(HNMO)- Cái vẩy tay quạt như giận dỗi. Ngón tay thon kia, khép nan nửa chừng đã làm tôi ghen tị với anh kép đẹp trai khi được ngỏ lời yêu. Rồi khi cái quạt được mở xoè hết cỡ, vang lên một âm thanh như reo vui thì tôi phải nhắm mắt vì sợ nhìn thấy hình ảnh tay trong tay, má kề vai của cặp tình nhân.
"Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quan tử lúc mưa sa” (Hồ Xuân Hương)
(HNMO)- Tôi như bị ma ám vì lẩn thẩn đi theo cô đào hát ấy. Cô hát chèo một thời nức tiếng và đặc biệt có tài múa quạt biểu đạt tâm trạng của vai diễn. Giọng cô ngọt và trong vắt đã làm tôi ngây ngất, còn cái quạt trong tay cô luôn luôn làm tôi giật mình, thảng thốt ngay cả trong cơn mơ.
Cái vẩy tay quạt như giận dỗi. Ngón tay thon kia, khép nan nửa chừng đã làm tôi ghen tị với anh kép đẹp trai khi được ngỏ lời yêu. Rồi khi cái quạt được mở xoè hết cỡ, vang lên một âm thanh như reo vui thì tôi phải nhắm mắt vì sợ nhìn thấy hình ảnh tay trong tay, má kề vai của cặp tình nhân. Cứ thế cái quạt trong tay cô đào đeo đuổi tôi hoài…
Đó là những kỷ niệm thuở trai trẻ chợt hiện về khi tôi đến đình Phiến Thị thắp hương cho ông tổ nghề làm quạt họ Đào ở số 4 phố Hàng Quạt, Hoàn Kiếm Hà Nội. Dễ cũng đến vài trăm năm, ông Đầu Quạt đã đi xa nhưng người làng Đào Xá, Hưng Yên nhớ ơn ông khi cất phố làm quạt tại đất Hà Thành. Và cũng chỉ có thợ làm quạt tre ở đây chuyên dùng giấy bản, giấy dó của làng Yên Thái. Chứ không như các thợ làm quạt ở làng quê khác phải mua giấy điều tận Bắc Ninh. Bất chợt tôi nhớ có lần cô đào chèo mách rằng quạt để múa phải đặt tận thôn Lủ làng Kim Lũ, Thanh Trì xưa kia. Thảo nào quạt của đào nương thường được dán đôi lớp lụa màu thưa mỏng, tạo nên làn gió thơm mượt, qua cổ tay dẻo đến mê mẩn lòng người.
Đúng thế, sau này tôi mới biết rất nhiều nơi làm quạt giấy hoặc quạt gỗ, quạt sừng chứ chẳng cứ gì cái xứ Đầu Quạt như làng Đào Xá. Nếu quạt Hới của làng Hải Yến, Hưng Yên nuột vì có nan bằng trúc, thì quạt Vác của làng Canh Hoạch, Thanh Oai, Hà Nội lại kỳ thú ở hình tượng đa dạng bằng kim châm vẽ nên. Hay như, quạt nan làng Vẽ, Đông Ngạc, Hà Nội chỉ làm bằng tre, nứa đan thành hình lá Vả, hình Thang rõ là đẹp nhưng lại không độc đáo bằng quạt làng Đơ, quận Hà đông, Hà Nội khi làm bằng những chiếc lông ngỗng…Ấy là chưa nói đến một số làng ở các tỉnh như Huế và Quảng Trị cũng làm quạt bán khắp lục tỉnh phía nam. Nhưng điều làm tôi thấy thích thú là ở những chiếc quạt múa ở chiếu chèo sân đình và các lễ hội làng. Quạt mà cô đào của tôi múa sau này còn được thửa ở làng Chàng Sơn, huyện Đan Phượng. Ở làng này nức tiếng có ông Dương Văn Mơ, chuyên làm quạt lụa cho lễ hội và các loại quạt nghệ thuật cao cấp xuất ngoại. Hàng toàn do các thương gia phương Tây hay Nhật đặt mua, với nhiều mẫu và hình vẽ độc đáo. Nhưng có dịp gặp tôi hỏi về chuyện làm quạt giấy của bà con trong làng, thì ông Mơ buồn hẳn, rồi nói: “Thời buổi này khó sống bằng nghề làm quạt giấy cho người tiêu dùngông ạ. Phập phù lắm vì thu nhập rất thấp. Gia đình nào cũng dùng quạt điện, hay máy điều hoà…”
Ông lặng đi có lẽ vì mấy đời gia đình ông theo nghề làm quạt giấy để bán nhưng giờ thì theo làng bỏ cả. Duy chỉ có vợ chồng ông vẫn còn tha thiết với nghề, nhưng cũng chỉ làm quạt khi được đặt hàng theo yêu cầu của thập phương. Mặc dù đã có những chuyến hàng bán tới hàng ngàn chiếc nhưng ông Mơ vẫn buồn vì làng nghề này đã bị mai một. Ông làm quạt với bao nỗi niềm thấp thỏm vì sự nhớ một thời cả làng náo nức và sinh sống bằng nghề làm quạt thuở hàn vi. Chính vì lẽ đó mà giờ đây ông còn làm thêm nghề bốc thuốc để kiếm sống, bởi ngày càng khó thuê nhân công làm quạt với đồng lương ít ỏi. Hầu như mọi người đã chuyển làm nghề khác để kiếm ăn dễ hơn.
