(HNM) - "Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến (Game Online-G.O) có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh (HS), sinh viên (SV)" vừa được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 7-4.
Đây cũng là lần đầu tiên việc quản lý HS, SV chơi G.O nói riêng và sử dụng interrnet nói chung được Bộ xây dựng thành một Chương trình hành động mang tính dài hơi (từ nay đến năm 2015) và có quy mô toàn quốc.
77% số trò chơi trực tuyến hiện đang thu hút giới trẻ mang tính bạo lực. Ảnh: Như Ý |
Lập "Hòm thư góp ý" phát hiện HS, SV vi phạm
Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của G.O có nội dung bạo lực và không lành mạnh được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát về tình trạng chơi G.O của HS và hệ lụy tại một số địa phương. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, mục tiêu của Chương trình hành động là nhằm nâng cao nhận thức của HS, SV và toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành, từ đó phấn đấu có 100% HS, SV ký cam kết không tham gia chơi; 100% các trường không có vi phạm trong cán bộ, giáo viên và HS, SV liên quan đến các nội dung bạo lực, không lành mạnh do tác động của G.O. Những giải pháp được xây dựng trong chương trình nhằm kịp thời ngăn chặn tác động xấu của G.O và khắc phục tình trạng HS, SV sa sút đạo đức, thiếu tự tin, thiếu chuyên cần trong học tập do ảnh hưởng từ G.O.
* "Ba không" của HS, SV đối với G.O có nội dung bạo lực và không lành mạnh: - Không chơi trò chơi bạo lực. - Không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến. - Không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trái phép. *Những trường hợp HS, SV vi phạm cam kết về việc không chơi G.O có nội dung bạo lực và không lành mạnh sẽ bị xử lý nghiêm khắc. (Nguồn: Bộ GD-ĐT) |
Việc ban hành Chương trình hành động vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng khi dư luận đang không khỏi lo lắng, bức xúc trước những tác động xấu của G.O tới một bộ phận HS, SV. Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT về mức độ ảnh hưởng của G.O với hơn 1.000 HS từ tiểu học đến ĐH ở 5 TP lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh) cho thấy có tới 2/3 HS tiểu học chơi G.O từ 1 đến 8 lần/tuần; 81% HS trung học và 75% SV chơi G.O khá thường xuyên. Điều đáng ngại là kết quả khảo sát cho thấy có tới 77% số trò chơi hiện đang được giới trẻ ưa chuộng mang tính bạo lực.
Một trong những giải pháp được đề ra trong Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT gây được sự chú ý của dư luận là việc lập "Hòm thư góp ý" phát hiện những HS, SV chơi G.O có nội dung không lành mạnh, bạo lực, nghiện G.O để có biện pháp quản lý, giáo dục. Tuy vậy, với hầu hết các nhà trường từ phổ thông tới ĐH, thì đây là một giải pháp không dễ đạt hiệu quả mong muốn.
Để giúp HS, SV tránh xa G.O không lành mạnh, các nhà trường được yêu cầu tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp để thu hút nhiều HS, SV tham gia, tạo sân chơi giải trí phù hợp. Việc xử lý các đại lý internet có sai phạm trên địa bàn cũng được đề cập, với yêu cầu nhà trường phải chủ động hơn trong việc phối hợp với chính quyền địa phương. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu đưa nội dung phòng, chống tác hại của G.O có tính bạo lực và không lành mạnh vào nội dung đánh giá thi đua giữa các lớp, các khoa trong nhà trường.
Thay đổi nhận thức là gốc vấn đề
Phát hiện người vi phạm không khó, bởi có tới gần 60% HS tự nhận đến đại lý internet chơi G.O từ 1-3 lần/tuần, chưa kể thời gian chơi ở nhà (số liệu khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội). Điều quan trọng là thay đổi nhận thức của trẻ. Theo nhiều giáo viên, việc định hướng HS, SV tố cáo vi phạm không phải là sai, nhưng khó để đạt hiệu quả như mong muốn vào thời điểm này bởi phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi HS, trong khi thực tế khảo sát cho thấy có tới hơn một nửa số HS được hỏi không hề biết tới các quy định của Nhà nước về quản lý G.O. Số ít còn lại biết các quy định này qua đọc báo, nghe đài và bạn bè; những hướng dẫn, phổ biến trong trường học không nhiều; sự nhắc nhở của bố mẹ lại càng hiếm. Điều này cho thấy, việc tuyên truyền, phổ biến về tác hại của G.O để các em tự thay đổi nhận thức, tránh xa G.O có nội dung tiêu cực mới là "gốc" của mọi vấn đề.
Khẳng định điều này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Hiếu cho biết: Sau khi có kết quả khảo sát tình trạng HS chơi G.O ở Hà Nội, lãnh đạo ngành đã thống nhất giải pháp tăng cường phổ biến, giáo dục trong HS, SV về tác hại của G.O bằng nhiều hình thức. Kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, trong số hơn 370 nghìn HS được hỏi, có tới gần 60% HS cho biết không hề đọc những nội dung cảnh báo (như độ tuổi được chơi, loại trò chơi, lời nhắc nhở về thời gian chơi…) trước khi đăng nhập trò chơi; hơn 75% HS mải chơi G.O đến nỗi chỉ ngừng chơi khi hết tiền thuê máy hoặc hết thời gian bố, mẹ cho phép. Có tới 53% số được hỏi không hề biết quy định quản lý nhà nước về G.O, điều đó cho thấy việc tuyên truyền các quy định, chế tài của cơ quan quản lý với G.O còn chưa "thấm" được đến đối tượng lẽ ra cần phải biết nhất.
Trong "chiến dịch" tuyên truyền này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, phải phổ biến cho các bậc phụ huynh thấy rõ tác hại của G.O có nội dung bạo lực và không lành mạnh, song cũng cần thông tin để họ thấy lợi ích của internet và những trò chơi trí tuệ. Theo đó, các nhà trường, ngoài việc quản lý chặt sĩ số HS hằng ngày, cần phối hợp thường xuyên với phụ huynh để họ không rơi vào trạng thái cực đoan là cấm hoàn toàn hoặc thả rông con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.