đồng (tăng 12,12% về số vụ và tăng 154,09% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023). Cơ quan Hải quan khởi tố 24 vụ (giảm 31,43% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ (giảm 5,42% so với cùng kỳ năm 2023). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 901,58 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, loại hình, địa bàn và trên không gian mạng. Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh. Điều đáng lo ngại, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, kết hợp với nhiều thủ đoạn tinh vi, qua mặt lực lượng chức năng, đánh lừa máy soi chiếu để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam. Đơn cử, với vụ bắt 1,6 tấn ngà voi nhập lậu được đưa vào Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) trong năm nay, để qua mặt lực lượng chức năng, số ngà voi được sơn đen - thủ đoạn chưa bao giờ được sử dụng nhằm đánh lừa máy soi, khiến ngà voi giống như các mặt hàng khai báo bình thường. Đây là cách dùng kỹ thuật để đối phó với kỹ thuật kiểm soát của cơ quan Hải quan nhằm che giấu tang vật.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng chấp nhận xé lẻ hàng hóa, thẩm thấu hàng lậu thông qua những đơn hàng nhỏ hay hội nhóm xách tay hộ với đa dạng chủng loại mặt hàng. Hàng lậu qua đường hàng không có thể được mang trong hành lý cá nhân xách tay, ký gửi đi du lịch, học tập, công tác ở nước ngoài về hoặc các công ty chuyển phát nhanh.
Đáng chú ý, trong tháng 11-2024, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng tiếp diễn tại địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào. Tại khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thuốc lá... Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến biên giới Tây Nam (địa bàn các cửa khẩu tỉnh An Giang).
Với diễn biến trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vận chuyển hàng cấm dự báo diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hoạt động buôn lậu sẽ tập trung nhiều vào những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như rượu, bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh, kẹo, mỹ phẩm, pháo nổ... Vì vậy, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Để chủ động kiểm soát tình hình, Tổng cục Hải quan tăng cường triển khai nhiều biện pháp, trong đó đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, các đơn vị liên quan quản lý chặt địa bàn hoạt động hải quan, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.
Tiếp theo là tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa. Các đơn vị Hải quan chủ động phối hợp chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát biển trong công tác đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hóa vi phạm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.