Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa sai sót trong bệnh viện: Bắt đầu từ đâu?

Thu Trang| 11/07/2017 06:49

(HNM) - Dù xảy ra đã hơn một tháng nhưng đến nay, vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 8 bệnh nhân chạy thận ở tỉnh Hòa Bình tử vong vẫn là nỗi ám ảnh với cộng đồng...

Tuân thủ quy trình bảo dưỡng, bảo quản trang thiết bị y tế là góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.Ảnh: Bá Hoạt


"Lỗ hổng" dẫn đến tai biến y khoa


Ngày 29-5, sự kiện đau lòng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), khi hàng loạt bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Một tháng sau, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã vào cuộc điều tra và kết luận ban đầu: Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị ký hợp đồng súc rửa hệ thống lọc nước RO - không tuân thủ đúng quy trình, khiến hàm lượng Florua còn tồn trong hệ thống cao gấp 245-260 lần so với mức cho phép… Dù chưa kiểm định mẫu nước nhưng công ty vẫn bàn giao cho bệnh viện sử dụng. Hàm lượng Florua quá mức an toàn là nguyên nhân gây ra sự cố nghiêm trọng.

Đề cập đến vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, cần rút kinh nghiệm ở cả quy trình làm việc của nhân viên y tế và phía đơn vị bảo dưỡng trang thiết bị. Khi bảo dưỡng trang thiết bị, các cơ sở y tế cần phải chọn đơn vị có năng lực và giám sát, kiểm tra hoạt động của các đơn vị này. Nhìn rộng hơn, trong lĩnh vực y khoa, tai biến rất dễ xảy ra khi có sự cố liên quan đến chất lượng trang thiết bị, thuốc..., bởi vậy, các cơ sở y tế không được chủ quan ở bất kỳ khâu nào. “Trong phòng mổ có đường khí CO2 và đường khí oxy. Thế nhưng, từng có cơ sở y tế cho bệnh nhân thở CO2; khi phát hiện ra thì bệnh nhân đã tử vong. Quy trình rõ ràng, các bước kỹ thuật có đủ, nếu thực hiện đúng thì rất ít khi xảy ra tai biến”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lưu ý.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có 1.336 bệnh viện và khoảng 12.000 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Để hệ thống y tế hoạt động thường xuyên cần có số lượng lớn máy và thiết bị y tế. Điều này đòi hỏi công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng phải được thực hiện cẩn thận và chuẩn hóa, vì chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền.

Yêu cầu là vậy nhưng thực tế nhiều khi không như mong muốn. Phân tích về công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện nay, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức - Cấp cứu và Chống độc Việt Nam thẳng thắn nói: "Để giúp các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm tốt công việc cần phải có hệ thống trang thiết bị y tế và có đội ngũ bảo dưỡng, bảo trì máy móc thường xuyên. Tôi đã đi nhiều nơi, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” tại các tuyến y tế cơ sở, điều nhận thấy là công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị y tế hiện nay chưa tốt, nguồn nhân lực phục vụ vừa thiếu, vừa yếu".

Cần có đánh giá độc lập

Thực hiện chụp cắt lớp tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều ý kiến cho rằng, 50% số ca tai biến có thể đã không xảy ra nếu việc quản lý chất lượng bệnh viện được thực hiện nghiêm túc, theo hướng chuẩn hóa. Bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh, chuyên gia về lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện phân tích: Quá trình chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi sự tham gia của cả dây chuyền, chỉ một người không làm tốt phần việc của mình là người bệnh đã có thể gặp nguy hiểm. Đơn cử, một bác sĩ giỏi đề ra cách điều trị đúng, chỉ định đúng nhưng nếu điều dưỡng tiêm nhầm thuốc thì bệnh nhân vẫn có thể tử vong. Bởi vậy, nếu không có cơ chế quản lý chất lượng bệnh viện theo hướng chuẩn hóa, được thực hiện và giám sát chặt chẽ thì sẽ không gắn kết được các cá nhân trong dây chuyền, dẫn đến “mạnh ai người nấy làm”, để xảy ra tai biến.

Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện là yêu cầu bắt buộc, góp phần mang lại niềm tin cho người dân sau những vụ tai biến y khoa. Nhưng trên thực tế, các chỉ tiêu để đánh giá công tác của bệnh viện dường như chỉ đề cập tới số giường bệnh điều trị, công tác cải cách thủ tục hành chính… Những sai sót chuyên môn hay tai biến y khoa gần như không xuất hiện trong các báo cáo kiểm tra định kỳ.

Nhìn ra một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia…, việc đánh giá chất lượng bệnh viện được giao cho những cơ quan độc lập. Cách đánh giá của những cơ quan này cũng khác, được thực hiện dựa vào việc phỏng vấn nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, qua sự quan sát cách thức tổ chức dịch vụ hay việc chăm sóc bệnh nhân, xem xét hồ sơ bệnh án. Bởi thế, kết quả đánh giá bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch...

Để hạn chế tai biến y khoa, việc cần làm là bịt các lỗ hổng xuất hiện trong quy trình. Phương pháp chủ đạo là nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng bệnh viện, thực hiện đánh giá, giám sát, kiểm tra một cách khách quan, minh bạch, "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm".

GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự cố y khoa là nhân viên y tế chủ quan, không thực hành nghiêm túc quy trình, quy tắc, nguyên tắc y học. Với bất kể ngành nào, sự tắc trách đều khó chấp nhận. Riêng đối với ngành Y thì càng không thể chấp nhận bởi “sai một li đi một dặm”. Do vậy, điều người bệnh cần là sự tận tâm, trách nhiệm của mỗi nhân viên và người đứng đầu cơ sở y tế.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa sai sót trong bệnh viện: Bắt đầu từ đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.