Cũng giống như dân làng Chàng Sơn, đến 95% gia đình ở làng Vác đã bỏ nghề làm quạt, mà chuyển sang làm lồng chim, cung cấp cho thị trường. Bán lồng chim tốt tiền hơn nên nhiều gia đình ở đây khá giả lắm. Có dịp tháng 13-3 âm, mới rồi tôi về dự hội làng Vác mới chứng kiến sự đổi mới nhanh chóng đến vậy. Hậu cung đình vẫn còn thờ Quạt. Hay trang trí khánh tiết lễ hội vẫn dùng hình tượng quạt. Một đội múa quạt gồm những người trẻ tuổi khi đi rước, giờ đây chỉ dể lại dư âm tiếc nuối một làng nghề bị biến mất. Đến nhà bà Lưỡng, 77 tuổi, một trong số ít người còn làm quạt hiện nay, tôi càng có cảm giác bâng khuâng vì bà nói: “Ít người làm quạt lắm ông ạ. Cả sáu đứa con tôi đều đi buôn bán hoặc làm việc khác. Chỉ còn cánh già chúng tôi làm cho đỡ buồn vì không thể làm được việc gì khác.”
Khi tôi hỏi về chuyện bán những chiếc quạt giấy màu tím đang phơi ở ngoài sân, thì bà không nói chỉ chép miệng lắc đầu và chỉ rầu rầu nhắc đến câu ca xưa, đầy tự hào của làng:
“Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về Canh Hoạch với anh thì về
Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề
Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuôn”
Nhưng rồi bà vẫn khoe rằng, có mấy người trong làng làm quạt thờ đẹp lắm, bán được nhiều tiền nhưng giờ chết hết cả. Con cháu chả tha thiết với nghề của ông cha nữa. Nghĩ xót lắm nhưng đành chịu.
Lại nhớ, có lần tôi đến nhà đào nương, người tình trong mộng của tôi ở tại căn hộ cao cấp khu Mỹ đình để ngắm bộ sưu tập quạt múa suốt một đời của cô, mới biết trong đó có một chiếc quạt của một nghệ nhân bị tật nguyền, nổi tiếng ở Hà Nội. Đó là Nguyễn Lân Tuyết, con gái út của nghệ nhân tài hoa Nguyễn Đức Lân cũng ở Chàng Sơn. Nhưng cô lại thoát ly mang theo nghề của gia đình và mở xưởng sản xuất tại phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội. Tất nhiên cô cũng không thoát khỏi lực hút của thị trường nên chỉ làm quạt trang trí, khổ lớn, hoặc quạt biểu diễn trong nghệ thuật và lễ hội. Phải nói nghệ nhân Nguyễn Lân Tuyết có tài biến hoá mọi hoạ tiết dân gian được nhập thần vào các nan quạt và trên vóc lụa, với các hình tượng Thánh Gióng, tranh Đông Hồ, thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng...Cô từng tâm sự: “Nghề làm quạt tre quạt giấy đang bị lãng quên. Trong khi mọi người hướng đến sự hiện đại thì tôi vấn chung thuỷ với chiếc quạt nan”.
