Góc nhìn

Ngăn ngừa tai nạn sông nước mùa lễ hội

Hà Trang 19/02/2025 - 06:47

Lễ hội trên sông nước là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân tại nhiều địa phương ở nước ta. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính đối với thiên nhiên, cầu nguyện cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành và hạnh phúc…

Tuy nhiên, các điểm du lịch cũng như các hoạt động lễ hội trên sông nước thường luôn đông người, lượng phương tiện nhiều, nếu các tàu thuyền không được trang bị đầy đủ thiết bị cứu nạn, cứu hộ, không được giám sát, điều tiết, phân luồng thì hoạt động thể thao, lễ hội, du lịch trên sông nước luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Cách đây không lâu, vào sáng 8-2, xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Chợ Được. Khi đến hoa tiêu ở vòng đua thứ 3, thuyền đua của thôn Phước An (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) gặp nạn, bị lật và chìm. Vụ tai nạn khiến 2 người bị thương nhẹ đã được đưa đến bệnh viện ở huyện Thăng Bình để điều trị. Còn 1 người bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.

Cũng tại huyện Thăng Bình, cách đây vài ngày, tại giải đua thuyền truyền thống xã Bình Giang cũng xảy ra vụ lật thuyền, may mắn không có ai bị thương… Đây chính là những “tiếng chuông” cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn cho các lễ hội trên sông nước.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội mỗi năm có hơn 1.500 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội liên quan đến sông nước. Để bảo đảm an toàn trước, trong các lễ hội trên sông nước, ngay từ đầu năm 2025, các Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã bố trí lực lượng, phương tiện, triển khai phương án bảo vệ chặt chẽ tại những khu vực có lễ hội rước nước, đua thuyền truyền thống...

Cũng như cả nước, Hà Nội hiện mới bắt đầu vào mùa lễ hội. Để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra, Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3-8-2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Cảnh sát đường thủy tại các địa phương có lễ hội liên quan đến sông nước cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cơ sở thường xuyên kiểm tra phương tiện chở người tham gia lễ hội. Yêu cầu chủ tàu, đơn vị tổ chức lễ hội trên sông nước tuân thủ quy định an toàn đường thủy, đồng thời phân luồng giao thông để tránh ùn tắc, va chạm, tai nạn trên sông, hồ, xử lý nghiêm với các vi phạm.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch, cần bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi tổ chức du lịch đường thủy. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải tiến hành các bước chuẩn bị cẩn thận trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn du khách chấp hành nghiêm quy định, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tham quan.

Với khách du lịch, cần chọn đơn vị tàu thuyền uy tín, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, chấp hành nghiêm nội quy an toàn đường thủy, không tự tiện di chuyển ra các khu vực nguy hiểm, bình tĩnh khi có sự cố, không hoảng loạn, tuân thủ theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, thuyền viên trên tàu… Có như thế chúng ta mới ngăn ngừa không để xảy ra các tai nạn trên sông nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội vui tươi, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa tai nạn sông nước mùa lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.