Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành cơ khí nông nghiệp: Đang bận… “ngủ đông”

Chí Kiên| 01/05/2010 06:46

(HNM) - Phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp (NN), nông thôn đang là vấn đề bức thiết trước yêu cầu hiện đại hóa NN, kích cầu sản xuất khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất máy NN, nông cụ ở trong nước lại chậm phát triển, chủng loại máy móc nghèo nàn, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu.

Sản xuất máy động lực phục vụ nông nghiệp tại Công ty Vinappro (Tổng Công ty Máy điện lực và máy nông nghiệp). Ảnh: Văn Khánh


Cơ khí NN đang đứng ở đâu?
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 500 nghìn máy phục vụ sản xuất NN, chủ yếu là máy nổ, máy phát điện; máy cày, gặt đập và các dòng máy chuyên dùng khác. Đáng nói, số máy nhập từ Trung Quốc chiếm đến 60%, máy sản xuất trong nước khoảng 30%, còn lại là nguồn cũ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Máy NN sản xuất trong nước sản phẩm quy chuẩn vừa thiếu, vừa kém chất lượng. Thực tế này khiến nền cơ khí NN nước ta kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu tính theo công suất các loại máy, trung bình Việt Nam mới có 1,16 mã lực/ha canh tác, trong khi Thái Lan 4; Hàn Quốc 4,2; Trung Quốc 6,06... Đây là nguyên nhân cản trở đến gia tăng năng suất và sản lượng NN.

Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mỗi năm nông dân trồng lúa khu vực này mất 3.200 đến 3.600 tỷ đồng vì thất thoát sau thu hoạch (chiếm gần 12% tổng sản lượng). Hiện ĐBSCL có khoảng 42.100 máy tuốt lúa, gần 3.000 máy gặt xếp dãy và 600 máy gặt đập liên hợp... Ước tính, diện tích thu hoạch bằng máy, khoảng 15%, còn lại phải làm thủ công. Chỉ có các khâu như làm đất, bơm tưới, gieo cấy, chăm sóc bước đầu được cơ giới hóa. Hội Cơ khí NN Việt Nam cho biết, việc cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt, khâu làm đất mới đạt 70%; khâu thu hoạch lúa chỉ cơ giới hóa bằng máy gặt rải hàng và máy gặt đập liên hợp; ở khâu bảo quản, trang thiết bị sấy và kho chứa thiếu trầm trọng.

Thiếu gắn bó giữa nghiên cứu với sản xuất
Phó Viện trưởng Viện Cơ điện NN và Công nghệ sau thu hoạch Chu Văn Thiện cho rằng, dù nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ NN của Việt Nam hiện đang rất lớn do quá trình cơ giới hóa NN diễn ra mạnh nhưng nền sản xuất máy, nông cụ ở trong nước lại chậm phát triển, lạc hậu, chủng loại nghèo nàn. Cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh, 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành các loại máy kéo, máy NN, thiết bị cơ khí nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngành nuôi tôm mỗi năm cần khoảng 70 nghìn máy nổ động cơ 6 đến 10 mã lực nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt khoảng 25 nghìn máy.

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển cơ khí, trong đó có cơ khí NN, gồm ưu đãi về tín dụng đầu tư, cơ chế chỉ định thầu, ưu đãi thuế, khoa học công nghệ... Tuy nhiên, thời điểm này chỉ Tổng Công ty Máy động lực và Máy NN (VEAM), Công ty Cơ khí Hà Nội và Công ty Sinco (TP Hồ Chí Minh) có khả năng sản xuất máy móc tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhưng số lượng, thị phần thấp. Nhiều chuyên gia lý giải, do sản xuất máy NN lợi nhuận thấp so với sản xuất máy móc phục vụ các lĩnh vực khác, trong khi máy nhập khẩu từ Trung Quốc lại bán giá rẻ hơn. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ sự thiếu liên kết, gắn bó giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất và người sử dụng máy NN.

Khi nào "bừng tỉnh"?
Có một vấn đề đặt ra, khi có máy móc, thiết bị, ai sẽ làm chủ công nghệ? Nếu trông chờ quá nhiều vào sản phẩm và công nghệ nước ngoài thì càng khó khăn, vì NN gắn chặt với nông thôn và nông dân, nơi mà việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Vì vậy, ngành cơ khí trong nước phải giữ vị trí quan trọng và đi trước một bước. Để "hóa giải", không cách nào khác là tìm tiếng nói chung giữa nhà khoa học, nhà sản xuất và nông dân. Thực tế, chỉ có người nông dân mới biết họ đang cần gì và doanh nghiệp là người lĩnh hội để đứng ra đặt hàng cho nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất. Theo Chủ tịch Hội Cơ khí NN Việt Nam Nguyễn Ngọc Khanh, ngành cơ khí NN cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy NN đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, máy chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tham gia chế tạo thiết bị máy và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức. Ngoài ra, cần hỗ trợ giá thành máy NN, bao gồm khâu thiết kế, chế tạo và mua sắm; nâng cao kiến thức sử dụng, bảo dưỡng máy móc cho nông dân... Giáo sư Phạm Văn Lang, Giám đốc Trung tâm Cơ điện NN và ngành nghề nông thôn cho rằng, hỗ trợ cơ giới hóa NN trong giai đoạn CNH, HĐH có sự cạnh tranh mạnh về lao động là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động NN, hạ giá thành và hạn chế sự suy giảm lợi thế của các sản phẩm NN. Ở phương diện khác, khi được hỗ trợ, giá máy móc sẽ hạ, nhu cầu vì thế gia tăng. Nhu cầu tăng tạo ra quy mô thị trường lớn, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh có cơ sở để đầu tư mở rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành cơ khí nông nghiệp: Đang bận… “ngủ đông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.