Nghệ nhân Nguyễn Lân Tuyết, với chiếc nạng gỗ đã đi khắp nơi, sang Nhật, Mỹ…để quảng bá những sản phẩm tre Việt. Chị đã thành công với ý nguyện phát huy nghề truyền thống, theo chiều hướng hoà nhập cộng đồng quốc tế, nhưng vẫn bảo tồn được nét đẹp truyền thống, mềm mại khiêm nhường và đôn hậu. Đáng chú ý chị đã làm được chiếc quạt lớn có đường kính dài tới 3m để dự triển lãm. Tưởng đây đã là chiếc quạt đạt kỷ lục của chị nhưng vẫn không ăn thua với chiếc quạt khổng lồ của hai nghệ nhân, Dương Văn Mơ và Phi Quang Bộ, cùng quê chị thực hiện, với chiều dài đường kính khi mở ra dài 9m, nan quạt cao tới 4m5. đúng là một cái quạt phi thường. Nói đến tấm bằng xác nhân kỷ lục của mình, ông Mơ cũng tỏ ra tự hào, nhưng rồi niềm vui chẳng được tầy gang, ông vẫn khắc khoải về cái mất cho cả làng, đó là nghiệp của Chàng Sơn quê hương. Nghe ông tâm sự tôi sực nhớ đến bài thơ dân gian “Thằng Bờm”. Nó đã cười vui khi đổi chiếc quạt mo lấy nắm xôi, mới hay sự đời vẫn chỉ quanh quẩn ở cái thực dụng chứ chẳng thể đi xa. Thế mới hay vì sao tôi cứ ngẩn ngơ bởi câu hát của cô đào trong điệu chèo “Con nhện giăng mùng”. Lời ca có câu:
“Gió đông lay động bức mành
Tay em nhóm than quạt hồng cho anh học, gió lạnh trời đông
Tay em nhóm than quạt hồng cho anh học mà để chữ tình anh viết nét son…”
Và bỗng dưng hình ảnh cô gái cái ngày xưa ấy trên chiếu chèo sân đình bỗng hiện lên với các động tác biến hoá và tạo nên hồn cốt của chiếc quạt trong bao ước lệ. Khi xoè khi khép, lúc đó khi là trang sách đề thơ, và khi lại là mây bay, sóng tình cuộn chảy, trong điệu múa quạt làm sững sờ lòng người. Chả thế mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã phải vịnh về chiếc quạt rằng:
“Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này”
Hay bà còn ví von đến gợi tình:
“Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa”
Thật đã! Quạt là như thế. Nó gắn bó với con người từ lâu đởi và mang bao nỗi niềm của con tim. Nó là gió. Nó là tình. Nó là múa ca và nó còn là niềm vui của sự sống được gửi trao. Nỗi niềm ngậm ngùi của người già, của một thời miếng cơm manh áo, thật đáng chia sẻ. Một cuộc chia ly không chờ, không hẹn. Cái quạt nồng nàn tình nghĩa ấy với làn gió hương quê đã bỏ ta đi. Cho dù đã một thời những người con đã từng:
“Thức khuya dậy sớm cho cần
Quạt nồng, ấp lạnh giữ phần đạo con”
Vậy mà sự mai một có nguy cơ mất hẳn những làng nghề làm quạt giờ đây có phải chỉ vì những người con không báo hiếu, ngoảnh mặt với quá khứ hay vì chạy theo thời cuộc mưu sinh? Nỗi buồn cứ man mác man mác theo làn gió…
Khi vừa bước ra khỏi miếu thờ ông Đầu Quạt, tôi chợt dừng chân đứng ngẩn ngơ ở giữa phố Hàng Quạt, vì chợt nhớ tới giọng hát của cô đào chèo nỉ non rằng: “Đêm khuya gió quạt trăng tàn-Trách con gà trống gay tan tình cờ”. Và trước mắt tôi, hình ảnh lễ rước quạt ở làng Canh Hoạch hiện lên như một cuộc chia tay, vì nó cứ đi xa hun hút, mờ ảo trên cánh đồng làng. Lúa đã bắt đầu trổ đòng màu cốm. Một làn gió thơm đâu đó chợt lùa đến, quạt mát lịm những ký ức trong tôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.