Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngang nhiên vi phạm quy chế

Thanh Tàu| 07/08/2015 06:18

(HNM) - Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1 (sử dụng kết quả thi THPT quốc gia) là 20 ngày, kể từ ngày 1-8 đến 20-8 và sau đó, các trường mới công bố điểm trúng tuyển NV1.


"Cầm đèn chạy trước ô tô"

Em Bùi Văn H, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Minh Quang (tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Luật kinh tế, Trường ĐH Nam Cần Thơ với tổ hợp môn xét tuyển gồm văn - sử - địa có điểm lần lượt là: 6,0-6,0-5,8; tổng điểm là 17,8, cộng 1 điểm ưu tiên khu vực 2 nông thôn là 18,8 điểm. Nhưng oái oăm ở chỗ, tại thời điểm nhận giấy báo trúng tuyển ĐH, H. vẫn chưa kịp dự thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Chưa dừng lại đó, Trường ĐH Nam Cần Thơ còn mời thí sinh, chậm nhất là ngày 30-7, đến trường hoàn thành thủ tục nhập học và đóng học phí. Mức học phí học kỳ 1 năm học 2015-2016 là 5.850.000 đồng, lệ phí nhập học 250.000 đồng, bảo hiểm y tế bắt buộc...

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng tại Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.



Trường ĐH Nam Cần Thơ được Bộ GD-ĐT duyệt đề án tuyển sinh riêng bằng cách xét tuyển học bạ THPT. Tuy nhiên, theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, những trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không thấp hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ. Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển theo đề án tuyển sinh riêng bằng phương thức xét tuyển kết quả THPT với điều kiện bắt buộc là phải tốt nghiệp THPT. Thế nên việc Trường ĐH Nam Cần Thơ vội vàng gửi giấy báo trúng tuyển khi thí sinh chưa dự kỳ thi THPT quốc gia (chưa chắc đỗ tốt nghiệp THPT) là sai quy định.

Không riêng ĐH Nam Cần Thơ, ngày 1-8, khi đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển NV1 tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long), nhiều thí sinh đã bất ngờ khi được trường này cấp luôn giấy báo trúng tuyển đại học và yêu cầu đến làm thủ tục nhập học. Điển hình như thí sinh L.N.A.L được cấp giấy báo trúng tuyển NV1 bậc ĐH chính quy ngành Quản lý xây dựng - Đô thị với tổng 3 môn xét tuyển toán - lý - hóa đạt 18,25 điểm. Trường yêu cầu thí sinh này nhập học vào ngày 3-9-2015, sau thời hạn này nhà trường không tiếp nhận. Đáng nói, sự nhập nhèm thể hiện ở chỗ, giấy báo trúng tuyển của trường được in lùi tới ngày 21-8-2015, tức sau ngày được phép công bố điểm trúng tuyển NV1, nhằm hợp thức hóa vi phạm.

Trả lời chất vấn chúng tôi, TS Nguyễn Văn Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây thừa nhận có "cầm đèn chạy trước ô tô" nhưng đó là: "Do sai sót trong xét tuyển của nhà trường nên đã gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh dự thi môn năng khiếu do trường tổ chức có kết quả đạt từ 5,0 điểm trở lên với các ngành tuyển tương ứng". Cũng theo ông Xuân, nhà trường cũng đã kỷ luật bộ phận tuyển sinh.

Nghiêm cấm phát giấy báo nhập học cho thí sinh
Ngày 4-8, Bộ GD-ĐT đã có thông báo tới các trường ĐH, CĐ về việc triển khai công tác tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015. Trong đó Bộ yêu cầu các trường tuyệt đối không phát Giấy báo nhập học/Giấy chứng nhận trúng tuyển cho thí sinh trong thời hạn thu hồ sơ và chưa thực hiện xét tuyển theo lịch quy định của Bộ GD-ĐT
.

Không đơn giản là... sai sót

Theo các chuyên gia ngành giáo dục, các trường trên cố tình vi phạm chứ không đơn giản là sai sót bộ phận này bộ phận kia. Bởi việc xé rào tuyển thí sinh sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trường, đẩy bất lợi cho thí sinh cũng như các trường tuân thủ nghiêm túc quy định của Bộ.

Quy định của Bộ là: "Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 trước ngày 25-8" dễ dẫn tới suy luận là ngày nào trước 25-8 cũng được và các trường đã cố tình hiểu theo suy luận đó để "lách" luật. Trong bối cảnh nhiều trường ĐH, CĐ đang cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, việc "giành giật" được càng nhiều thí sinh, càng sớm sẽ càng tốt. Đó chính là lý do khiến các nhà trường cố tình vi phạm. Và đương nhiên, những trường tuân thủ đúng quy định sẽ bất lợi.

Còn với thí sinh và phụ huynh, việc "bỗng nhiên" nhận được giấy trúng tuyển đại học, với tâm lý "đại học là giấc mơ" nên sẽ nhanh chóng nộp hồ sơ, đóng học phí... Điều này dẫn đến tự đánh mất cơ hội học trường phù hợp với năng lực cũng như điều kiện kinh tế.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề kinh tế công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm trước đây rất ít trường làm sai quy định bị phát hiện. Vì vậy cần phải có chế tài mạnh hơn, không thể để các trường lách luật, ra sức vét sinh viên như hai trường ĐH trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngang nhiên vi phạm quy chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.