(HNMO) - Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến nhằm hạn chế những tác dụng tiêu cực từ việc lợi dụng quy định của pháp luật để tố cáo cán bộ với mục đích xấu.
Còn nhiều băn khoăn
Là một trong những vấn đề được đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự luật. Theo dự thảo, sẽ giữ nguyên quy định về hai hình thức tố cáo là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, ngoài hai hình thức trên, cần xem xét bổ sung các hình thức khác như thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định.
Góp ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng dự án luật còn có những nội dung cần phải có sự phân tích đánh giá thật kỹ để quyết định trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và phải có tính khả thi.
"Với cơ quan Thanh tra Chính phủ, chúng tôi lưu ý vấn đề khả thi. Nếu chúng ta đưa ra khung, quy định mà sau này làm không đầy đủ hết trách nhiệm thì dễ bị Quốc hội phê bình", đại biểu Lê Minh Khái nói.
Về đề xuất của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, đại biểu cho rằng, với thực trạng và nguồn nhân lực hiện nay, nếu quy định tiếp nhận, xử lý các hình thức tố cáo này thì khó đáp ứng được. Bởi khi tiếp nhận, cơ quan chịu trách nhiệm phải đi xác minh ban đầu. Tố cáo qua điện thoại thì không có chữ ký, trong khi phải xác minh được họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ… thì mới tiến hành thụ lý được.
Bày tỏ sự thống nhất với hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp, đại biểu Triệu Tài Vinh (Đoàn Hà Giang) cho rằng, việc thêm cả hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại sẽ rất khó thực thi. Qua hình thức tố cáo này, cơ quan chức năng có thể tìm được người tố cáo, nhưng phải sử dụng các biện pháp đặc biệt và không loại trừ khả năng khi tìm được, người đó đã dùng số thuê bao khác rồi.
Tránh tình trạng “hạ cánh an toàn”
Phân tích về việc bảo vệ quyền lợi của người bị tố cáo, đại biểu Trịnh Thị Ngọc Thuý, Phó Chánh án Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tại dự thảo luật, người bị tố cáo được bảo đảm quyền lợi của mình khi chưa có kết luận tố cáo là điểm mới, tiến bộ đáng hoan nghênh. Nhưng, với các trường hợp tố cáo từ trước đến nay, việc này chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Theo đại biểu, không loại trừ việc tố cáo có mục đích xấu. Có thực tế là khi cán bộ tới giai đoạn luân chuyển, bổ nhiệm thì hay bị tố cáo. Rõ ràng, quyền, lợi ích của người bị tố cáo bị xâm phạm. Cơ quan tổ chức có thể mạnh dạn làm quy trình cán bộ khi có những đơn này và khi đơn tố đúng thì mạnh dạn bãi miễn, như thế sẽ không mất cơ hội của cán bộ. Nếu thực hiện được như vậy, các đơn tố cáo mục đích xấu sẽ giảm, cơ quan nhà nước cũng sẽ không mất thời gian giải quyết, công chức cũng sẽ bộc lộ tính năng động, không sợ đụng chạm, tạo cớ cho người khác làm đơn tố cáo không đúng...
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết từng nhận đơn tố cáo qua điện thoại. Khi xác minh thì phát hiện đây là sim rác và mất dấu luôn. Sau đó, đại biểu lại nhận được tin nhắn từ sim rác khác hỏi tại sao không trả lời, giải quyết vụ việc. Nếu luật Tố cáo đi vào cuộc sống, đây sẽ là cơ sở để tránh tố cáo tràn lan, gây mất thời gian, công sức của cơ quan chức năng.
Đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội (Đoàn Hà Nội) góp ý về xử lý đơn tố cáo với những cán bộ đã nghỉ hưu. Theo đại biểu, Luật Cán bộ công chức, viên chức chưa quy định việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu. Tuy nhiên mong muốn của người dân và một số đại biểu quốc hội là phải xử lý cả các trường hợp này nếu có vi phạm. Cái khó là với những người nghỉ hưu, theo quy định, họ không còn là cán bộ ở cơ quan đó nữa. Vậy khi cơ quan của người cán bộ này nhận được tố cáo về các vi phạm hành chính của người cán bộ đó trong quá trình công tác trước kia, thì có xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu đó hay không là vấn đề phải tính tới.
Với người nghỉ hưu bị tố cáo về vi phạm hành chính, đại biểu Đào Thanh Hải đề nghị luật cần có quy định cụ thể và giao một cơ quan chuyên thụ lý, xử lý để việc thực thi luật tố cáo được đầy đủ, toàn diện, không để lọt sai phạm. Điều này cũng khắc phục tình trạng cán bộ có nhiều vi phạm khi đương chức nhưng vẫn "an toàn” sau khi "hạ cánh"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.