Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Giáo dục quyết tâm vượt khó, bảo đảm chất lượng giáo dục

Thống Nhất| 25/03/2020 15:48

(HNMO) - Ngày 25-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định quyết tâm vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch để tổ chức dạy học, bảo đảm chất lượng.

Nội dung học kỳ 2 ở tất cả các lớp sẽ được tinh giản

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu ở các điểm cầu đề cập là những khó khăn trong quá trình triển khai nội dung chương trình giáo dục của học kỳ 2, năm học 2019-2020 khi học sinh nghỉ học khá dài để phòng, chống dịch Covid-19.

Để giải tỏa lo lắng, đồng thời hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo thực hiện chương trình giáo dục hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Bộ đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ các địa phương, nhà trường thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020. Bộ đã thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 ở tất cả các môn học, cấp học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Tuy nhiên, việc tinh giản kiến thức không thực hiện cơ học mà trên tinh thần cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi cho học sinh, bảo đảm để học sinh đáp ứng được những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Các nội dung kiến thức trùng lặp hoặc các bài học có cùng chủ đề sẽ được lồng ghép để tiết kiệm thời gian, đồng thời giảm những phần nội dung không cần thiết. Ngay khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện thống nhất.

Trên cơ sở nội dung chương trình đã được tinh giản, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khẩn trương xây dựng, công bố đề thi tham khảo các môn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020, làm cơ sở để các nhà trường, học sinh, dạy học, ôn tập hiệu quả. Cấu trúc đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ được xây dựng dựa trên nội dung chương trình đã được tinh giản, bảo đảm các yêu cầu cần đạt của học sinh trung học phổ thông.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội tích cực tổ chức dạy học trên truyền hình

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 14 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trên truyền hình. Ngoài ra, hầu hết các địa phương đều tổ chức cho học sinh học qua internet.

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá đã thực hiện và đang triển khai nhiều hình thức hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình. 

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết: Đến nay, Sở đã 2 lần tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các quận, huyện, thị xã và các nhà trường, qua đó quán triệt tới các đơn vị, trường học về công tác phòng, chống dịch, các kỹ năng, phương pháp bảo đảm sức khỏe cho học sinh, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.  

Về công tác hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian nghỉ học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết: Ngay từ những ngày đầu cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở đã có văn bản chỉ đạo các trường, giáo viên tăng cường hỗ trợ bằng nhiều biện pháp để hướng dẫn học sinh học tập. Hiện tại, Sở đã triển khai hệ thống học trực tuyến Hanoi Study tạo điều kiện để học sinh các lớp 8, 9, 11, 12 có thể tự học tại nhà. Ngoài hệ thống câu hỏi trắc nghiệm theo từng bài, từng chương, hệ thống cũng đã cung cấp các đề kiểm tra để học sinh tập dượt, đồng thời, giúp phụ huynh nắm rõ được việc học tập của con. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12.

Sở cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tổ chức dạy học ở các nhà trường. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, tất cả các đơn vị, trường học phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức dạy, học bảo đảm chất lượng.

Quan tâm hỗ trợ, đánh giá kết quả học tập trên truyền hình

Bên cạnh kết quả đạt được, các địa phương đã phản ánh những khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học trên truyền hình và qua mạng internet, đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt nhất trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, mỗi hình thức đều có ưu, nhược điểm riêng, nhưng trong điều kiện hiện nay, việc thay đổi hình thức dạy học trực tiếp sang hình thức học tập trực tuyến và học trên truyền hình là cần thiết để bảo đảm tiến độ, chất lượng giáo dục. Đáng chú ý là việc dạy học trên truyền hình có thể bảo đảm thực hiện đồng bộ trên cả nước. Từ thực tế tại 14 tỉnh, thành phố triển khai việc dạy học trên truyền hình, các địa phương có thể chia sẻ, hỗ trợ để nhân rộng hình thức này, tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh có thể tự học tại nhà.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các sở giáo dục và đào tạo trong quá trình tổ chức dạy học qua mạng internet hoặc qua truyền hình phải có cơ chế kiểm soát việc học tập của học sinh, từ đó kịp thời có biện pháp hỗ trợ học sinh học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng để sớm ban hành hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình làm cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện. Văn bản này sẽ hướng dẫn cụ thể về các điều kiện hạ tầng, về nhiệm vụ của giáo viên, học sinh, về việc tổ chức đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình học tập qua mạng internet và trên truyền hình.

Liên quan đến việc tổ chức đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong quá trình học trên truyền hình hoặc qua mạng internet để bảo đảm chất lượng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, các địa phương, nhà trường cần quan tâm thực hiện cả đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, cuối kỳ. Với việc đánh giá thường xuyên, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ cho học sinh và tổ chức kiểm tra, đánh giá thông qua việc quan sát các hoạt động học, qua sản phẩm học tập của học sinh.

Riêng việc tổ chức đánh giá định kỳ và cuối kỳ thì chỉ được thực hiện tại trường, khi học sinh đã đi học trở lại. Khi học sinh được quay trở lại trường học, nhà trường có trách nhiệm tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung các kiến thức mà học sinh còn thiếu hụt hoặc chưa vững trong quá trình học qua internet, trên truyền hình, sau đó tổ chức kiểm tra, đánh giá tại trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục quyết tâm vượt khó, bảo đảm chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.