Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu

Hà Linh| 28/01/2023 06:13

(HNM) - Hiện, tình trạng nợ xấu về cơ bản đã được xử lý triệt để, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại dưới ngưỡng 2% (1,92%). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023. Để kiểm soát, ngăn ngừa nợ xấu, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tăng tỷ lệ trích lập phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý…

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank). Ảnh: Nguyễn Quang

Trong vòng kiểm soát

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 8-2022, tổng tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng xấp xỉ 5%, giảm so với mức 6,3% cuối năm 2021. Ngành Ngân hàng đã thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức an toàn và trong vòng kiểm soát.

Đáng chú ý là hiện các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu rất lớn. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, hơn 400%. Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 39.000 tỷ đồng (tăng 52%), đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 220%.

Các ngân hàng khác như: Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Á Châu (ACB) đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. 

Tuy nhiên, số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,4% cuối tháng 3-2022 đã tăng lên 1,9% vào tháng 8-2022 và 1,92% vào cuối năm 2022. Theo Giám đốc khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect Trần Thị Khánh Hiền, xu hướng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên đã được dự báo từ trước. Nguyên nhân là chính sách giãn và hoãn nợ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 hết hiệu lực từ ngày 30-6-2022 và từ đó, nhiều khoản nợ xấu bắt đầu lộ dần.

Các chuyên gia cũng cho rằng, rủi ro nợ xấu tăng lên khi những khó khăn của thị trường thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến lượng đơn hàng sụt giảm. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tác động xấu lên chất lượng tài sản của các ngân hàng. Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đơn vị có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao. Ảnh: Đỗ Tâm

Dự báo cho năm 2023

Dự báo cụ thể hơn về nợ xấu trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng áp lực nợ xấu tăng rất lớn và việc thị trường bất động sản chững lại sẽ tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng. Thêm vào đó, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp khác ngoài lĩnh vực bất động sản cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu bị ảnh hưởng do cầu thế giới suy giảm; cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng chậm khi hiệu ứng mua sắm sau dịch Covid-19 qua đi và khu vực sản xuất gặp khó khăn. Ngoài ra, lãi suất tăng cao cũng gây áp lực lên khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn để tái cơ cấu các khoản vay của doanh nghiệp.

Giám đốc khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect Trần Thị Khánh Hiền thông tin, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính hơn 300.000 tỷ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản và tài chính - ngân hàng chiếm lần lượt 30% và 40%. Đáng chú ý, khoảng 46.000 tỷ đồng trái phiếu địa ốc đáo hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ là một thử thách lớn cho hệ thống ngân hàng. Việc đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất cấp thiết trong thời điểm này. “Song, nếu các giải pháp được triển khai thì tôi cho rằng, các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tư vấn, nhà đầu tư…) cũng cần thời gian thích ứng. Vì vậy, trong nửa đầu năm 2023, nợ xấu sẽ có xu hướng gia tăng. Tình hình chỉ được cải thiện dần từ nửa cuối năm 2023 khi lãi suất hạ nhiệt và các biện pháp tạo dựng niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát huy tác dụng”, bà Trần Thị Khánh Hiền nói.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng duy trì quan điểm, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.

Để ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu phát sinh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành Ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, ngành Ngân hàng chú trọng xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra và nâng cao hiệu quả giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng.

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm; bán nợ theo cơ chế thị trường; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng thẩm định tín dụng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.